Đất khó chuyển mình
Để phục vụ cho việc ngăn sông Đà, xây dựng thủy điện Hòa Bình, xã Hiền Lương (Đà Bắc) có 425 hộ với gần 4.200 nhân khẩu phải di chuyển đến nơi ở mới. Hàng trăm ha đất nông nghiệp, hàng trăm ha rừng nuôi sống người dân Hiền Lương bao đời đã chìm sâu dưới lòng hồ, nhường chỗ cho công trình thế kỷ.
Theo ông Nguyễn Xuân Quý, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hiền Lương, thời ấy khác bây giờ, dân không đòi hỏi đền bù cao hay thấp vì không có chính sách đền bù, chỉ có một khoản kinh phí nhỏ hỗ trợ di chuyển. Từ điểm sinh sống có độ cao cos 17 m, trong 7 năm, hộ ít cũng 2 lần, hộ nhiều tới 4 lần chuyển nơi ở và ổn định ở cos 120 m đến ngày nay. Di chuyển lên cao, đất đai hạn hẹp, thiếu đất sản xuất, phải tạo dựng tất cả từ đầu, cuộc sống gặp nhiều khó khăn nhưng nhân dân rất đồng thuận. Với quyết tâm "Tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc”, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ xã, đợt chuyển cư lớn nhất của nhân dân trong xã đã được thực hiện, hoàn thành đạt 274% kế hoạch dự kiến.
Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong chính sách sau tái định cư dự án thủy điện Hòa Bình, Chính phủ đã phê duyệt 2 dự án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà tỉnh Hòa Bình tại các Quyết định số 747/QĐ-TTg, ngày 7/12/1994 và số 472/QĐ-TTg, ngày 19/3/2002. Đến năm 2009, Chính phủ tiếp tục ban hành Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2009 - 2015 theo Quyết định số 1588/QĐ-TTg. Cùng với những dự án, đề án "xương sống” kể trên, tỉnh cũng triển khai nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển KT-XH, ổn định và nâng cao đời sống người dân vùng lòng hồ, quá trình triển khai thực hiện đã mang lại nhiều đổi thay về KT-XH cho các xã vùng lòng hồ. Đời sống người dân từng bước được cải thiện.
40 năm sau chuyển cư vùng lòng hồ sông Đà, Hiền Lương hôm nay có diện mạo hoàn toàn khác. Thực hiện Đề án số 1588, tuyến đường từ trung tâm huyện đến các xã vùng hồ, trong đó có Hiền Lương được đầu tư, xóa đi những ám ảnh về cung đường khó khăn, cách trở, tạo điều kiện để xã phát triển du lịch cộng đồng. Năm 2019, xã về đích nông thôn mới. Toàn xã hiện có 4,1 ha nuôi cá lồng với 395 lồng cá, giải quyết việc làm cho 100 lao động địa phương. Những năm 1995, 1996, theo Đề án 747, cây luồng được đưa vào trồng trên địa bàn, đến nay vẫn được Nhân dân trong xã duy trì, diện tích đạt 500 ha, trung bình mỗi năm đem về tổng nguồn thu hàng tỷ đồng cho nhân dân Hiền Lương. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 38 triệu đồng, cao hơn thu nhập bình quân của người dân chuyển cư toàn huyện. Theo đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Đăng Giáp, có thể nói cây luồng và nghề cá đang từng ngày đem lại cuộc sống ổn định hơn cho bà con nơi đây.
Cũng theo đồng chí Bí thư Đảng ủy xã, ngày 25/3/2021, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 439 phê duyệt quy hoạch chung xây dựng khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2035, trong đó, Hiền Lương nằm ở vùng lõi, trọng điểm về phát triển du lịch lòng hồ. Hiện, xã đã hoàn thành quy hoạch 2 khu: khu 1, rộng 177 ha tại xóm Mái; khu 2 rộng 195 ha thuộc 2 xóm Dưng và Doi. Cùng với nghề cá, trồng rừng, du lịch sinh thái cũng sẽ trở thành hướng phát triển vững chắc cho Hiền Lương trong tương lai.
Với sự quan tâm đầu tư và chính sách hỗ trợ đặc thù của các cấp, ngành, vùng đất khó Hiền Lương đã và đang chuyển mình, đời sống của người dân chuyển cư vì dòng điện sông Đà sẽ ngày càng được cải thiện, đi lên.
Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/167923/dat-kho-chuyen-minh.htm