Đất dừa xứ Thanh
Chẳng được xếp vào diện cao lương mỹ vị, đặc sản tiến vua nhưng hình ảnh những cây dừa cao lớn, xum xuê trái, lúc lỉu trên cây trải rộng khắp một vùng cửa ngõ phía Bắc – TP Thanh Hóa từ lâu đã trở thành biểu tượng cho nét đẹp văn hóa làng xã, văn hóa ẩm thực của huyện Hoằng Hóa.
Dạo quanh đất làng Nghĩa (xã Hoằng Lộc ngày nay) đâu đâu cũng thấy bóng dừa xanh mát.
Thật không ngoa chút nào nếu ví huyện Hoằng Hóa là “thủ phủ dừa” của cả khu vực Bắc Trung bộ. Bởi lẽ, ở đây, dừa được trồng với diện tích lớn. Thậm chí, có những thời kỳ, dừa thực sự tạo nên một phần nào đó giá trị kinh tế, cải thiện đời sống của người dân. Gần như không có một làng, xã nào trên địa bàn huyện Hoằng Hóa mà bóng dừa không hiện diện. Trong đó, những cái tên như làng Nghĩa (nay là xã Hoằng Lộc), các xã Hoằng Phụ, Hoằng Thành, Hoằng Tiến (Hoằng Hóa)... là vùng trồng dừa nổi tiếng hơn cả.
Làng Nghĩa, một vùng đất cổ mang nhiều giá trị văn hóa – lịch sử của huyện Hoằng Hóa nói riêng và cả tỉnh Thanh Hóa nói chung. Và bên cạnh những giá trị văn hóa – lịch sử đáng tự hào ấy, làng Nghĩa đi vào ca dao, tục ngữ, trở thành nét độc đáo không thể nhầm lẫn với một vùng quê nào khác nhờ loài cây thôn quê, dân dã mà thiên nhiên ưu ái ban tặng. “Dừa làng Nghĩa, mía làng Tào”, “thiếu đất trồng dừa, thừa đất trồng cau”, chẳng thế mà cho đến tận bây giờ, cháu con làng Nghĩa dù có đi đâu về đâu, vẫn nhớ thương da diết cây dừa nghiêng nghiêng soi bóng trong những vần thơ, tiếng hát, câu ca dao trong trẻo, ngọt lành: “Hoằng Hóa quê ta cảnh hữu tình/ Rừng dừa bát ngát đẹp như tranh/ Tô thắm tình anh, trai đất trạng/ Đẹp thay cô gái ở tỉnh Thanh”. Hay ở xã Hoằng Lộc bây giờ vẫn lưu truyền dị bản của bài thơ này: “Hoằng Lộc quê ta cảnh hữu tình/ Rừng dừa bát ngát ánh trăng xinh”. Đâu chỉ có tục ngữ, ca dao, thơ phú, hình ảnh cây dừa còn hiện diện trong những câu đố vui đã góp phần làm nên niềm vui tuổi thơ của biết bao đứa trẻ con làng Nghĩa. Dưới bóng dừa xanh, qua bao nhiêu thế hệ, đám trẻ trong làng vẫn say sưa đố nhau câu đố: “Đầu tròn trùng trục, đuôi dài lê thê, khắp chợ cùng quê đâu đâu cũng có”. Đám trẻ ấy, có tuổi thơ đứa nào lớn lên mà chưa một lần được bóng dừa soi mát?.
