Đặt mục tiêu cải thiện sức khỏe tinh thần cho năm mới

Khi đặt mục tiêu cho năm mới, chúng ta thường quan tâm đến vấn đề tài chính, sức khỏe thể chất, mối quan hệ. Tuy nhiên, vấn đề tinh thần cũng cần một lộ trình để cải thiện.

 Bên cạnh mục tiêu tài chính, bạn có thể xây dựng lộ trình cải thiện vấn đề tâm lý từ bây giờ. Ảnh: Cottonbro Studio/Pexels.

Bên cạnh mục tiêu tài chính, bạn có thể xây dựng lộ trình cải thiện vấn đề tâm lý từ bây giờ. Ảnh: Cottonbro Studio/Pexels.

Việc đặt mục tiêu (goals) cho năm mới đã trở thành thói quen của nhiều người. Tuy nhiên, chúng ta chỉ đặt mục tiêu về tài chính, sức khỏe thể chất, mối quan hệ. Vấn đề tinh thần thường bị ngó lơ.

Bạn hoàn toàn có thể đặt kế hoạch cải thiện sức khỏe tâm lý trong năm mới. Chúng ta có quyền tự hào khi đạt được những thành tựu về tinh thần như biết kiểm soát cảm xúc hay thấu hiểu bản thân.

Năm mới, bạn cũng cần thay đổi tư duy về cách đối phó với bệnh tâm lý. Thay vì chật vật vượt qua một mình, bạn nên yêu cầu sự trợ giúp từ bạn bè, người thân hoặc chuyên gia trị liệu.

Chăm sóc sức khỏe (bao gồm sức khỏe tâm thần)

Cách bạn đối xử với cơ thể tác động trực tiếp tới tinh thần. Vì vậy, bạn cần đảm bảo chăm sóc sức khỏe thể chất kỹ lưỡng. Ăn đủ bữa, uống nhiều nước, ngủ đủ giấc, thiền và tập thể dục là những thói quen có thể luyện tập ngay từ hôm nay.

 Thiền và tập thể dục là những phương pháp cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần hiệu quả. Ảnh: Alena Darmel/Pexels.

Thiền và tập thể dục là những phương pháp cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần hiệu quả. Ảnh: Alena Darmel/Pexels.

Không bỏ qua suy nghĩ và ngó lơ cảm xúc

Phớt lờ mọi vấn đề không phải cách giải quyết tốt. Vì thế, nếu bạn cảm thấy buồn rầu, lo lắng, tức giận hoặc chán nản, hãy thử tìm kiếm nguyên nhân của những cảm xúc tiêu cực đó. Việc bạn cần làm là xác định lý do, tìm cách giải quyết hoặc nhờ sự hỗ trợ từ người khác. Khi để cảm xúc xấu tích tụ lâu ngày, bạn sẽ khiến tình huống trở nên tồi tệ hơn.

Học cách đồng ý và từ chối

Thay vì sống mãi trong vùng an toàn, bạn có thể bắt đầu khám phá một khía cạnh mới của bản thân. Đồng ý nhiều hơn không có nghĩa là thỏa hiệp với những điều bạn không muốn làm, mà là cho bản thân cơ hội vượt qua nỗi sợ hãi và trải nghiệm cuộc sống muôn màu.

Tuy nhiên, bạn cũng cần học cách từ chối trong nhiều trường hợp. Trong một số hoàn cảnh, việc tặc lưỡi đồng ý trong khi thực sự muốn từ chối có thể khiến bạn mệt mỏi cả về thể chất lẫn tinh thần. Khi cố gắng làm hài lòng người khác, chính bạn sẽ trở nên căng thẳng, lo lắng và trầm cảm. Mục tiêu năm mới là nói “không" với những điều bạn không thể hoặc không muốn thực hiện.

Đặt ranh giới

Thiết lập giới hạn để bảo vệ bản thân là một trong những bài tập thực hành quan trọng tại nhiều buổi trị liệu tâm lý. Tuy nhiên, việc này được đánh giá là tương đối khó với một số người, đặc biệt là những người ngại từ chối. Khi đặt ranh giới, bạn có thể ngăn chặn những tình huống khó xử và các mối quan hệ độc hại.

Học cách tha thứ

Theo Johns Hopkins Medicine, sự tức giận thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến huyết áp, nhịp tim và giấc ngủ của bạn. Vị tha không có nghĩa là bạn buộc phải xây dựng lại một mối quan hệ cũ đã đứt gãy. Tha thứ chỉ đơn giản là học cách chấp nhận. Khi đã khoan dung cho ai đó, bạn sẽ không còn tức giận, mất ăn mất ngủ và mong chờ điều tồi tệ xảy đến với họ.

Tiến hành trị liệu tâm lý nếu cần thiết

Trị liệu tâm lý không chỉ dành cho bệnh nhân tâm thần. Khác với bạn bè và người thân, bác sĩ tâm lý hoặc nhà trị liệu là những người khách quan và được trang bị đầy đủ kiến thức để hỗ trợ bạn cải thiện sức khỏe tinh thần.

Khi thực hiện các liệu trình này, bạn có thể chia sẻ những tổn thương, khó khăn trong cuộc sống hàng ngày và học cách kiểm soát căng thẳng. Bác sĩ tâm lý có trách nhiệm hướng dẫn bạn cách thức xử lý cảm xúc và đối phó với các vấn đề phát sinh.

 Trị liệu tâm lý giúp bạn điều chỉnh cảm xúc, thái độ, hành vi trong đời sống hàng ngày. Ảnh: SHVETS Production/Pexels.

Trị liệu tâm lý giúp bạn điều chỉnh cảm xúc, thái độ, hành vi trong đời sống hàng ngày. Ảnh: SHVETS Production/Pexels.

Yêu cầu sự giúp đỡ

Nếu bạn bị gãy chân, không ai nói rằng bạn cần tự chữa lành vết thương. Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng bạn phải tự vượt qua các vấn đề về sức khỏe tâm thần. 20% dân số Mỹ hiện nay mắc các hội chứng, bệnh tâm lý, song nỗ lực che giấu bệnh tình của bản thân.

Sự kỳ thị hoặc thờ ơ đối với những người gặp vấn đề tâm lý khiến họ ngại đưa ra yêu cầu giúp đỡ. Trong năm mới, bạn cần học cách trình bày mong muốn và nguyện vọng với những người xung quanh khi không thể tự vượt qua.

Linh Vũ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dat-muc-tieu-cai-thien-suc-khoe-tinh-than-cho-nam-moi-post1386496.html