Đặt cả quá khứ và hiện tại lên một mặt phẳng

Nhắc đến thành tựu truyện ngắn đương đại mà không kể đến Trần Vũ thì sẽ là một thiếu sót lớn. Văn của Trần Vũ khước từ những lưng chừng, bảng lảng, mơ hồ, luôn đẩy sức căng giãn đến những góc cạnh cực đoan nhất và tìm thấy con người hoặc ở nơi sâu thẳm, hoặc chốn man rợ khốn cùng.

Đặc trưng của tác giả là những con chữ hoặc đau đớn đến tan nát, hoặc táo bạo đến sắc rợn, hoặc lạnh lùng đến ghê người; các thủ pháp lạ hóa, chuyển đổi hiện thực, huyền ảo được tận dụng tối đa để khai phá mối tương quan giữa lịch sử, hiện thực, bạo lực và tình dục.

Nhận xét về văn của Trần Vũ, nhà xuất bản Flammarion đã viết “mang hương vị ngọt ngào cùng lúc chua chát, tác giả nhúng bút vào trong sự ẩm ướt của một mùa lũ, vào cả cơ thể mềm nhuyễn của phụ nữ. Khi tàn bạo, khi dịu dàng, câu chuyện của các nhân vật đến rồi đi trên những truyền thuyết hoàng gia pha trộn với tục tằn tầm thường của cuộc sống.”

Trong tập truyện ngắn “Phép tính của một nho sĩ”, phép tính của một nho sĩ là một tập hợp chín truyện ngắn đã góp phần làm nên tên tuổi của Trần Vũ. Có thể kể ra những cái tên tiêu biểu như Phép tính của một nho sĩ, Phố cổ Hội An, Cái chết sau quá khứ, Ngôi nhà sau lưng Văn Miếu…,

Lịch sử có vị trí quan trọng trong sáng tác của Trần Vũ. Anh không để cho lịch sử say ngủ, mà luôn đặt nó song hành với hiện tại, cật vấn nó, phản biện nó để đem đến những góc nhìn khác biệt gợi nhiều suy ngẫm: chúng đa đã đối xử với lịch sử thế nào? Lịch sử có phải đã biến mất khỏi đời sống hôm nay? Chúng ta đang thừa hưởng những gì từ quá khứ? Và trong lịch sử cũng như hiện tại, nhà văn khám phá yếu tố bạo lực như một cách lý giải về đời sống, một thứ bạo lực nguyên sơ từ trong bản chất con người, điều khiển và chi phối suy nghĩ và hành xử của con người.

Trần Vũ sinh năm 1962 tại Sài Gòn, trong gia đình Bắc di cư, nguyên quán Sơn Tây - Phú Thọ. Trần Vũ theo học tiểu học và trung học đệ nhất cấp tại tư thục Lasan Taberd, sau giải thể năm 1976 chuyển sang Bùi Thị Xuân (nữ trung học Nguyễn Bá Tòng cũ) rồi Lê Thị Hồng Gấm (Couvent des Oiseaux cũ). Năm 1979 Trần Vũ vượt biên, rồi định cư ở Pháp. Trần Vũ tốt nghiệp cao đẳng Tin học tại Lille. Từ năm 1985, anh làm phân tích viên điện toán cho Quỹ Hưu trí Pháp (CPM) rồi Liên bang Tương trợ Y tế (FNMF) tại Paris. Từ năm 1999, làm quản lý dự án tin học cho Liên hiệp Quốc gia Bảo hiểm Pháp (UNPMF). Từ năm 2013, anh định cư tại Hoa Kỳ.

Trần Vũ bắt đầu viết văn năm 1988 và lập tức nổi tiếng ngay trên văn đàn hải ngoại, một tài năng văn chương, một hiện tượng. Với khuôn mặt điển trai sáng ngời và dáng vẻ phong nhã, anh gợi nhắc về những nam nhân trong văn chương Tự lực Văn đoàn. Đến nay, gia tài của Trần Vũ có khoảng 50 truyện ngắn, một số tiểu luận, tùy bút, ký. Bên cạnh sáng tác, Trần Vũ từng là chủ biên tạp chí văn học Hợp Lưu giai đoạn 2003 đến tháng 7-2005.

Anh cũng tham gia dịch thuật, thực hiện phỏng vấn, tổ chức bàn tròn văn chương và sưu khảo chiến tranh. Tóm lại, có thể nói, Trần Vũ là một gương mặt quan trọng của văn chương hải ngoại nói riêng và văn chương viết bằng tiếng Việt nói chung. Tiếc thay, người đọc trong nước chưa biết đến anh nhiều. Từ trước đến giờ, tác phẩm của Trần Vũ mới chỉ xuất bản ở nước ngoài hoặc công bố trên một vài trang mạng. Nhiều bài viết về tác phẩm của anh đã đăng tải trên sách báo trong nước, tên của Trần Vũ được nhắc đến nhiều trong các nghiên cứu tổng hợp. Nhưng sách của chính anh, thì không.

