Đất bị bao chiếm nhiều năm không đòi lại được - Bài cuối: Trách nhiệm thuộc về ai?

Đất đang bị bao chiếm nhưng Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất TP. Rạch Giá (Kiên Giang) lại xác nhận biến động quyền sử dụng cho người khác. Còn Ủy ban nhân dân TP. Rạch Giá thì chậm cưỡng chế dẫn đến quá thời hiệu theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Trong khi, tòa án 'ngâm' gần 6 năm nay vẫn không đưa ra xét xử. Vậy trách nhiệm thuộc về ai?

● Đất bị bao chiếm nhiều năm không đòi lại được - Bài 1: Khổ vì đất bị chiếm

Liên quan đến những vướng mắc từ vụ việc của bà Nguyễn Thu Hà (sinh năm 1966), ngụ đường Phạm Hùng, phường Vĩnh Lạc, TP. Rạch Giá (báo Kiên Giang đăng số báo trước), người ký xác nhận biến động là ông Vũ Việt Hùng (lúc ký là Phó Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất TP. Rạch Giá, đơn vị trực thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Rạch Giá).

CHẬM CƯỠNG CHẾ

Ngày 27-6-2013, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang ban hành Quyết định số 1643/QĐ-KPHQ về việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Trần Thị Sinh (tự là Trần Thị Xinh), tạm trú lô 19 đường Lạc Hồng, phường Vĩnh Lạc. Lý do chiếm diện tích 356,513m2 đất của hai hộ dân Lê Thị Tuyết Anh và Lâm Thanh Tân (lô 19, 20, 21, 22, đường Lạc Hồng).

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang giao Ủy ban nhân dân TP. Rạch Giá chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng có liên quan tổ chức triển khai, giám sát, kiểm tra và đôn đốc việc thực hiện Quyết định số 1643/QĐ-KPHQ.

Ngày 25-11-2013, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang ban hành Quyết định 2784/QĐ-CCK về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế bằng các biện pháp khác để thi hành quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; buộc bà Trần Thị Sinh khôi phục lại tình trạng của đất như trước khi vi phạm và giao trả diện tích đất đã chiếm.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân TP. Rạch Giá chịu trách nhiệm thi hành Quyết định số 2784/QĐ-CCK; đối với Sở Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra tỉnh, Công an tỉnh và Ủy ban nhân dân phường Vĩnh Lạc chịu trách nhiệm phối hợp thực hiện. Thời gian thực hiện cưỡng chế 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định.

Tuy nhiên mãi đến ngày 26-9-2014, Ủy ban nhân dân TP. Rạch Giá mới có tờ trình gởi Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang tổ chức thực hiện Quyết định số 2784/QĐ-CCK. Ngay khi nhận được tờ trình của Ủy ban nhân dân TP. Rạch Giá, ngày 8-10-2014, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh có công văn thông báo ý kiến của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân TP. Rạch Giá phải chủ động liên hệ với các cơ quan, đơn vị để chủ trì, tổ chức thực hiện việc cưỡng chế đối với bà Trần Thị Sinh.

Ngày 4-11-2014, Ủy ban nhân dân TP. Rạch Giá tổ chức cuộc họp với đại diện Ban Giám đốc Công an tỉnh, Thanh tra tỉnh, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố, Tòa án nhân dân thành phố. Công an thành phố, Chi cục Thi hành án dân sự thành phố bàn biện pháp tổ chức thực hiện Quyết định số 2784/QĐ-CCK.

Tại buổi họp, các thành viên thảo luận đi đến thống nhất chuyển vụ việc của bà Trần Thị Sinh bao chiếm đất của các hộ dân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến Tòa án nhân dân TP. Rạch Giá giải quyết theo thẩm quyền.

Bà Nguyễn Thu Hà bên cạnh hồ sơ vụ việc đất đai của mình nhiều năm chưa có kết quả.

Bà Nguyễn Thu Hà bên cạnh hồ sơ vụ việc đất đai của mình nhiều năm chưa có kết quả.

Ngày 28-11-2014, Ủy ban nhân dân TP. Rạch Giá có Tờ trình 209/TTr-UBND về việc xin ý kiến không thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với bà Trần Thị Sinh và chấp thuận cho Ủy ban nhân dân thành phố hướng dẫn đương sự khởi kiện vụ việc trên đến Tòa án nhân dân TP. Rạch Giá để được xét xử theo quy định.

Lý do là Ủy ban nhân dân TP. Rạch Giá không chủ động liên hệ với các sở, ngành có liên quan và địa phương để phối hợp tổ chức thực hiện cưỡng chế do thời hiệu của Quyết định số 2784/QĐ-CCK chỉ còn 21 ngày, vì vậy không đảm bảo thời gian để tổ chức thực hiện cưỡng chế.

Câu hỏi đặt ra là tại sao trong vòng 10 tháng kể từ khi có Quyết định số 2784/QĐ-CCK, Ủy ban nhân dân TP. Rạch Giá mới có tờ trình tổ chức thực hiện và gần 1 năm sau mới họp bàn biện pháp tổ chức thực hiện Quyết định số 2784/QĐ-CCK.

