Đặt mục tiêu cao trong công tác giảm nghèo

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cả nước vẫn còn 1,2 triệu hộ nghèo, giảm 1,65% so với năm 2023. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 217/QĐ-BLĐTBXH công bố kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025. Đây được xem là tiền đề và kim chỉ nam cho công tác giảm nghèo mà Việt Nam đang đi đúng hướng.

Giảm nghèo toàn diện trên phạm vi toàn quốc

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 217/QĐ-BLĐTBXH công bố kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025. Theo quyết định này, tỷ lệ nghèo đa chiều (gồm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo) năm 2024 chung toàn quốc là 4,06%; tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều là 1.258.997 hộ. Như vậy, so với kết quả công bố năm ngoái, tỷ lệ nghèo đa chiều năm 2024 giảm 1,65% so với năm 2023.

 Năm 2025, mục tiêu giảm nghèo cả nước bình quân duy trì giảm 1 - 1,5%/năm, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4 - 5%/năm.

Năm 2025, mục tiêu giảm nghèo cả nước bình quân duy trì giảm 1 - 1,5%/năm, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4 - 5%/năm.

Tính theo các vùng, trung du và miền núi phía Bắc vẫn là khu vực có tỷ lệ nghèo đa chiều cao nhất cả nước, với 14,98%; tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều là 486.623 hộ. Tiếp đó là vùng Tây Nguyên với tỷ lệ nghèo đa chiều là 9,45%; tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều là 152.970 hộ. Đồng bằng sông Hồng xếp vị trí thứ 5, với tỷ lệ nghèo đa chiều là 1,4%; tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều là 97.755 hộ. Vùng Đông Nam Bộ có tỷ lệ nghèo đa chiều thấp nhất cả nước, với 0,15%; tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều là 7.585 hộ.

Là huyện vùng cao duy nhất của tỉnh Thái Nguyên, Võ Nhai hiện còn trên 1.500 hộ nghèo, chiếm 8,37% tổng số hộ; 1.345 hộ cận nghèo, chiếm 7,48% tổng số hộ. Năm 2024, Đảng bộ huyện luôn bám sát chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững từ huyện đến cơ sở; công tác an sinh xã hội được triển khai đồng bộ, kịp thời và có hiệu quả. Nhờ vậy, 100% lượt hộ nghèo và hộ cận nghèo được vay vốn ưu đãi qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội theo nhu cầu để tạo sinh kế, ổn định cuộc sống phát triển sản xuất; 100% hộ nghèo được hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế, tỷ lệ người dân có thẻ bảo hiểm y tế của huyện đạt trên 95%.

Năm 2024, tổng nguồn vốn thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia tại Võ Nhai đạt trên 290 tỷ đồng; qua đó góp phần cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn, giúp người dân có sinh kế bền vững, từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên mảnh đất quê hương. Việc triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở triển khai quyết liệt, đồng bộ, bảo đảm tiến độ theo kế hoạch đề ra.

Qua rà soát, ở huyện có 731 hộ nghèo, cận nghèo đang ở nhà tạm, nhà dột nát (trong đó có 628 hộ nghèo, 103 hộ cận nghèo). Trước Tết Ất Tỵ, huyện đã hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát ở các xã: Phương Giao, Phú Thượng, Lâu Thượng và thị trấn Đình Cả; các xã còn lại bảo đảm hoàn thành trước ngày 30.6.2025...

Đặt quyết tâm cao trong năm 2025

Quyết định số 217/QĐ-BLĐTBXH cho thấy, tính đến cuối năm 2024, có 2 địa phương trong cả nước có tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn 0% (gồm tỷ lệ hộ nghèo 0%, tỷ lệ hộ cận nghèo 0%) là TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu. Bên cạnh đó, có 4 địa phương có tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0% là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và Bắc Ninh.

 Năm 2025, mục tiêu giảm nghèo cả nước bình quân duy trì giảm 1 - 1,5%/năm, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4 - 5%/năm.

Năm 2025, mục tiêu giảm nghèo cả nước bình quân duy trì giảm 1 - 1,5%/năm, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4 - 5%/năm.

Bên cạnh đó, năm 2025, mục tiêu giảm nghèo cả nước bình quân duy trì giảm 1 - 1,5%/năm, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4 - 5%/năm. Để đạt mục tiêu này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa có văn bản vừa gửi các bộ, cơ quan trung ương; UBND các tỉnh, thành phố về triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2025.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị các đơn vị khẩn trương trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, giao mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch vốn thực hiện chương trình theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công và Nghị định hướng dẫn của Chính phủ.

Đồng thời, rà soát, xác định nhiệm vụ và kinh phí thuộc dự toán ngân sách nhà nước được giao năm 2022, 2023, 2024 thực hiện chương trình được chuyển nguồn sang năm 2025, để tiếp tục thực hiện bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí được giao, đúng mục tiêu, đối tượng, phạm vi, nội dung hỗ trợ theo quy định.

Các địa phương ưu tiên bố trí đủ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương để thực hiện chương trình, lồng ghép với dự toán ngân sách trung ương; huy động mọi nguồn lực hợp pháp khác để thực hiện chương trình trên địa bàn và có giải pháp để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo Thủ tướng Chính phủ giao. Cùng với đó, tổ chức thực hiện chi ngân sách nhà nước theo dự toán được giao, bảo đảm phân bổ, giao dự toán cho các đơn vị sử dụng ngân sách và cấp dưới theo đúng thời hạn và quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.

Đối với các tỉnh có huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; trong đó đối với các tỉnh có huyện nghèo, cần tổ chức rà soát, đánh giá đối với các huyện nghèo trên địa bàn tỉnh, trình Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội theo trình tự, thủ tục quy định tại Quyết định số 36/2021/QĐ-TTg để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Riêng đối với 16 tỉnh có huyện nghèo được hỗ trợ thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022 - 2025, đề nghị rà soát, tập trung triển khai hoàn thành mục tiêu, nội dung trong Kế hoạch thực hiện được UBND tỉnh phê duyệt. Bên cạnh việc đánh giá kết quả giảm nghèo, cần đặc biệt quan tâm đánh giá thu nhập bình quân đầu người hàng năm, bảo đảm đến năm 2025 thu nhập của hộ nghèo, cận nghèo phấn đấu tăng 1,8 lần so với năm 2020.

Đặc biệt, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp thực hiện, giải ngân chậm, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đồng thời, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm và không để xảy ra thất thoát, lãng phí trong quá trình triển khai thực hiện chương trình. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện; chủ động xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải pháp nhằm xử lý kịp thời đối với những vấn đề phát sinh.

Dương Lê

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dat-muc-tieu-cao-trong-cong-tac-giam-ngheo-post404692.html