Đất lậu hoành hành, ai chịu trách nhiệm?
Hoạt động khai thác đất lậu diễn ra rầm rộ, liên tục trong thời gian dài với khối lượng ước tính hàng chục ngàn mét khối nhưng chính quyền xã Ayun Hạ (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) không phát hiện, xử lý.
Đến khi báo chí vào cuộc phản ánh thì địa phương này mới xử lý nhưng cũng chưa thật sự rốt ráo, thậm chí còn có biểu hiện né tránh trách nhiệm. Điều này càng khiến dư luận đặt ra nghi ngờ, liệu cán bộ nơi đây có “bật đèn xanh”, “bảo kê” cho việc khai thác đất lậu?
Đất lậu đổ nền nhà bí thư Đảng ủy xã
Tiếp tục tìm hiểu về vụ hàng ngàn mét khối đất bị khai thác lậu tại thôn Đoàn Kết (xã Ayun Hạ), chúng tôi được người dân địa phương cho biết: Tình trạng khai thác đất lậu ở đây diễn ra rầm rộ như chỗ không người.
Đáng ngạc nhiên hơn, dọc tuyến quốc lộ 25 từ chân đèo Chư Sê (xã Ayun Hạ) cho đến đầu thị trấn Phú Thiện, người dân thấy đất khai thác lậu được bán giá rẻ nên tranh thủ mua chất đống ngay trước cổng nhà. Ngoài việc san lấp mặt bằng làm nền nhà hay sân vườn, nhiều người còn mua khối lượng lớn để lấp ao hồ trồng cây.

Bãi đất lậu của ông Trần Văn Mạnh (thôn Đoàn Kết) mua về đổ gần nhà, dự tính sau này dùng san nền làm nhà cho con. Ảnh: M.P
Nhà cạnh đường ra vào mỏ đất khai thác lậu, ông Trần Văn Mạnh (thôn Đoàn Kết) cho biết: Thấy đất bán với giá rẻ, nhà có sẵn xe tải nên ông đã liên hệ với ông Phạm Ngọc Tú (cùng thôn) để mua 25 xe đất (5 m3/xe) với giá 200 ngàn đồng/xe về đổ ở gần nhà, dự tính sau này dùng san nền làm nhà cho con.
“Trước đây, đất mua tại mỏ được cấp phép nếu tự chuyên chở thì có giá 500-550 ngàn đồng/xe, còn xe chở đến nhà đổ thì giá lên đến 800-900 ngàn đồng/xe, tùy thời điểm và quãng đường xa gần”-ông Mạnh cho hay.
Cũng theo ông Mạnh, người dân trong thôn thấy đất khai thác lậu có “giá mềm” nên ai nấy đều tranh thủ mua. Do vậy, việc chuyên chở từ các mỏ đất lậu này đi khắp nơi diễn ra khá nhộn nhịp, đặc biệt là vào ban đêm. Chỉ tay về khu vực phía trước nhà mình, ông Mạnh nêu dẫn chứng: Phía bên trái đối diện là nhà bà Lụa, ông Dũng cũng mua đất lấp ao với khối lượng lên đến cả trăm xe.
Còn ngay trước nhà, Trung tâm Đào tạo lái xe An Phú Thiện thi công tuyến đường dọc bờ kênh dài hơn 1 km cũng tranh thủ mua đất khai thác lậu với giá rẻ để đổ làm lề đường. Nhiều xe tải lớn (16-20 m3/xe) từ nơi khác đến đây mua đất rồi vận chuyển theo hướng đi thị xã Ayun Pa, huyện Krông Pa.
Tương tự, bà Phạm Thị Mai (thôn Thanh Hà, xã Ayun Hạ) xác nhận: Bà được một thanh niên tên Dũng đến nhà “tiếp thị” với giá 500 ngàn đồng/xe đất. Ban đầu, nhu cầu của gia đình chỉ cần 1-2 xe nhưng vì thấy giá đất bán rẻ so với trước đây nên bà mua 10 xe để tạo mặt bằng vườn nhà.
Thời điểm gần đây, giá đất chỉ 300-400 ngàn đồng/xe. Thấy giá rẻ, một số hộ dân trong thôn cũng mua đất, dao động từ 2 đến 10 xe/hộ để dành làm nhà, cải tạo đường đi. Ngoài ra, người dân ở các thôn: Đoàn Kết, Thanh Thượng, Plei Ring Đáp, Sơn Bình… cũng đều mua đất khai thác lậu về để dành.
“Ở đây, nhiều nhà mua lắm. Mặc dù chưa có ý định đổ đất để làm gì nhưng vì thấy giá rẻ nên họ cũng mua dự trữ. Hoạt động vận chuyển diễn ra rầm rộ nhất là thời điểm sau Tết Ất Tỵ 2025, chủ yếu chở vào ban đêm”-bà Mai cho biết.