ĐẤT BỊ BAO CHIẾM VẪN ĐƯỢC CHUYỂN NHƯỢNG

Trong quá trình bà Sinh chiếm đất và bị xử phạt vi phạm hành chính, bà Tuyết Anh và ông Tân đã chuyển nhượng lại các lô đất số 19, 20, 21, 22 cho ông Hưng, bà Hà và đã được Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất TP. Rạch Giá thực hiện biến động.

Bà Nguyễn Thu Hà thắc mắc, các lô đất nói trên đang có người bao chiếm nhưng tại sao khi bà ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại các lô đất nói trên vẫn được Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất TP. Rạch Giá do ông Vũ Việt Hùng ký xác nhận biến động.

“Việc làm này gây ảnh hưởng đến gia đình tôi suốt thời gian qua vì đất gia đình không sử dụng được, không thể kinh doanh, cho thuê, không thể xây dựng nhà ở”, bà Hà nói.

Sau khi nhận chuyển nhượng, Ủy ban nhân dân TP. Rạch Giá hướng dẫn ông Hưng và bà Hà làm đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân TP. Rạch Giá giải quyết, buộc bà Trần Thị Sinh và chồng là ông Lê Thanh Hồng giao trả lại diện tích đất thuộc lô số 19, 20, 21, 22.

Phóng viên đặt lịch làm việc nhiều lần nhưng đồng chí Nguyễn Văn Hôn - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Rạch Giá không đồng ý. Trả lời qua điện thoại, đồng chí đề nghị phóng viên liên hệ Tòa án nhân dân TP. Rạch Giá. Sau khi có kết quả phán quyết từ tòa án, Ủy ban nhân dân TP. Rạch Giá sẽ thực hiện theo quy định.

Phóng viên liên hệ Tòa án nhân dân TP. Rạch Giá đặt nhiều nội dung đề nghị cung cấp thông tin về vụ án trên, Tòa án nhân dân TP. Rạch Giá trả lời bằng văn bản.

Theo văn bản trả lời, trong quá trình giải quyết vụ án, thẩm phán đã tiến hành các biện pháp thu thập chứng cứ theo quy định tại Điều 48, Bộ luật Tố tụng dân sự. Tuy nhiên, việc xem xét, thẩm định tại chỗ đối với đối tượng cần xem xét là quyền sử dụng đất tại các lô đất số 19, 20, 21, 22, đường Lạc Hồng không thực hiện được.

Lý do các thửa đất nằm chồng chéo lên các thửa khác, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP. Rạch Giá không đo đạc được mốc giới, ranh giới phân lô theo dự án. Thẩm phán đã có công văn đề nghị các cơ quan có thẩm quyền liên quan có ý kiến và cung cấp hồ sơ các lô đất nêu trên, phối hợp cùng giải quyết vụ án.

Tuy nhiên, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Rạch Giá trả lời đã tìm hồ sơ lưu kho của ban quản lý nhưng không có hồ sơ lưu dự án đường Lạc Hồng. Tòa án nhân dân TP. Rạch Giá gởi công văn nhưng đến nay Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang chưa trả lời. Đối với hồ sơ lưu đối với các lô đất nêu trên, Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang có văn bản trả lời Ban Quản lý dự án thuộc Ủy ban nhân dân TP. Rạch Giá quản lý.

Qua nhiều lần tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ nhưng không thực hiện được, ngày 15-8-2022, Tòa án nhân dân TP. Rạch Giá phối hợp với Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh, Ủy ban nhân dân TP. Rạch Giá, Ban Quản lý dự án TP. Rạch Giá, Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai TP. Rạch Giá, Ủy ban nhân dân phường Vĩnh Lạc tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ, đến nay chưa có kết quả xem xét thẩm định.

Báo Kiên Giang đề nghị lãnh đạo Tòa án nhân dân TP. Rạch Giá xác nhận từ khi thụ lý vụ án trên đến nay, đơn vị có thực hiện đúng trình tự, thủ tục và đúng quy định pháp luật hay không; tuy nhiện Tòa án nhân dân TP. Rạch Giá không trả lời.

Gần 6 năm qua, bà Nguyễn Thu Hà trông chờ vào phán quyết của Tòa án nhân dân TP. Rạch Giá và tin tưởng có thể đòi lại đất đã bị bao chiếm. Vụ việc kết thúc sớm hay muộn còn tùy thuộc vào tòa án và các ngành có liên quan. Bà Hà mong rằng tiền tỷ vay ngân hàng đổ vào các lô đất nói trên sớm ngày được sử dụng theo quy định của pháp luật…

Bài và ảnh: TÂY HỒ

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//phong-su-ghi-chep/dat-bi-bao-chiem-nhieu-nam-khong-doi-lai-duoc-bai-cuoi-trach-nhiem-thuoc-ve-ai-10906.html