Đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
Qua 8 năm thực hiện Quyết định 89 của Thủ tướng Chính phủ về đề án Xây dựng XHHT giai đoạn 2012-2020 của tỉnh (gọi tắt là Đề án 89), đến nay đã có sự chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, thích ứng với các điều kiện và yêu cầu trong tình hình mới.
Báo Phú Yên phỏng vấn ông Ngô Ngọc Thư, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT xoay quanh nội dung này.
* Ông có thể cho biết những thành tích nổi bật qua 8 năm thực hiện Đề án 89?
Ông Ngô Ngọc Thư
- Thực hiện đề án Xây dựng XHHT giai đoạn 2012-2020 của tỉnh, hàng năm các sở, ban ngành, hội đoàn thể và các địa phương, nhà trường trên địa bàn tỉnh đã hưởng ứng tích cực. Các đơn vị chủ động tổ chức lễ phát động “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời với các chủ đề: “Học cho bản thân và những người xung quanh hạnh phúc”, “Học tập để phát triển quê hương, đất nước”, “Trường học vĩ đại nhất chính là sách vở”, “Đọc và học tập suốt đời theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại”… Qua đó góp phần thay đổi nhận thức, tạo được niềm tin trong nhân dân về lợi ích của việc học tập suốt đời, góp phần xây dựng XHHT ngày một tốt hơn.
Phong trào khuyến học, khuyến tài đã trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng, phát huy mạnh mẽ truyền thống hiếu học, tạo điều kiện để mọi người dân đều được học tập và học tập suốt đời. Qua đó phát triển mạnh mẽ phong trào “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”…
Các hoạt động giáo dục, học tập, hỗ trợ học tập được tổ chức gắn với phong trào thi đua xây dựng “Cơ quan văn hóa”, “Gia đình văn hóa”, “Khu phố, thôn văn hóa”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tạo ra một không khí thi đua sôi nổi tại các khu dân cư, góp phần đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững quốc phòng - an ninh…
Phong trào khuyến học, khuyến tài đã trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng, phát huy mạnh mẽ truyền thống hiếu học, tạo điều kiện để mọi người dân đều được học tập và học tập suốt đời.
* Trong quá trình thực hiện, Ban chỉ đạo Đề án 89 của tỉnh gặp những khó khăn, trở ngại gì?
- Để tổ chức Đề án 89, hầu hết các cơ quan, đơn vị đều gặp khó khăn về kinh phí thực hiện. Hệ thống cơ sở vật chất ở một số địa phương, đơn vị bước đầu được đầu tư xây dựng nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân trên địa bàn. Một số trung tâm học tập cộng đồng không có trụ sở cố định. Công tác giáo dục nghề nghiệp gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu.
Một số địa phương chưa thực hiện tốt việc khảo sát nhu cầu đào tạo nghề, chuyển đổi nghề của lao động nông thôn nên chưa phát huy việc đào tạo nghề gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động. Ngoài ra, một số xã chưa thật sự quan tâm công tác xây dựng XHHT. Công tác xóa mù chữ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa thực sự ổn định và vững chắc; số người tham gia các lớp học xóa mù chữ không nhiều.
* Ban chỉ đạo Đề án 89 của tỉnh cần phải làm gì để thực hiện tốt đề án trong thời gian tới, thưa ông?
- Ban chỉ đạo Đề án 89 của tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị căn cứ vào nhiệm vụ được giao để xây dựng chương trình, kế hoạch, xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, phù hợp với đặc điểm, tình hình địa phương, đơn vị; định ra lộ trình, cân đối, huy động các nguồn lực để thực hiện, tổ chức kiểm tra, đánh giá kịp thời.
Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo Đề án 89 tỉnh cũng đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện đề án trong giai đoạn 2020-2025. Theo đó, chỉ đạo các đơn vị phải thực hiện theo hướng dẫn của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương. Trong đó tập trung xây dựng mô hình “Công dân học tập”; đổi mới chính sách thu hút, đãi ngộ, chính sách hỗ trợ đào tạo sau đại học; tiếp tục thực hiện tốt việc tinh giản biên chế trong bộ máy nhà nước kết hợp với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong cán bộ, công chức, viên chức.
Thực hiện đề án Đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn có hiệu quả; tập trung đào tạo nghề theo vị trí làm việc trong doanh nghiệp, làng nghề, hợp tác xã, gắn với thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP và đào tạo nghề cho người đi làm việc ở nước ngoài.
* Xin cảm ơn ông!
HIẾU TRUNG (thực hiện)