Đất làng Bái Trại - Hoạch Thôn

Được hình thành từ quá trình bồi đắp phù sa của các con sông, vùng đất Bái Trại - Hoạch Thôn (thuộc xã Định Tăng, huyện Yên Định ngày nay) có con người đến cư ngụ khá sớm. Và những thế hệ người dân Bái Trại - Hoạch Thôn đã biến một vùng hoang rậm, sình lầy trở thành xóm làng trù phú, dân cư đông đúc.

Ngày nay, đình làng Bái Trại nằm trong không gian của khu nhà văn hóa, thể thao thôn Bái Trại.

Ngày nay, đình làng Bái Trại nằm trong không gian của khu nhà văn hóa, thể thao thôn Bái Trại.

Cách TP Thanh Hóa khoảng 30km về phía Tây Bắc, hai làng Bái Trại - Hoạch Thôn nói riêng, xã Định Tăng nói chung nằm ở khu vực tiếp giáp giữa hai huyện Yên Định và Thiệu Hóa. Nơi đây thuở xưa kia có sông Mạn Định và Cầu Chày chảy qua.

Trong đó, theo các tài liệu lưu giữ tại địa phương, sông Mạn Định có thể là một nhánh của sông Mã, chảy từ Hón Kiểu (Yên Trường) qua một số xã, về Bái Trại, Hoạch Thôn... rồi đổ ra sông Cầu Chày. Quá trình bồi lấp sông Mạn Định đã tạo nên các bãi bồi rộng lớn, đất đai tốt tươi. Nương theo các bãi bồi ấy, cách ngày nay đến cả nghìn năm, những cư dân đầu tiên đã lập nên xóm làng bên sông. Trong đó có hai làng Bái Trại, Hoạch Thôn.

Truyền thuyết về việc lập làng ở vùng đất cổ Bái Trại - Hoạch Thôn đến nay còn được người dân nhắc nhớ. Rằng xa xưa, khi đó vùng bãi bồi sông Mạn Định còn sình lầy, hoang rậm. Tuy nhiên, giữa vùng lau sậy um tùm ấy lại nổi lên dải đất cao mà dài, từ đây nhìn ra bốn phía cảnh vật thật tốt tươi. “Có núi Mậu Sơn như hổ trấn trước mặt, có núi Vạc, Tam Sơn cao nhất phía Tây, phía Bắc, nước các nơi tụ về như biển, phía Đông quang đãng gió lộng” (sách Lịch sử Đảng bộ và Nhân dân xã Định Tăng). Bấy giờ, bốn anh em nhà nọ khi đến đây, thấy thế đất cát vượng nên đã quyết định ở lại, lập nên xóm làng. Buổi ban đầu bốn anh em ở cùng nhau, sau đó, lại chia nhau lập nên các làng.

Nghè Voọc làng Hoạch Thôn được tôn tạo khang trang bằng nguồn xã hội hóa.

Nghè Voọc làng Hoạch Thôn được tôn tạo khang trang bằng nguồn xã hội hóa.

Trong đó, người anh cả ở Bãi Sầy (Kẻ Sầy), tức làng Bái Trại ngày nay. Người em thứ hai ở Kẻ Đanh (tức làng Thiết Đinh). Người em thứ ba ở vào đất Kẻ Chùa. Và người em út chọn vùng ven sông, gọi là Kẻ Voọc, tức làng Hoạch Thôn ngày nay.

Qua thời gian, Kẻ Sầy hoang rậm ngày nào đã trở thành chốn quần cư đông đúc, được đổi tên thành làng Trại, rồi Bái Trại. Vào thời nhà Lê, có ba anh em họ Lưu trong lúc cày ruộng đã bắt được kẻ bị quân triều đình truy đuổi, vì thế mà được trọng thưởng. Không chỉ vậy, triều đình còn ban cho dân làng Bái Trại tiền để dựng chùa, nghè và cả đất để lập nên chợ Bản. Cũng có ý kiến cho rằng, chợ Bản ở Bái Trại có từ thời Tiền Lê, đến thời Hậu Lê, dân làng Bái Trại được nhà vua ban thưởng nên chợ được mở rộng, quy mô hơn. Trở thành chốn giao thương tìm về của người muôn phương.

Trước năm 1945, chợ Bản được xem là một trong những chợ có quy mô buôn bán lớn bậc nhất trong tỉnh, là niềm tự hào của người dân Bái Trại. Viết về chợ Bản, theo sách Lịch sử Đảng bộ và Nhân dân xã Định Tăng: “Các thương nhân Pháp kiều, Hoa kiều và thương nhân các tỉnh Bắc Kỳ đến chợ Bản thu mua các mặt hàng nông sản, lâm sản (bông, tơ tằm, thóc gạo) và trâu bò. Theo các số liệu điều tra thời Pháp thuộc thì mỗi năm chợ Bản bán được hàng nghìn con trâu bò, riêng lượng bông bán ra nhiều nhất tỉnh. Phần lớn số bông được thu mua để nhập cho các nhà máy dệt Nam Định... Khách phương xa cũng đến bán các mặt hàng như nồi đất ở Nghệ An, làng Vồm, chum vại (Lò Chum), mắm muối, cá tươi... hàng lâm sản (luồng, gỗ, song mây, cánh kiến...)”. Dân gian đến nay còn lưu truyền câu ca nhắc đến chợ Bản: “Ngẫm xem phong cảnh huyện Yên/ Hóa ra chợ Bản lắm tiền cũng sang”.

