Đất hiếm - Tâm điểm cạnh tranh mới của Trung Quốc với Mỹ và châu Âu
Trong vô số các bất đồng, đất hiếm đang trở thành tâm điểm của cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc với Mỹ và châu Âu. Điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc ngăn Mỹ và châu Âu tiếp cận với các khoáng sản quý hiếm cần thiết cho xe điện, tuabin gió và máy bay không người lái?
Bài liên quan
Thêm một “ông lớn” công nghệ Trung Quốc bị chính quyền làm khó, phải dừng IPO
Tướng Mỹ nói Trung Quốc ít có khả năng và ít định tấn công Đài Loan
Trung Quốc và Nga cạnh tranh cho một trật tự mới ở Trung Á
Mỹ gọi hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là 'bất hợp pháp' trong cuộc họp với ASEAN
Sự quan trọng của đất hiếm và vai trò của Trung Quốc
Quả thật, đất hiếm đang là điều mà các cường quốc rất quan tâm trong bối cảnh xung đột địa chính trị đang diễn ra ngày càng phức tạp và khi mà Trung Quốc là quốc gia khai thác phần lớn 17 kim loại đất hiếm, yếu tố quan trong trong các ngành công nghiệp công nghệ cao.
Năm 2019, Hoa Kỳ nhập khẩu 80% khoáng sản đất hiếm từ Trung Quốc, Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ cho biết. Trong khi đó, theo báo cáo của Ủy ban châu Âu năm ngoái thì Liên minh châu Âu nhận 98% nguồn cung từ Trung Quốc.
Lúc này, các quốc gia đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh. Vai trò của đất hiếm vì thế càng trở nên quan trọng. Việc Trung Quốc thống trị thị trường đất hiếm đang gióng lên hồi chuông báo động ở các thủ đô phương Tây.
Jane Nakano, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington cho biết: “Sự tăng trưởng theo cấp số nhân về nhu cầu khoáng sản đất hiếm có liên quan đến năng lượng sạch đang gây thêm áp lực lên Hoa Kỳ và châu Âu để xem xét kỹ hơn vị trí của các lỗ hổng và các bước cụ thể mà các chính phủ này có thể thực hiện”.
Các khoáng chất đất hiếm có tên như neodymium, praseodymium và dysprosium đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất nam châm được sử dụng trong các ngành công nghiệp trong tương lai như tuabin gió và ô tô điện. Và chúng đã có mặt trong các mặt hàng tiêu dùng như điện thoại thông minh, màn hình máy tính và ống kính thiên văn.
Trung Quốc chiếm 80% nguồn cung đất hiếm trên thế giới - Ảnh: Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ
Những kim loại hiếm khác có cách sử dụng phổ biến hơn, như xeri để đánh bóng thủy tinh và lantan dùng làm chất xúc tác xe hơi hoặc thấu kính quang học.
Tuần trước, Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua một đạo luật nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của Mỹ, bao gồm các điều khoản nhằm cải thiện các chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng, theo sau một sắc lệnh tương tự do Tổng thống Joe Biden ban hành vào tháng Hai.
Washington đặt mục tiêu thúc đẩy sản xuất và chế biến đất hiếm và lithium, một thành phần khoáng sản quan trọng khác, đồng thời "làm việc với các đồng minh và đối tác để tăng nguồn cung toàn cầu bền vững và giảm sự phụ thuộc vào các đối thủ địa chính trị", Phó Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Sameera Fazili cho biết hôm thứ Ba (15/6).
Động lực của Hoa Kỳ và thách thách với châu Âu
Hy vọng tốt nhất để thúc đẩy sản xuất của Mỹ có thể được tìm thấy tại mỏ Mountain Pass ở California. Từng là một trong những người chơi lớn trong lĩnh vực kim loại đất hiếm, mỏ khai thác này đã gặp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ khi Trung Quốc vươn lên và giành hầu hết thị phần của mình.
Công ty MP Materials đã khởi động lại mỏ vào năm 2017 trong nỗ lực biến nó trở thành biểu tượng cho sự tái sinh công nghiệp của Mỹ. Họ cho biết nồng độ đất hiếm tại khu vực Mountain Pass là một trong những mỏ đất hiếm lớn nhất và cao cấp nhất thế giới, với nồng độ trong đất là 7% so với 0,1 đến 4% ở những nơi khác.
Mục tiêu của công ty là tách các khoáng chất đất hiếm ra khỏi nhau thông qua một quy trình hóa học và sau đó đến năm 2025 sản xuất nam châm mà ngành công nghiệp sử dụng - như các công ty Trung Quốc dẫn đầu thị trường hiện đang làm.
Một nhà máy lọc đất hiếm gần Bao Đầu, Trung Quốc, quốc gia thống trị toàn cầu về khai thác và tinh chế khoáng sản - Ảnh: AFP
Dự án này được hỗ trợ bởi chính phủ Hoa Kỳ, trong khi một công ty Trung Quốc là cổ đông thiểu số. Công ty Lynas của Úc đã giành được một số hợp đồng khai thác khoáng sản tại Hoa Kỳ, bao gồm một nhà máy luyện quặng ở Texas cho quân đội do Bộ Quốc phòng hỗ trợ.
Tại châu Âu, một "kế hoạch hành động" sẽ được trình lên Ủy ban châu Âu về cách thúc đẩy sản xuất đất hiếm. Bernd Schafer, Giám đốc điều hành của tập đoàn khoáng sản đất hiếm Eit Raw Materials cho rằng, mục tiêu của kế hoạch nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về kim loại đất hiếm trong các ngành sản xuất trụ cột.
Tuy nhiên, chuyên gia về pin và ô tô điện của công ty tư vấn Roskill có trụ sở tại London, David Merriman cho rằng châu Âu phải đối mặt với một lộ trình phức tạp hơn để đạt được mục tiêu này. "Châu Âu sẽ vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu thô hoặc nguyên liệu sơ chế và trở thành cơ sở chế biến hoặc cơ sở tái chế nhiều hơn", ông nói.
Trung Quốc dự kiến sẽ vẫn chiếm ưu thế trong một thời gian nữa, nhưng Schafer nói rằng nếu việc tái chế được mở rộng, "20% đến 30% nhu cầu nam châm đất hiếm của châu Âu vào năm 2030 có thể được cung cấp trong nước ở EU từ con số 0 như hiện nay".
Rõ ràng, mong muốn tăng tốc sản xuất đất hiếm tại Mỹ và châu Âu xuất hiện trong bối cảnh thiếu hụt chất bán dẫn, vốn rất cần thiết cho ngành công nghiệp máy tính và ô tô, chủ yếu được sản xuất ở châu Á mà cụ thể là ở Trung Quốc.
“Sự khan hiếm đã khiến các nhà sản xuất toàn cầu suy nghĩ về chuỗi cung ứng của họ theo cách mới và nghĩ về các lỗ hổng", phát ngôn viên của công ty Materials chia sẻ, đồng thời cho biết thêm rằng một số công ty ô tô và năng lượng gió ở châu Âu đã liên hệ với công ty để tìm nguồn cung.
Với việc nắm phần lớn nguồn cung đất hiếm, Trung Quốc được dự đoán sẽ tiếp tục sắm vai trò điều phối và dẫn dắt ở một số lĩnh vực mũi nhọn trong một thời gian nữa trước khi Mỹ và châu Âu tìm được giải pháp thay thế hoặc có bước đột phá về chất bán dẫn. Vì thế, dù có những bất đồng và xung đột, không dễ để Trung Quốc, Mỹ và châu Âu “buông tay nhau” khi mà chuỗi liên kết vẫn còn gắn chặt.