Trần Vũ chủ yếu sáng tác truyện ngắn và tập sách này bước đầu giới thiệu Trần Vũ là một chân dung đa dạng phong cách, anh thể nghiệm bản thân mình ở các truyện lấy cảm hứng từ lịch sử, những mảng thế sự đời thường hay phiêu du trong cõi huyền ảo do chính mình tạo nên, và ở mảng nào cũng có thành tựu.

Với tập sách “Phép tính của một nho sĩ”, các độc giả có thể cảm nhận và chia sẻ suy nghĩ về những sắp đặt thế giới song hành giữa hiện thực và quá khứ, những nỗ lực của tác giả khi đặt cả quá khứ và hiện tại lên một mặt phẳng, vào một góc độ, chiếu dưới một luồng ánh sáng để tất cả cùng hiện ra sắc nhọn.

TRÍCH ĐOẠN

Bàn tay Lữ như tiên đoán, thả xuống đùi Loan, dưới mặt bàn mơn mơn ở bắp đùi non nàng. Người Loan vụt nóng lên vì kích thích. Loan vờ nhìn cục bướu cổ của mệ Thỉ, khẽ cười với khuôn mặt Dần tư lự, năm ngón tay Lữ như năm đôi môi cấu xé cắn giữa đùi bắt Loan khép chặt hai đầu gối, vừa sợ hãi nóng nảy, vừa kích thích cực độ. Từ tận đáy lòng Loan nhú lên chút kiêu hãnh thỏa mãn bởi Lữ đã không cưỡng được, Lữ cần chạm vào mình Loan. Tức Lữ cũng thèm muốn. Loan nâng bát, gắp hờ một hạt cơm, ném vội cho Lữ cái nhìn nửa ngăn cản, mà nửa khuyến khích. Ngón tay Lữ mỗi lúc một dạn dĩ. Sống lưng Loan cứng lại trong dáng mình cố ngồi thẳng đến độ đau hai bả vai. Dần lại kể về đôi khoen ba chấu, món nghệ trang của phụ nữ Sa Huỳnh lúc xưa. Đôi khoen bằng đá, đã đóng vào tai là đóng chết. Phụ nữ Sa Huỳnh đeo suốt cuộc đời, sức nặng của đá làm thụy châu dài ra có khi trĩu đến cằm. Có khi tai bị lở, ăn sâu quảng, phải cắt bỏ. Phụ nữ không có tai thì điếm nhục chẳng khác không còn trinh tiết. Dần kể đoàn công tác tìm được mấy đôi khoen dưới lòng giếng cổ. Tình nghi của những người đàn bà đâm đầu xuống giếng tự vẫn. Tự vẫn vì sợ bị thiêu sống với tang ma chồng? Vì tai bị sâu quảng? Loan rùng mình khi bàn tay Lữ trườn đến sát bụng. Như dao lận vào ruột! Loan buông đũa, dưới khăn trải bàn bấu nghiến lấy da tay Lữ bắt ngừng lại. Lữ vẫn đối đáp với Dần như không biết, không có, kể cả bàn tay nóng hừng hực đang suồng sã trẩy trựa, đè giữa hai đùi Loan. Hai ngón tay đàn ông mạnh mẽ. Ngón trỏ và ngón cái gân guốc. Loan suýt đổ chúi người, thét lên, đau điếng nẩy mình xót thịt muốn sổ bật tóc tai thét lên. Loan muốn oằn mình khóc, khẩn khoản van nài Lữ thôi mà không được. Mệ Thỉ tiếp tục chan canh. Dần bập thuốc thong thả. Cuộc đời thong thả. Lịch sử thong thả. Dần không biết Loan đang căng người trong cái đau chín mình mẩy. Mu bàn tay Lữ chai lằn những sợi gân đang dồn sức cho hai ngón tay kẹp cứng, vừa ấn, muốn rứt thịt da Loan. Trò chơi dã man của Lữ cứ kéo dài, kéo dài, kéo dài oan nghiệt nhẫn tâm cho tới lúc Loan không chịu thấu nữa, hơi đổ người cắn môi, nhìn Lữ van lơn. Loan đau muốn chảy máu mắt. Hai ngón tay Lữ mới nới lỏng dần, rời ra. Người Loan ướt đẫm mồ hôi, bải hoải như vừa xong cuộc ân ái quá sức mình. Không có ai như Loan, rứt ruột để yêu, xẻ thịt để yêu, tùng xẻo thân xác để phục tùng trọn vẹn Lữ.

Việt Châu

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/dat-ca-qua-khu-va-hien-tai-len-mot-mat-phang-544638.html