Đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội nhân dân trong tình hình mới

Ngày 21-10, Quốc hội đã nghe tờ trình về dự án Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng. Theo đó, xác định rõ vị trí, chức năng của quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ cấu tổ chức biên chế của Quân đội, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội nhân dân trong tình hình mới.

Dự án Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng

Ảnh minh họa: Nhật Nam

Ảnh minh họa: Nhật Nam

Sửa đổi phù hợp với thực tế

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, một trong những quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng (QNCN và CN, VCQP) là nhằm tuân thủ Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan. Bên cạnh đó, xác định rõ vị trí, chức năng của QNCN và CN, VCQP trong cơ cấu tổ chức biên chế của Quân đội, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội nhân dân trong tình hình mới.

Dự thảo Luật cũng sửa đổi những nội dung vướng mắc, bất cập; bổ sung những nội dung mới để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, chặt chẽ nhằm nâng cao chất lượng xây dựng đội ngũ QNCN và CN, VCQP.

Dự thảo Luật gồm có bảy chương, 50 điều.

Luật quy định về QNCN và CN, VCQP; quyền, nghĩa vụ, chế độ phục vụ, chế độ chính sách; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Luật không áp dụng đối với người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Quân đội nhân dân.

Dự thảo Luật quy định hạn tuổi cao nhất phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm là: Cấp úy quân nhân chuyên nghiệp: Nam 52 tuổi, nữ 52 tuổi; Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp, Trung tá quân nhân chuyên nghiệp: Nam 54 tuổi, nữ 54 tuổi; Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp: Nam 56 tuổi, nữ 55 tuổi.

Riêng một số chức danh như chiến đấu viên, đặc công, trinh sát đặc nhiệm, chống khủng bố, thợ lặn, tiêu binh danh dự, vận động viên thể dục thể thao, phục vụ trên tàu ngầm, kíp xe tăng, thiết giáp, diễn viên múa..., để bảo đảm đủ sức khỏe hoàn thành nhiệm vụ, dự thảo Luật quy định hạn tuổi cao nhất phục vụ tại ngũ là từ 35 tuổi đến 40 tuổi tùy theo từng đối tượng. Khi hết hạn tuổi phục vụ, được xem xét để chuyển sang đảm nhiệm chức danh khác.

Dự thảo Luật còn quy định, quân nhân chuyên nghiệp được tự nguyện phục vụ tại ngũ từng thời hạn là sáu năm cho đến hết hạn tuổi cao nhất theo cấp bậc quân hàm. Khi Quân đội có nhu cầu, quân nhân chuyên nghiệp có đủ phẩm chất, trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ giỏi, sức khỏe tốt và tự nguyện thì được xem xét kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ từ 1 đến 5 năm nhưng không quá 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ. Đối với quân nhân chuyên nghiệp dự bị, hạn tuổi cao nhất phục vụ trong ngạch dự bị cũng được quy định phù hợp với hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của quân nhân chuyên nghiệp theo quy định của Luật này.

Hạn tuổi cao nhất phục vụ trong Quân đội của công nhân, viên chức quốc phòng được quy định phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. Tuy nhiên, để phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của Quân đội, dự thảo Luật quy định điều kiện hưởng lương hưu đối với công nhân, viên chức quốc phòng trong trường hợp do thay đổi tổ chức biên chế mà Quân đội không còn nhu cầu bố trí sử dụng, nếu nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì được nghỉ hưu.

Dự thảo Luật quy định bậc quân hàm cao nhất của quân nhân chuyên nghiệp có trình độ cao cấp là Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp; có trình độ trung cấp là Trung tá quân nhân chuyên nghiệp; có trình độ sơ cấp là Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp.

Dự thảo Luật quy định tiền lương của QNCN và CN, VCQP được tính theo chức danh, trình độ đào tạo phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của Quân đội. QNCN và CN, VCQP được hưởng phụ cấp thâm niên; phụ cấp, trợ cấp như đối với cán bộ, công chức có cùng điều kiện làm việc và phụ cấp, trợ cấp có tính chất đặc thù quân sự; được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; được thuê nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật.

Thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho quân đội

Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật QNCN và CN, VCQP để phù hợp với Hiến pháp và thẩm quyền của Quốc hội, kịp thời bổ sung các quy định về quyền, nghĩa vụ của QNCN, CN, VCQP, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các quy định của các luật khác, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Cơ quan này đề nghị, trong quá trình xây dựng và chỉnh lý dự án Luật cần quan tâm khắc phục những hạn chế, tồn tại về địa vị pháp lý, chế độ, chính sách, quản lý, sử dụng QNCN, CN, VCQP; đồng thời, phải gắn với yêu cầu đổi mới chế độ quản lý, hệ thống chính sách, cải cách hành chính, thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao để nâng cao chất lượng đội ngũ QNCN, CN, VCQP và phù hợp với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với người lao động trong doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; không làm xáo trộn tổ chức, nhân lực, ảnh hưởng đến tư tưởng của QNCN và CN, VCQP, đặc biệt là ở các đơn vị sẵn sàng chiến đấu.

Cũng cần rà soát các quy định có liên quan, đặc biệt là các chế độ, chính sách đặc thù đối với QNCN và CN, VCQP cho phù hợp với quy định của một số luật khác như: Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Công an nhân dân, Luật sĩ quan QĐNDVN, Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Nhà ở, Luật Viên chức...

Đa số ý kiến Ủy ban Quốc phòng - An ninh cơ bản đồng tình với phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng như dự thảo Luật Chính phủ trình. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị bỏ khoản 2 Điều 2 vì cho rằng, đối tượng điều chỉnh của dự án Luật đã được xác định rõ ngay tại Điều 1 và khoản 1 Điều 2; có ý kiến đề nghị bổ sung làm rõ đối tượng áp dụng của Luật là QNCN và CN, VCQP tại các nhà máy, xí nghiệp quân đội là doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh.

Nhiều ý kiến của Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho rằng, việc quy định xếp loại, nâng loại QNCN, CN, VCQP là nội dung rất quan trọng, là yếu tố để xác định các bảng lương, thực hiện chế độ chính sách tiền lương và các chế độ, chính sách khác. Trong nhiều tiêu chí của phân loại, cần hướng tới bảo đảm nguyên tắc diện bố trí các chức danh vị trí việc làm, thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao cho xây dựng Quân đội nhân dân.

Theo đó, nhất trí phân loại QNCN thành ba loại (sơ cấp, trung cấp, cao cấp). Đối với CNQP, VCQP cần căn cứ vào quy định của pháp luật hiện hành và yêu cầu thực tiễn xây dựng Quân đội nhân dân để quy định một cách khoa học, đáp ứng yêu cầu tổ chức biên chế, hệ thống chức danh, vị trí việc làm để thực hiện chế độ, chính sách cho phù hợp với tính chất hoạt động của từng đối tượng vừa bảo đảm đồng bộ với hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước, vừa đáp ứng tính chất đặc thù là loại lao động đặc biệt.

Ủy ban Quốc phòng - An ninh cơ bản tán thành với quy định hạn tuổi phục vụ của QNCN như dự thảo Luật, với việc quy định như trên sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, tránh lãng phí nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có chất lượng cao và phù hợp với tính chất công việc của QNCN. Tuy nhiên, đề nghị cân nhắc thể hiện lại khoản 3 Điều này để tránh mâu thuẫn với độ tuổi QNCN quy định tại khoản 2. Đồng thời tách thành một điều quy định cụ thể về chính sách trong việc sắp xếp, đào tạo, sử dụng các trường hợp QNCN là chiến đấu viên đặc công, trinh sát đặc nhiệm, chống khủng bố, thợ lặn, tiêu binh danh dự, phục vụ trên tàu ngầm, kíp xe tăng, thiết giáp... nhằm xây dựng đội ngũ này thực sự là lực lượng chiến đấu, phục vụ chiến đấu “chuyên nghiệp” trong quân đội.

XUÂN ANH

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/27756102-dap-ung-yeu-cau-xay-dung-quan-doi-nhan-dan-trong-tinh-hinh-moi.html