Còn theo lời kể của các cụ cao niên trong làng, xưa kia đường vào chợ Bản được bắc cây cầu gỗ, phía trên lợp ngói kiểu “thượng gia hạ kiều” - cầu bắc qua sông Mạn Định. Cầu chợ Bản thường được người dân gọi là cầu Ngói, là cổng chính vào chợ Bản... Đáng tiếc, sau năm 1945, bom đạn chiến tranh khiến cho chợ Bản phải “sơ tán” về nơi khác. Để giờ đây, nhắc đến chợ Bản trên đất làng Bái Trại, đó chỉ còn là niềm tiếc nuối trong những chuyện kể được nhắc nhớ của các bậc lão niên đã ở tuổi “xưa nay hiếm”.

Theo truyền thuyết, nếu như làng Bái Trại là vùng đất của người anh cả, thì làng Hoạch Thôn (tức Kẻ Voọc) lại gắn liền với công lao của người em thứ tư. Gọi là Kẻ Voọc là bởi nơi đây xưa kia có nhiều cây cối, bãi rậm do chim ăn hạt mà thành.

Trải qua quá trình lập làng, xây dựng cuộc sống, vượt qua nhiều khó khăn. Cùng với nỗ lực mưu sinh, người dân Bái Trại - Hoạch Thôn đã không ngừng tạo dựng, vun đắp nên các giá trị văn hóa truyền thống, gắn liền với đó là các công trình kiến trúc.

Trong số các làng truyền thống ở Định Tăng, đình làng Bái Trại là công trình kiến trúc được khởi dựng sớm nhất - vào khoảng cuối thế kỷ 13, đầu thế kỷ 14. Bấy giờ, ngôi đình gồm 4 mái, 5 gian, 6 vì kèo. Đình làng Bái Trại vừa là nơi thờ Thành hoàng làng, cũng là nơi hội họp, tập trung trai làng tuần tra. Bên cạnh đình, làng Bái Trại còn có nghè 7 gian. Cùng với đó, còn có đền thờ Hoàng Hối Khanh, vị danh tướng thời Trần - Hồ.

Người dân Bái Trại - Hoạch Thôn luôn coi trọng các giá trị văn hóa, tín ngưỡng truyền thống.

Người dân Bái Trại - Hoạch Thôn luôn coi trọng các giá trị văn hóa, tín ngưỡng truyền thống.

Cũng như làng Bái Trại, làng Hoạch Thôn khi xưa có đình làng với kiến trúc 5 gian, 6 vì kèo, làm theo kiến trúc thời Lê - Nguyễn. Đình làng Hoạch Thôn bề thế, dựng bằng gỗ lim, tọa lạc giữa làng, là niềm tự hào của nhiều thế hệ người dân địa phương. Ngoài đình thì ở Hoạch Thôn còn có nghè thờ nhị vị Thành hoàng làng.

Trải qua biến thiên thời gian và những biến động lịch sử, bom đạn chiến tranh, nhiều công trình kiến trúc gắn liền với đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người dân Bái Trại - Hoạch Thôn không còn. Tuy nhiên, với niềm tự hào và tình yêu với các giá trị văn hóa truyền thống, những năm qua các công trình kiến trúc trên địa bàn hai làng Bái Trại - Hoạch Thôn đã từng bước được tôn tạo khang trang bằng nguồn xã hội hóa.

Ông Vũ Văn Đức, Chủ tịch UBND xã Định Tăng, cho biết: “Trên địa bàn xã Định Tăng có 6 làng truyền thống, trong đó Bái Trại, Hoạch Thôn là hai làng có lịch sử lập dựng sớm hơn cả. Những năm gần đây, khi đời sống vật chất từng bước được nâng cao, người dân Bái Trại - Hoạch Thôn đã cùng nhau đóng góp kinh phí, cùng với chính quyền địa phương tôn tạo các công trình kiến trúc, đáp ứng nhu cầu về văn hóa, tín ngưỡng. Các công trình kiến trúc văn hóa sau khi được tôn tạo cũng tạo điểm nhấn giá trị cho “bức tranh” làng quê thêm thắm sắc.

Bài và ảnh: Khánh Lộc

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/dat-lang-bai-trai-hoach-thon-34823.htm