Gia đình bà Phạm Thị Mai-Thôn Thanh Hà (xã Ayun Hạ) thấy đất lậu giá rẻ nên mua về dự trữ để san gạt nền vườn của gia đình. Ảnh: M.P
Đáng chú ý, trong quá trình xác minh hàng ngàn mét khối đất khai thác lậu vận chuyển đi đâu, chúng tôi được người dân tiết lộ thông tin ông Trịnh Thuyết-Bí thư Đảng ủy xã Ayun Hạ cũng sử dụng loại đất này để nâng nền đất của gia đình tại thôn Thanh Thượng.
Khu đất của gia đình ông Thuyết rộng hơn 200 m2, nằm sát quốc lộ 25, dấu vết đổ đất còn rất mới, nền đổ cao ngang với mặt đường và được san gạt bằng phẳng. Dọc bên phải lô đất đã được dựng sẵn các trụ bê tông và đổ nhiều gạch để chuẩn bị xây tường rào. Người dân ở đây cũng cho biết: Khu đất của gia đình ông Thuyết đã đổ khoảng 60-70 xe đất (5 m3/xe) vào ban đêm.
Để kiểm chứng thông tin này, chúng tôi đã tìm gặp ông Thuyết. Ông Thuyết xác nhận vị trí đó đúng là phần đất của gia đình mua từ năm 2002. Từ nhiều năm nay, mảnh đất này được gia đình ông cho ông Đ.X.Th. mượn để trồng cỏ nuôi bò. Thấy khu vực này trũng thấp nên ông Th. đã mua đất về đổ nâng nền để trồng cỏ cho khỏi bị ngập úng.
“Còn ai đổ đất thì tôi không biết, cũng không hỏi. Người dân cần thì họ đổ, thấy giá đất rẻ thì họ mua”-ông Thuyết cho hay.
Chúng tôi nhiều lần hỏi xin số điện thoại của ông Th. để liên hệ kiểm chứng thông tin trên nhưng ông Thuyết lại nói không có số rồi lảng tránh yêu cầu này.

Không chỉ có bụi đất, làm hư hỏng đường sá mà việc xe lớn chở nặng lưu thông trên tuyến đường nhỏ ngày trước cổng Trường THCS Quang Trung gây mất an toàn giao thông. Ảnh: M.P
Liên quan đến việc khai thác đất lậu gây mất an toàn giao thông, ông Trịnh Văn Kiên-Phó Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung (xã Ayun Hạ) cho biết: Hoạt động khai thác đất ở đây diễn ra từ tháng 11-2024 đến nay, rầm rộ nhất là vào ban đêm. Các xe tải lớn chở nặng đã làm hư hỏng đường bê tông phía trước cổng trường nối với quốc lộ 25, gây khó khăn cho việc đi lại của học sinh và thầy-cô giáo. Nhiều trường hợp học sinh bị ngã trầy xước, thậm chí bị gãy tay.
“Đường bê tông giờ chỉ toàn thấy bụi đất, chỗ lồi, chỗ lõm. Không chỉ làm hư hỏng đường sá mà việc xe tải chở nặng lưu thông trên tuyến đường ngay trước cổng trường còn gây mất an toàn giao thông. Có lần xe chở đất còn tông sập tường rào của trường. Nhà trường cũng đã phản ánh vấn đề này tại các cuộc họp với Đảng ủy, UBND xã để cơ quan có thẩm quyền xử lý”-ông Kiên nêu thực trạng.
Cần làm rõ đối tượng khai thác
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Đức Vạn (thôn Đoàn Kết) cho biết: Gia đình ông có hơn 2 ha đất trồng bắp, mì và điều nhưng do đất xấu nên năng suất rất thấp. Vì vậy, ông đã thỏa thuận cho ông Phạm Ngọc Tú thực hiện việc múc đất hạ thấp độ cao để cải tạo diện tích canh tác.
“Tôi cho ông Tú múc đất trên phần diện tích hơn 1 ha đang trồng điều nhằm cải tạo để trồng lúa. Tuy nhiên, việc múc đất diễn ra vào ban đêm nên tôi cũng không biết có bao nhiều người và xe đến khai thác, vận chuyển. Có lần lãnh đạo xã còn xin đất của tôi để đổ làm đường liên thôn. Nếu thấy tôi sai sao xã còn hỏi xin đất? Còn ông Tú chở đất đi đâu, bán cho ai thì tôi không biết”-ông Vạn nói.
Sau khi xảy ra vụ việc khai thác đất lậu, ông Vi Văn Duy (trú tại thôn Sơn Bình, xã Ayun Hạ) đã đến UBND xã nhận mình vừa là chủ đất, vừa tổ chức cải tạo đất và khai thác bán cho nhiều người.
Ông Duy cho biết: Ông được bố mẹ cho thửa đất số 68, tờ bản đồ số 49 (chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) có diện tích khoảng 5.000 m². Tháng 2-2025, ông có nhu cầu chuyển đổi từ trồng mì sang trồng lúa nên đã tự ý đưa xe vào múc đất, san gạt hạ thấp độ cao. Ngoài việc vận chuyển đất về lấp ao của gia đình, ông còn chở bán cho nhiều hộ dân ở các thôn: Thanh Thượng, Thanh Hà, Plei Ring Đáp.