Tỏ mờ trong bóng dáng bất kỳ một làng quê nào trên mảnh đất xứ Thanh hẳn đều có bóng dừa rợp mát nhưng để trở thành biểu tượng cho hồn cốt, cho văn hóa ẩm thực quê hương như làng Nghĩa thì ít nơi nào có được. Theo Lịch sử Đảng bộ xã Hoằng Lộc ghi chép: Đây là vùng đất được kiến tạo sau đợt biển lùi vào cuối kỷ Đệ Tứ. Từ một vùng đất lầy lội, xen kẽ cồn, bái qua quá trình bồi tụ của thiên nhiên hàng vạn năm, cùng với sức lao động sáng tạo của nhiều thế hệ con người, làng Nghĩa đã trở thành vùng nông nghiệp với xóm làng trù phú như chúng ta có hôm nay. Dừa làng Nghĩa phát triển và đặc biệt ngọt, thơm hơn dừa ở những nơi khác. Không có một số liệu thống kê đầy đủ, chính xác nhưng theo ước tính, làng Nghĩa phải trồng tới hàng nghìn cây dừa, tạo thành không gian bạt ngàn xanh mướt như rừng. Thoạt nhìn, nếu không để ý phần quả của cây, nhiều người sẽ dễ nhầm lẫn giữa cây dừa và cây kè – cũng là một loại cây được trồng phổ biến ở làng Nghĩa. Quả dừa mọc theo buồng, khi non có màu xanh mướt, về già chuyển sang màu nâu nhạt. Dù là khi còn non hay đã già, vị ngon, ngọt, thanh mát của nước và cùi dừa làng Nghĩa luôn nức tiếng gần xa. Có lẽ do chất đất nên nước dừa ở đây ngọt mát và khi nhấm trên đầu lưỡi thấy một chút cảm giác tê tê thú vị bởi khí ga tự nhiên tác động. Cùi dừa có thể ăn khi chỉ mới là những “tớt non” trong trong, mềm mềm. Nhưng có lẽ cùi dừa ăn ngon nhất là khi còn bánh tẻ, không quá non nhưng cũng chưa hẳn đã già. Dừa làng Nghĩa quả to hơn so với dừa Bến Tre, ngon nhất là vào chính vụ, thường gọi là dừa mùa. Loại dừa này cùi dày, trắng phau, thơm, nhai giòn giòn, “miệng nhai tai nghe” rất vui. Chỉ cần nếm một miếng cùi dừa, người ăn đã bị “chinh phục” ngay từ lần thử đầu tiên bởi cảm giác ngọt ngọt, thanh thanh, bùi, béo ngậy như đánh thức mọi giác quan của cơ thể. Thử rồi lại muốn thử nữa, thử mãi, người và dừa bất giác thấy mình đã phải lòng nhau. Vì đã phải lòng nhau quá mà kỳ công nghĩ ra biết bao nhiêu cách chế biến món ăn từ cùi dừa, món nào ăn cũng thấy hợp, thấy ngon, thấy quyện vào nhau say mê cả. Ví như món cùi dừa ăn kèm bánh tráng (còn gọi là bánh đa hoặc bánh khô). Cùi dừa già thái lát mỏng cùng với nước dừa đổ săm sắp, kho chung với thịt hoặc tôm sắt trở thành món ăn ưa thích trong bữa cơm gia đình. Những người khéo tay hay làm, bớt chút thời gian, nạo gọt cùi dừa thành sợi, tẩm ướp với đường rồi sên nhỏ lửa, đều tay trên bếp cho đến khi đường bám vào sợi dừa là đã có ngay mẻ mứt dừa thơm ngon đãi khách mỗi dịp tết đến xuân về hoặc dùng để nấu chè, nấu bánh đúc, đồ xôi đều “ngon không cưỡng lại được”. Sau những giờ lao động đồng áng mệt nhọc, giữa trưa hè oi bức, dân làng Nghĩa vẫn thường tụm năm tụm ba dưới gốc dừa hóng mát, chuyện trò, rôm rả mời nhau cốc nước dừa đổ lẫn với vài miếng cùi dừa bánh tẻ xem như cũng đã nếm trọn lạc thú ở đời.
