Đất cỗi cằn hoa nở, chuyện 'lòng dân' ở Thạch Hà
Ngày mà lòng đất cựa mình ven bể cả, người ta nghĩ, Thạch Hà (Hà Tĩnh) khó mà giữ được màu xanh.
Ấy thế mà, bằng tinh thần của lớp tiền nhân mở mang xứ sở hồi trước như Hồ Phi Chấn (Thạch Văn), khí phách tỏa sông núi của Lê Khôi và cả ý chí của Võ Tá Sắt ở đồng bằng (Thạch Liên)..., người Thạch Hà đã vẽ nên bức tranh giàu sức sống trên nền trầm tích văn hóa.
An ninh từ lòng dân
Cuộc tái thiết nơi vùng đất ôm trọn mỏ sắt Thạch Khê gần như bắt đầu sau chủ trương của tỉnh. Lần kiểm soát tác động môi trường ấy, nhiều xã vùng mỏ đã bừng tỉnh sau cơn ngủ dài chờ đợi được cơi nới, xây dựng, sửa sang.
Sự đồng thuận của người dân là yếu tố vô cùng quan trọng giúp Thạch Hà gặt hái nhiều thành công trong nhiệm kỳ 2015 - 2020. (Trong ảnh: Người dân thôn Văn Sơn, xã Đỉnh Bàn xây dựng tường rào cho các hộ hiến đất mở đường).
Trong cuộc đời nếm đủ độ mặn mồ hôi, ông Nguyễn Bá Hậu (thôn Văn Sơn, xã Đỉnh Bàn) chưa bao giờ thấy làng quê khang trang đến thế. “Từ chỗ đường 1,5m tre pheo, cây tạp che khuất, giờ bà con thống nhất hiến đất cả dãy, mở rộng đến gần 7m. Sáng nay, cả cán bộ xã và toàn thôn tập trung làm tường rào các hộ và cắm dãy cọc bê tông thép gai hai bên đường” - ông Hậu nói.
Đi nơi đâu trên địa bàn Thạch Hà, người ta cũng dễ nhận thấy những con đường mở rộng được “xây” từ ý Đảng, lòng dân
Rồi ông kể: “Toàn thôn sống ven mỏ nên cuộc sống khó khăn, nhất là hiện tượng tụt nước ngầm. Khi tỉnh đề nghị Trung ương dừng khai thác mỏ, không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế, chúng tôi rất đồng tình”.
“Thạch Đỉnh, Thạch Bàn trước đây và hiện nay là Đỉnh Bàn có hơn 1.000 hộ thuộc diện di dời bởi dự án mỏ sắt Thạch Khê. Trải qua nhiều giai đoạn khó khăn nhưng người quê tôi rất hiền hòa, chưa từng tiềm ẩn mất ANTT. Từ nền tảng đó, việc sáp nhập 2 xã được người dân đồng tình với trên 95% số phiếu. Đại hội Đảng bộ xã Đỉnh Bàn lần thứ nhất vừa qua bầu trực tiếp bí thư cấp ủy, tỷ lệ bầu ban chấp hành từ 81-98% số phiếu”, ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Đỉnh Bàn phấn khởi.
Ngã tư Thạch Khê hôm nay
Cùng chung cảm nhận về “lòng dân”, Bí thư Đảng ủy xã Thạch Hải Nguyễn Hải Lý nói: “Trải qua biến động của mỏ sắt, sự cố môi trường biển, người dân Thạch Hải vẫn rất tin tưởng và luôn đồng hành với các cấp. Nhờ vậy, xã đã đạt chuẩn NTM và nhiều mục tiêu quan trọng khác”.
Chủ trương đúng, thổi bùng khí thế sức dân
Nếu 10 xã bãi ngang vươn lên như một kỳ tích thì ở vùng núi, Nam Hương trước đây, Nam Điền nay như một hiện tượng.
Thôn Lâm Hưng (xã Nam Hương trước đây, nay là xã Nam Điền) hạ tầng rất khó khăn nhưng nhờ chủ trương đúng, sức dân được khơi dậy, bộ mặt thôn đã đổi khác
“Khó khăn lớn nhất của Nam Hương là dân cư ít, địa bàn rộng nên đầu tư hạ tầng càng khó khăn, chi phí xây dựng cao. Nhưng, nhờ chủ trương của cấp trên đặc biệt là dự án ODA và chính sách hỗ trợ xi măng của tỉnh, huyện nên người dân đã khí thế vào cuộc.
Từ xã tốp cuối, người dân Nam Hương đã đổ công sức đưa xã đứng vị trí số 1 trong danh sách xã đạt chuẩn NTM của huyện năm 2018. Xã Nam Điền đang phấn đấu để cuối năm đạt NTM nâng cao”, ông Nguyễn Sỹ Quý - Chủ tịch UBND xã trao đổi.
Theo Chủ tịch UBND xã Nam Điền Nguyễn Sỹ Quý, nhờ cây ổi, kinh tế của nhiều gia đình ở địa phương đã được cải thiện rõ rệt.
Trong nhiều lần trò chuyện với tôi, các đồng chí trong Thường trực Huyện ủy cũng cho biết: Chưa bao giờ sức dân được phát huy mạnh mẽ như nhiệm kỳ qua. Để có điều đó, huyện đã đưa ra quan điểm phát triển chiến lược, tập trung thu hút đầu tư các dự án lớn nhằm tạo đòn bẩy; chú trọng quy hoạch, chỉnh trang thị trấn và các xã; tập trung thu ngân sách để có cơ sở tái đầu tư hướng về Nhân dân. Nhiều năm, Thạch Hà luôn dẫn đầu về làm giao thông nông thôn, toàn dân hiến trên 32.000 m2 đất; toàn huyện có 3.396 vườn mẫu; cải cách hành chính đứng tốp đầu.
Chủ trương đúng và vì dân nên cán bộ, đảng viên nô nức xây dựng quê hương, không có tiềm ẩn về mất ANTT dù tác động ngoại cảnh lớn như dự án mỏ sắt Thạch Khê, sự cố môi trường biển. Hiện nay, huyện đang phấn đấu đạt chuẩn NTM.
Từ góc độ của người đứng đầu huyện, Bí thư Huyện ủy Trần Nhật Tân lý giải: “Điều quan trọng là quan điểm chỉ đạo và cơ chế, chính sách đi kèm để người dân khí thế vào cuộc. Vấn đề mấu chốt nữa trong phát huy sức dân là phải hiểu dân. Muốn hiểu dân thì phải đào tạo cán bộ vì dân, gần dân như về cơ sở cùng làm NTM, đối thoại tại các xã để nghe dân nói. Chúng tôi đã tổ chức hàng trăm cuộc đối thoại là vì thế. Đối với những nơi khó khăn, huyện sẵn sàng điều động cán bộ cấp trên về để dân đồng thuận hơn. Khi Đảng dẫn đường, sức dân được khơi dậy thì việc khó mấy cũng thắng lợi”.