ĐẤT LÀNH TP HỒ CHÍ MINH: Thân thiện và tử tế
Đã bén duyên với TP HCM rồi thì chẳng mấy ai muốn rời đi, bởi giữa bộn bề mưu sinh đã có vô vàn câu chuyện xúc động về tình người, về sự thân thiện, tử tế níu chân cư dân xa xứ
Chiều cuối năm 2019, anh Nguyễn Văn Luận (quận Bình Thạnh, TP HCM) đã kể cho chúng tôi nghe về dự án "Sài Gòn tử tế" bằng cảm xúc của một người con tuy không sinh ra ở TP HCM nhưng đã nguyện sống và cống hiến cho thành phố mang tên Bác. Bởi quá yêu mà suốt năm qua, anh Luận đã dày công đi khắp các hang cùng ngõ hẻm ở TP để ghi lại những hình ảnh đời thường đầy tình người để kể cho bạn bè khắp nơi về một thành phố đáng sống - TP HCM.
Long lanh tình người
Theo anh Nguyễn Văn Luận, không chỉ có anh, "Sài Gòn tử tế" được anh và các cộng sự vốn đa phần là cư dân ngoại tỉnh khởi xướng từ cuối năm 2018 để chia sẻ và lan tỏa những câu chuyện thân thiện, tử tế, những việc làm có ích, tinh thần sống lạc quan, tích cực. Qua đó, khuyến khích các bạn trẻ quan tâm đến cộng đồng bằng những hành động giản dị có ý nghĩa tốt đẹp, từ đó khơi gợi một thái độ sống văn minh, tích cực để cùng chung tay xây dựng TP HCM trở thành một TP đáng sống, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Để làm được những việc ý nghĩa trên, anh Luận đã đi khắp các con hẻm của TP để "săn" những bức ảnh đời thường nhất. Đã có biết bao câu chuyện lung linh tình người được kể giữa bộn bề mưu sinh. Đó là chị bán hàng rong nói luôn có "mạnh thường quân" xuất hiện khi gánh hàng của chị khó bề bán hết, là chuyện bác xe ôm đầu hẻm bỗng chốc biến thành "anh chạy bàn" cho chị bán bún khi khách tấp nập... Hàng loạt gương mặt con người TP hiền hòa, hào sảng, từ tâm, tử tế, thân thiện... được đưa lên để mọi người cùng chiêm ngưỡng, tự hào.
Trong cao trào câu chuyện, anh Luận cho rằng qua những tháng ngày lăn lộn, anh và các cộng sự đã cảm nhận được toàn vẹn sự tử tế của người dân TP. Họ thật đẹp, thật đáng yêu! "Chúng tôi tin rằng những câu chuyện thật bằng hình ảnh của mình sẽ lan tỏa, tạo nên nét riêng của một TP HCM với những năng lượng tốt, những hoạt động văn minh, hướng về cộng đồng" - anh Luận tự tin.
Lan tỏa yêu thương
Góp thêm cho kho tàng chuyện kể về sự tử tế và thân thiện ở TP là anh Nguyễn Hồng Việt (33 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP HCM). Tưởng chỉ có trong phim ảnh, chuyện lại hiện rõ mồn một giữa đời thường. Đó là hình ảnh anh chàng dáng dấp thư sinh xuất hiện trong đêm khuya lạnh lẽo với bó hoa trên tay trao tặng cho những cô chú công nhân vệ sinh. "Mình đã thực sự rung cảm khi thấy trong ánh mắt các cô chú ánh lên niềm xúc động, niềm tin yêu cuộc sống. Với mình, hình ảnh đó, niềm vui đó không có gì so sánh được" - anh Việt kể và quả quyết sẽ tiếp tục hành động để lan tỏa thông điệp yêu thương.
Những lời anh Việt rất đáng trân trọng nếu ai đã một lần chứng kiến công việc thầm lặng nói trên của anh suốt từ năm 2015 đến nay. "Mình làm điều này đơn giản vì yêu TP này. Mình trân quý công việc của các cô chú đã âm thầm làm cho TP xanh, sạch, đẹp" - anh Việt tâm sự.
Mỗi lần tặng hoa cho người quét rác, anh Việt dùng một tấm bảng nhỏ ghi lại mong muốn của họ và chụp hình lại, sau đó chia sẻ lên trang Facebook cá nhân. "Ở đại dương không có chúng tôi nên đừng xả rác", "Ở ngã tư, đừng nhận tờ rơi nếu bạn vứt ngay xuống đường", "Nếu không có thùng rác, hãy đem rác về nhà"… kèm theo tấm hình là nụ cười hồn hậu của nhiều cô chú công nhân vệ sinh... Những thông điệp giản dị, gần gũi nhưng lại khiến nhiều người giật mình khi vứt rác.
Mới đây, có câu chuyện tử tế ở TP HCM sau khi đăng tải lên mạng xã hội đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Một cụ già cầm 2.000 đồng vào quán cơm nhưng đồ ăn đã hết. Đầu bếp ở đây đã nấu cho cụ một tô mì với thịt và rau. Trường hợp này một lần nữa nhắc người ta nhớ chuỗi quán cơm Nụ Cười (2.000 đồng/đĩa) được mở từ năm 2012. Chủ nhiệm của quán, cũng là người đồng sáng lập ra dự án trợ giúp thức ăn giá rẻ của quỹ từ thiện Tình thương TP, là ông Nam Đồng - một nhà báo kỳ cựu trong làng báo TP HCM.
