Đạt chuẩn quốc gia, trường học được khuyến khích đầu tư và huy động nguồn lực
Khi được công nhận đạt chuẩn quốc gia, các trường học sẽ có thêm sự đầu tư, bổ sung nguồn lực để ngày càng nâng cao chất lượng giáo dục.
Để kịp thời hoàn thiện quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 22/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định ban hành kèm theo Thông tư số 17/2018/TT-BGDĐT, Thông tư số 18/2018/TT-BGDĐT và Thông tư số 19/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thông tư số 22/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành từ ngày 25/01/2025.
Căn cứ vào khoản 3 Điều 5 Luật Giáo dục 2019, kiểm định chất lượng giáo dục là hoạt động đánh giá, công nhận cơ sở giáo dục hoặc chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành.
Mục tiêu, nguyên tắc và đối tượng kiểm định chất lượng giáo dục theo Điều 110 Luật Giáo dục 2019 như sau:
Mục tiêu kiểm định chất lượng giáo dục được quy định nhằm bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục; xác nhận mức độ đáp ứng mục tiêu của cơ sở giáo dục hoặc chương trình đào tạo trong từng giai đoạn; làm căn cứ để cơ sở giáo dục giải trình với chủ sở hữu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các bên liên quan và xã hội về thực trạng chất lượng giáo dục; làm cơ sở cho người học lựa chọn cơ sở giáo dục, chương trình đào tạo, cho nhà tuyển dụng lao động tuyển chọn nhân lực.
Việc kiểm định chất lượng giáo dục phải bảo đảm các nguyên tắc độc lập, khách quan, đúng pháp luật; trung thực, công khai, minh bạch; bình đẳng, bắt buộc, định kỳ.
Đối tượng kiểm định chất lượng giáo dục bao gồm cơ sở giáo dục đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo các trình độ đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.
Thông tư số 19 năm 2018 quy định, đối với các trường mầm mon cần đáp 5 tiêu chuẩn đánh giá, bao gồm: Tổ chức và quản lý nhà trường; Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; Cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; Quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội; Hoạt động và kết quả nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.
Các tiêu chuẩn cần đáp ứng của trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học có sự khác biệt nhỏ so với trường mầm mon, được quy định trong Thông tư số 17, 18 năm 2018.
Theo khoản 2 Điều 3 trong Thông tư số 17, 18, 19 năm 2018, công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học và trường mầm non nhằm khuyến khích đầu tư và huy động các nguồn lực cho giáo dục, góp phần tạo điều kiện đảm bảo cho trường không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục.
Thông tư số 22 năm 2024 đã sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Thông tư số 17, 18, 19 năm 2018 liên quan điều kiện công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Ngoài ra, Thông tư còn có các điểm mới về việc cấp, thu hồi bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia; trách nhiệm của Sở giáo dục và Đào tạo; trách nhiệm của trường tiểu học, trung học, mầm non. Cụ thể:
Bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia có giá trị 05 năm. Nếu có nhu cầu được công nhận lại, ít nhất 05 tháng trước thời hạn hết giá trị của bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, trường phải thực hiện xong quy trình tự đánh giá theo quy định và đăng ký đánh giá ngoài theo quy định để được công nhận lại.