Đặt chất lượng thi công đường băng Tân Sơn Nhất lên hàng đầu
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh như trên khi thị sát tiến độ thi công nâng cấp đường cất hạ cánh 25R sân bay Tân Sơn Nhất chiều 29/8.
Tiến độ vượt 18%
Tại buổi kiểm tra hiện trường, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể một lần nữa khẳng định tính cấp thiết của công trình, được Chính phủ xếp vào dự án đặc biệt quan trọng. Bộ trưởng yêu cầu đại diện chủ đầu tư, các nhà thầu, tư vấn phải tập trung tối đa nhân lực, thiết bị để thi công vượt tiến độ đặt ra, đồng thời phải đặt chất lượng công trình lên hàng đầu.
Báo cáo về tiến độ dự án, ông Trần Văn Thi, Tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long, cho biết, đến nay tiến độ thi công đạt khoảng 41%. Các nhà thầu đang tập trung thiết bị, nhân lực để thi công hạng mục đổ bê tông đường cất hạ cánh. Tiến độ đến nay vượt so với kế hoạch ban đầu 18%.
Tại công trường, Bộ trưởng ghi nhận các đơn vị, từ chủ đầu tư, nhà thầu… đã tập trung tối đa nhân lực, thiết bị vào công trường. Các nhà thầu đã tăng nhiều mũi thi công, cụ thể như Tổng công ty Xây dựng hàng không (ACC) và Tập đoàn Cienco 4 vượt tiến độ đề ra.
Riêng Công ty CP Xây dựng công trình hàng không 647, Bộ trưởng phê bình vì tiến độ đến nay chỉ mới đạt 28%, khá chậm so với hai nhà thầu trong liên danh. Bộ trưởng yêu cầu Công ty 647 phải có giải pháp để chạy kịp tiến độ. Yêu cầu chủ đầu tư cần giám sát chặt chẽ, tư vấn giám sát phải cùng chủ đầu tư đề xuất giải pháp cần thiết đối với nhà thầu này.
“Đây là công trình trọng điểm quốc gia, Công ty 647 được thi công 15%, đáng ra tiến độ phải nhanh hơn 2 nhà thầu trong liên danh, đằng này lại chậm. Yêu cầu lãnh đạo công ty phải tập trung hơn, tăng thêm các mũi thi công để bù tiến độ. Nếu không đáp ứng được thì chủ đầu tư phải có giải pháp, có thể cắt bớt khối lượng cho nhà thầu khác trong liên danh. Nếu vẫn không có giải pháp, Bộ sẽ yêu cầu chủ đầu tư điều chuyển khối lượng”, Bộ trưởng lưu ý.
Tiền không thiếu, vấn đề là tổ chức thi công
Ông Trần Văn Thi cho biết kế hoạch hoàn thành đường cất hạ cánh 25R được Bộ GTVT phê duyệt hoàn thành vào 31/12, tuy nhiên chủ đầu tư và các nhà thầu vạch ra tiến độ rút ngắn. Cụ thể, phần bê tông đường băng sẽ hoàn thành trước 31/10. Trong tháng 11 sẽ thực hiện công tác hoàn thiện, tháng 12 sẽ bay hiệu chỉnh để đưa vào khai thác.
Đánh giá tiến độ bước 1 của dự án nâng cấp đường băng Tân Sơn Nhất cơ bản đáp ứng yêu cầu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng lo ngại đến bước 2 của dự án, bởi hiện nay chủ đầu tư, tư vấn không có điều chỉnh mà vẫn theo kế hoạch cũ là đầu tháng 12 mới bắt đầu triển khai.
Bộ trưởng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay số lượng chuyến bay giảm, các đơn vị nên tranh thủ triển khai sớm đường lăn ở hai đầu đường băng để sớm đưa vào khai thác đồng bộ. Bởi khi đưa 2 đường băng vào khai thác, lưu lượng chuyến bay tăng lên, nếu lúc đó chưa hoàn thành đường lăn sẽ ảnh hưởng đến việc cất hạ cánh.
Trước lo lắng của lãnh đạo Tổng công ty Cửu Long về việc bố trí nguồn vốn, Bộ trưởng khẳng định Bộ GTVT cam kết bố trí đủ nguồn vốn giai đoạn 1 của dự án trong năm nay.
Về một số vấn đề chuyên môn kỹ thuật như công nghệ đèn đường băng, Bộ trưởng giao Thứ trưởng Lê Anh Tuấn chủ trì với các đơn vị liên quan để tổ chức họp và giải quyết sớm. Quan điểm là làm sao hệ thống kỹ thuật phải đồng bộ, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình khai thác.
Nhấn mạnh một lần nữa về tính tuyệt đối an ninh, an toàn trong quá trình thi công, Bộ trưởng yêu cầu Cục Hàng không, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam chỉ đạo các đơn vị giám sát chặt chẽ vấn đề an ninh, an toàn. Nếu thấy trường hợp nhà thầu thi công có khả năng làm ảnh hưởng đến quá trình khai thác, có thể đề nghị ngừng thi công, yêu cầu khắc phục, đến khi an toàn mới cho phép thi công trở lại.
Yêu cầu Tổng công ty Cửu Long bám sát tiến độ dự án, chậm nhất 15/11 phải hoàn thành toàn bộ bước 1, sau đó dành 1,5 tháng để hiệu chỉnh, đảm bảo tuyệt đối an toàn trước khi đưa vào khai thác thương mại.
Một số hình ảnh ghi nhận trên công trường ngày 29/8:
Dự án nâng cấp đường băng sân bay Tân Sơn Nhất được phê duyệt với mục tiêu cải tạo, nâng cấp đường cất/ hạ cánh 25R/07L và vuốt dốc vào các đường lăn nối W6, W4, NS1, E1; xây dựng các đường lăn thoát nhanh (W2A, W4A), đường lăn song song (W11A); xây dựng, cải tạo, nâng cấp các đoạn đường lăn nối (N1, W3, W5, W5A, W7, W9); xây dựng các công trình phục vụ quản lý bay, đèn tín hiệu… tổng mức đầu tư dự án khoảng 2.015,3 tỷ đồng.