Không chỉ cơm 2.000 đồng, ở TP HCM còn miễn phí nhiều thứ khác. Một ly trà đá miễn phí xua tan đi cái nóng bức trên đường phố khiến nhiều người mát dạ. Dù không nói ra nhưng mỗi khi uống nước, người đi đường hẳn không quên cảm ơn những ai đã làm việc thiện nguyện này. Rồi có anh diễn viên tối tối đi "hớt tóc dạo", giúp cô chú lao động nhìn "bảnh" hơn. Rồi 3 anh em ở Gò Vấp sửa xe bị ngập miễn phí… Những năm gần đây, xuất hiện nét đẹp tình người từ những tủ đồ cũ dành cho những người khó khăn, đặt ở nhiều tuyến đường do nhiều cá nhân, tập thể vận động với thông điệp "Quần áo tình thương - Ai cần đến lấy, ai thừa đến cho"; "Ai có tấm lòng thì ủng hộ, ai có nhu cầu thì đến lấy".
"Miễn phí, không phải là chuyện của tiền, dù người giàu hảo tâm ở TP vô số. Miễn phí ở đây là lòng tử tế tự nhiên, thấy người ta khổ thì mình thương, muốn làm họ bớt khổ. Họ vui, mình cũng vui" - chị Tiên Thủy, một người thường chạy đôn chạy đáo để đưa những bao quần áo cũ đến tay người nghèo, tâm sự.
Gắn bó và hàm ơn
Nhắc đến cái tên Vũ Đức Sao Biển, người yêu nhạc sẽ nhớ ngay đến các ca khúc "Thu, hát cho người", "Phượng ca", "Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang"… hay bộ biên khảo "Kim Dung giữa đời tôi" của ông. Vũ Đức Sao Biển sinh năm 1947 tại Quảng Nam. Là nhà báo - nhà văn, ông có trên 2.000 bài báo cùng hơn 50 quyển sách được xuất bản. Là nhạc sĩ, ông có trên 300 ca khúc. Gần đây, người nhạc sĩ tài hoa này được nhiều người chú ý hơn khi trình làng tác phẩm "Miền Nam sống đẹp".
Mở đầu, tác giả Vũ Đức Sao Biển bộc bạch: "Sài Gòn - TP HCM và miền Nam là miền đất nhân hậu, đáng yêu và đáng sống. Tôi đã 72 tuổi; sống ở miền Nam được 53 năm. Tôi muốn được viết về tấm lòng nhân hậu, bao dung của người phương Nam".
Theo Vũ Đức Sao Biển, quyển sách này không phải là hồi ký, ông chỉ ghi nhận lại những sự thật dù rất nhỏ của người dân TP HCM, người miền Nam dành cho ông, để qua đó bạn có thể thấy được tấm lòng của họ giúp đỡ, yêu thương, quý mến người phương xa đến như thế nào. Trong sâu thẳm con tim của nhạc sĩ, TP HCM là sự da diết ơn tình, là vòng tay dang rộng chào đón cậu sinh viên tỉnh lẻ, là quán bò kho điểm tâm không chỉ ngon, đậm đà mà còn tràn đầy sự tử tế, rộng rãi của người phương Nam khi bà chủ quán dặn ngay hôm đầu tiên "bữa nào tiền bạc chưa có, cháu muốn ăn cứ ghé nghen. Không có gì mà ngại ngùng"…
Ngay như lúc này, khi ngồi viết về những chuyện thân thiện và tử tế ở TP HCM, trong cuốn sổ ghi chép của tôi vẫn còn ngập những địa chỉ khác, để thấy TP nghĩa tình biết nhường nào.
Nào là hàng ngàn sinh viên, anh chị công nhân xa nhà có hoàn cảnh khó khăn đang được các đoàn thể, nhà trường, Công đoàn lo cho tấm vé xe về quê cùng phần quà nhỏ đón Tết. Nào là những ông chủ đại lý vé số đang lo sửa lại những "mái nhà chung" của người bán vé số nghèo từ tỉnh lẻ vào TP mưu sinh, quyết ở lại đây kiếm thêm thu nhập vào dịp Tết. Nào là TP đang ôm trong lòng hàng vạn người nghèo ở bệnh viện từ Nhi Đồng cho đến Ung Bướu với hàng ngàn suất cơm, suất cháo từ thiện ba buổi sáng, trưa, chiều. Và bữa ăn từ thiện của người nghèo, trẻ cơ nhỡ, vô gia cư… trở nên ngon miệng hơn nhờ chứa đựng cái tình của người miền Nam, người Sài Gòn - TP HCM!
(*) Xem Báo Người Lao Động
từ số ra ngày 31-12-2019
Kỳ tới: Cần nhiều nguồn lực để vươn xa
Xin mượn lời của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển trong “Miền Nam sống đẹp” để làm cái kết cho bài: “… Một nơi việc làm dễ có, thành công dễ gặt hái được, con người dễ kết thâm tình... Được sống ở một nơi tốt đẹp như vậy, tôi nghĩ mình không còn mơ ước gì thêm nữa”.