Ông Duy thừa nhận khai thác khoảng 1.800 m³ đất không có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Với hành vi làm biến dạng địa hình, thay đổi độ dốc bề mặt đất, ông bị UBND huyện Phú Thiện ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 35 triệu đồng.
Bức xúc với quyết định xử phạt này, ông Duy nói: “Tôi khai thác diện tích nhỏ, sau khi phát hiện cũng đã lên xã khai báo và nộp phạt. Còn ông Tú khai thác khối lượng lớn, diện tích trên 2 ha thì đến nay không thấy bị xử lý. Họ có máy đào, máy xúc thực hiện khai thác rầm rộ, không chỉ bán cho người dân trong xã mà còn có nhiều xe lớn từ nơi khác đến mua. Việc xác minh ai khai thác đã rõ, chủ đất cũng khai báo người làm, người múc sao không thấy bị phạt mà chỉ phạt có mình tôi?”.

Diện tích khai thác đất lậu với quy mô lớn tại thôn Đoàn Kết, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện. Ảnh: M.P
Theo báo cáo của UBND huyện Phú Thiện, tại khu vực thôn Đoàn Kết (phía sau Trung tâm Đào tạo lái xe An Phú Thiện và nghĩa trang xã) phát hiện có 3 vị trí đất bị đào xới, hạ độ cao. Cụ thể, một phần diện tích của các thửa đất số 72, 10, tờ bản đồ số 49, 52 bị đào xới, hạ độ cao, san lấp hạ đất mặt diện tích 9.803 m2, độ cao hạ thấp trung bình từ 0,2 m đến 1,2 m.
Qua làm việc, ông Vạn nhận là chủ sử dụng các thửa đất, đồng thời xác nhận đã thỏa thuận cho ông Tú thực hiện việc san lấp, hạ thấp độ cao để cải thiện đất canh tác.
Sau khi Báo Gia Lai phản ánh sự việc, ngày 26-3, UBND huyện Phú Thiện kiểm tra và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 75 triệu đồng đối với ông Vạn.
Ngay dưới chân đèo Chư Sê (xã Ayun Hạ), chúng tôi cũng phát hiện một điểm khai thác đất, đá với quy mô khoảng 1 ha. Ông Nguyễn Tất Anh-Kiểm lâm viên địa bàn xã Ayun Hạ (Hạt Kiểm lâm huyện Phú Thiện) xác nhận: Đây là khu vực rẫy mì của người dân đang canh tác trên đất lâm nghiệp. Việc cải tạo đất diễn ra từ lâu, còn việc lén lút tập kết khối lượng đất lậu về đây để chở bán nơi khác thì mới phát hiện gần đây. Khối lượng đất tập kết ở đây là của ông P.H. được vận chuyển từ nơi khác đến. Hiện cơ quan Công an đã mời ông H. đến làm việc nhưng ông này chưa chịu đến.
Vị trí thứ 2 là một phần diện tích của các thửa đất số 39, 44, tờ bản đồ số 52 (thôn Đoàn Kết) cũng bị đào xới, hạ độ cao, san lấp hạ thấp đất mặt. Diện tích đã san lấp, hạ độ cao là 9.306 m2, độ cao hạ thấp trung bình từ 0,3 m đến 1,3 m.
Hiện UBND huyện tiếp tục chỉ đạo xác minh chủ sử dụng đất để lập hồ sơ xử lý vi phạm theo quy định.
Riêng vị trí thứ 3 (thửa đất số 68, tờ bản đồ số 49) xác định đối tượng khai thác là ông Duy. Theo đó, UBND huyện cũng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 35 triệu đồng đối với ông Duy.
Trao đổi về vấn đề xử lý vi phạm, ông Nguyễn Ngọc Ngô-Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện-khẳng định: “Không có chuyện khỏa lấp cho qua mà việc xử lý vi phạm đang được huyện thực hiện theo quy định một cách bài bản, cẩn trọng. Quan trọng là xử lý đúng đối tượng, đúng bản chất vụ việc. Hành vi này diễn ra trong một thời gian dài nên huyện chờ các cơ quan chuyên môn thẩm định, đo đạc, xác định khối lượng, đối tượng khai thác để sau này còn kiểm điểm, làm rõ ai là người phụ trách phải chịu trách nhiệm”.
Từ vụ việc khai thác đất lậu chỉ cách trụ sở UBND xã Ayun Hạ hơn 1 km nhưng chính quyền sở tại không hề hay biết cho thấy việc quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương không những gây thất thoát khối lượng lớn tài nguyên khoáng sản mà còn tạo dư luận xã hội về việc bao che, tiếp tay của một số cán bộ địa phương. Vậy có hay không việc “tiếp tay” cho hoạt động khai thác đất lậu trên địa bàn xã Ayun Hạ? Dư luận đang chờ câu trả lời từ các cơ quan chức năng.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/dat-lau-hoanh-hanh-ai-chiu-trach-nhiem-post316838.html