Đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện cho học sinh

Bên cạnh nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường, thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Quảng Trị luôn quan tâm đến việc giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh, sinh viên, từ đó đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện cho các em.

Một hoạt động ngoại khóa do Trường THPT Chế Lan Viên tổ chức nhằm giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh -Ảnh: Trường THPT Chế Lan Viên

Một hoạt động ngoại khóa do Trường THPT Chế Lan Viên tổ chức nhằm giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh -Ảnh: Trường THPT Chế Lan Viên

Đóng trên địa bàn xã Thanh An, huyện Cam Lộ, Trường THPT Chế Lan Viên luôn xác định rõ quan điểm giáo dục là “Dạy chữ và dạy người”, muốn dạy chữ trước hết phải dạy người. Do vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà trường luôn coi trọng và thực hiện có hiệu quả đó là công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh và xây dựng môi trường học tập an toàn.

Việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, nhân cách cho học sinh được trường thực hiện với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, cách thức triển khai mới mẻ, sinh động. Các hoạt động giáo dục truyền thống gắn với địa chỉ đỏ được quan tâm triển khai. Cùng với đó, nhà trường còn tạo ra sân chơi lành mạnh giúp học sinh thư giãn, thoải mái sau những giờ học căng thẳng trên lớp. Nội dung, hình thức, chủ đề hoạt động được cải tiến, đa dạng.

Một số nội dung được tích hợp vào chương trình chính khóa của các tiết dạy Giáo dục công dân, Lịch sử, Địa lý, Ngữ văn, qua đó nâng cao hiểu biết, kinh nghiệm và kỹ năng sống cho học sinh.

Hiệu trưởng Trường THPT Chế Lan Viên Phạm Thị Ánh Tuyết cho biết: “Nhờ xác định phương châm giáo dục đạo đức, lối sống và nhân cách cho học sinh là “đòn bẩy” để nâng cao chất lượng giáo dục nên Trường THPT Chế Lan Viên đã có bước tiến rõ nét, chất lượng giáo dục từng bước được nâng cao, kết quả thi tốt nghiệp năm sau cao hơn năm trước. Năm học 2023-2024, tỉ lệ học sinh giỏi đạt 11,51%; khá 53,6%; tỉ lệ học sinh hạnh kiểm tốt đạt trên 66,5%; hạnh kiểm khá đạt trên 19,2%”.

Để giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh, các hoạt động tuyên truyền về xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học được ngành GD&ĐT tỉnh đẩy mạnh thực hiện với các hình thức triển khai phong phú, sinh động.

Theo đó, các cơ sở giáo dục (CSGD) đã chú trọng phát huy nền tảng công nghệ số để nắm bắt tình hình tư tưởng của học sinh. Thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, các phong trào thi đua, hoạt động tuyên dương, khen thưởng, vinh danh tấm gương người tốt, việc tốt đã có tác động mạnh mẽ đến học sinh và góp phần nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp và bậc cha mẹ học sinh.

Các phong trào thi đua, cuộc vận động của tổ chức đoàn, hội, đội trong và ngoài nhà trường được đẩy mạnh tổ chức nhằm giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh.

Thông qua việc thực hiện các phong trào thi đua đã phát huy hiệu quả, thu hút đông đảo học sinh tham gia, tạo sân chơi bổ ích để học sinh rèn luyện đạo đức, hình thành lối sống lành mạnh. Qua đó đã có rất nhiều tấm gương học sinh vượt khó học giỏi, có những hành động đẹp trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, các CSGD thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục tạo sự chuyển biến trong xây dựng văn hóa học đường như xây dựng nền nếp, quy tắc ứng xử văn hóa, hoạt động thể thao, tham gia lao động vệ sinh trường lớp tạo môi trường xanh, sạch, đẹp, thân thiện, văn minh...

Các CSGD còn chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy các môn Giáo dục công dân, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật và hình thức tổ chức hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh.

Chú trọng phát hiện và bồi dưỡng học sinh tiêu biểu, xuất sắc thông qua các phong trào thi đua, hoạt động học tập, rèn luyện, công tác đoàn để tạo nguồn kết nạp Đảng trong trường học. Nhiều CSGD đã tăng cường công tác quản lý, tổ chức tốt các diễn đàn và hoạt động chuyên môn phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, ý thức trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; xây dựng, sửa đổi quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học. Các đơn vị thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ; khuyến khích học sinh tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật, văn hóa quần chúng, sáng tạo thẩm mỹ...

Các trường cũng chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức của phụ huynh về quyền, bổn phận của trẻ em, mục tiêu giáo dục toàn diện và hài hòa về đức, trí, thể, mỹ; phát triển tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh; vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc giáo dục học sinh và xây dựng môi trường giáo dục gia đình, hướng dẫn, quản lý con em học tập, rèn luyện.

Phát huy sự tham gia của gia đình trong công tác giáo dục đạo đức của nhà trường thông qua các hoạt động ngoại khóa...

Nhờ vậy, ngày càng có nhiều gia đình quan tâm hơn đến công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, chủ động phối hợp với nhà trường để cập nhật, trao đổi thông tin về tình hình học tập của học sinh; tham gia tích cực các buổi họp, gặp gỡ trao đổi, xử lý các tình huống có liên quan. Chủ động phối hợp với nhà trường xây dựng và thực hiện các nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử trong gia đình cho học sinh.

Trong nhà trường, giáo dục đạo đức là một bộ phận cấu thành trọng yếu của quá trình giáo dục rèn luyện nhân cách học sinh. Việc dạy chữ phải kết hợp với dạy người nhằm rèn luyện học sinh trở thành con người phát triển toàn diện.

Trong thời gian tới, ngành GD&ĐT tỉnh sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các mô hình giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, đảm bảo an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường.

Đồng thời, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trường học đáp ứng yêu cầu tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục - thể thao... Tăng cường lồng ghép, triển khai các giải pháp đẩy mạnh công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong công tác xây dựng văn hóa học đường, phát huy vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc giáo dục văn hóa ứng xử cho học sinh.

Lệ Như

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/dap-ung-yeu-cau-phat-trien-toan-dien-cho-hoc-sinh-186171.htm