Nếu làng Nghĩa - xã Hoằng Lộc có nước dừa ngọt mát thanh thanh với cùi dừa bùi, béo thì ở xã Hoằng Phụ lại góp vào góc ẩm thực của “đất dừa xứ Thanh” một món ăn dân dã, thấm đượm tình người và nét duyên làng xã. Đó là món bánh đa dừa. Xuất phát từ thú vui ẩm thực của những vùng đất trồng nhiều dừa thường ăn kẹp bánh tráng với cùi dừa, qua sự cần cù, sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo, người dân xã Hoằng Phụ đã làm nên hương vị mộc mạc mà say đắm lòng người. Giá của một chiếc bánh đa dừa chẳng đáng là bao nhưng công phu, tỉ mỉ từ công đoạn lựa chọn nguyên liệu đến khi thành phẩm. Gạo làm bánh phải là gạo tẻ, đều hạt, không quá khô. Cùi dừa được lấy từ những quả dừa già vừa tới độ, trắng, giòn, ngọt, thơm. Những nguyên liệu phụ như lạc, vừng phải rang sao cho vàng ruộm, đảo khéo tay để hạt chín đều, ủ hương, tránh bị khét. Chuẩn bị nguyên liệu, xay bột, tráng bánh đã thấy cả một sự kỳ công, tinh tế nhưng vẫn còn chưa đủ. Một trong những khâu quan trọng nhất để làm nên hương vị bánh đa dừa ngon chính là khâu quạt bánh. Người quạt bánh phải làm chủ nhiệt độ, không cho bánh bị cướp lửa. Tay liên tục lật bánh lên xuống, xoay qua xoay lại uốn bánh. Bánh đa dừa ngon phải đảm bảo chín đều, đổi màu nâu đỏ, dậy mùi thơm của tổ hợp nào gạo – dừa – vừng – lạc mà không mùi nào bị làm cho quá lên, ấy mới tài tình! Công phu, tinh tế, tỉ mỉ vậy mới có thể làm nên món ăn dân dã làm nức lòng người thưởng thức, say mê tới độ: “Chồng đánh không chừa cùi dừa bánh tráng/ Chồng đánh đà đáng, bánh tráng cùi dừa”.
Du khách có dịp ghé thăm huyện Hoằng Hóa, nhiều người háo hức mong chờ được thưởng thức một ngụm nước dừa, nếm thử một miếng cùi dừa cho thấm hết cái hương vị ngọt lành được chắt lọc từ phù sa sông Mã và mạch nguồn của lòng đất quê hương. Dân dã, quê kiểng nhưng trái dừa cứ thế hiện diện thân tình, gần gũi trong thực đơn “đặc sản” xứ Thanh, bên cạnh những nem chua, bánh gai Tứ Trụ, chè lam Vĩnh Lộc, bánh răng bừa Thọ Xuân, mắm tôm, mắm cáy Hoằng Hóa... Trên vùng “đất dừa xứ Thanh”, từng có thời kỳ hoàng kim, cây dừa được ví như loại gỗ lim, xuất hiện cùng muôn mặt đời thường của người dân nơi đây, nhất là trong việc xây dựng nhà cửa. Tuy nhiên, ngày nay, cùng với sâu bệnh phá hoại trên diện rộng, đặc biệt khi đứng trước nhu cầu phát triển của cuộc sống, để đáp ứng những đòi hỏi khắt khe về diện mạo nông thôn mới, số lượng cây dừa ở huyện Hoằng Hóa ngày càng giảm đi đáng kể. Chẳng ai có thể đoán định được xã hội sẽ còn phát triển như thế nào, chiếc hộp thần kỳ nông thôn mới sẽ còn khoác lên diện mạo làng, xã bao nhiêu thay đổi, duy nhất bóng dừa đã từng rợp mát một vùng ca dao, ngả nghiêng nơi đầu ngõ, bên những cái ao làng, quanh co theo từng con ngõ sẽ còn đọng lại mãi, khảm sâu vào tâm hồn mỗi người dân nơi đây như tiếng giục giã bước chân người xa quê trở về nguồn cội.
Bài và ảnh: Thảo Linh
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/dat-dua-xu-thanh/103089.htm