Đặt mục tiêu đưa Thanh Hóa thành một cực tăng trưởng phía Bắc vào 2025
Với các tiềm năng công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, Thanh Hóa được định hướng phát triển trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc, nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước.
Tại Hội nghị thẩm định quy hoạch tỉnh Thanh Hóa sáng 27/5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng nhận định, Thanh Hóa là một tỉnh đông dân, lực lượng lao động dồi dào, cần biến đó thành sức mạnh, động lực phát triển. Vì vậy, ông cho rằng cần làm rõ về trạng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020 và các yếu tố, điều kiện tác động để xác định rõ vai trò và vị thế của tỉnh trong thời kỳ 2021 - 2030.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
“Xem xét làm rõ các trọng tâm ưu tiên phát triển kinh tế của tỉnh, gồm 4 trung tâm kinh tế động lực, 6 trụ cột tăng trưởng, làm rõ nội hàm của 6 hành lang kinh tế đồng thời giải pháp về quy hoạch và nguồn lực để phát triển các hành lang kinh tế và 5 vùng liên huyện và các khâu đột phá, các lĩnh vực ưu tiên phát triển phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương”.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đặt mục tiêu phấn đấu cho Thanh Hóa đến năm 2025, tỉnh sẽ nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc. Tuy nhiên, theo ông, trong phương án phát triển chưa thể hiện được sự thay đổi, đột phá so với thời kỳ quy hoạch trước để Thanh Hóa trở thành 1 trong 4 cực tăng trưởng của phía Bắc về công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Vì vậy Bộ trưởng Dũng định hướng: “Đề nghị làm rõ hơn khả năng liên kết phát triển với các tỉnh Bắc Trung Bộ để tạo nên cực tăng trưởng mới của vùng”.
Cùng với đó là làm rõ tính khả thi và dự kiến ảnh hưởng của việc định hướng bố trí không gian phát triển và mở rộng hệ thống đô thị trên địa bàn, việc sáp nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa trước năm 2025; đến 2030 thành phố Thanh Hóa trở thành đô thị thông minh và hoàn thành các tiêu chí đô thị loại I. Trong đó lưu ý việc phát triển và mở rộng đô thị phải mang bản sắc riêng và phù hợp với yêu cầu về bảo tồn các giá trị nổi bật của di sản.
Ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo của Thanh Hóa
Một trong những nhóm nhiệm vụ quy hoạch quan trọng khác của Thanh Hóa được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu ra là cần làm rõ hơn về luận chứng ưu tiên đầu tư năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và quy mô các dự án năng lượng trên địa bàn.
“Việc đề xuất các dự án năng lượng tái tạo đã đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 hay chưa? Cùng với đó là quy hoạch các thủy điện nhỏ dưới 10MW, tính khả thi của việc thu hút đầu tư, cũng như khả năng cân đối nguồn lực”.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng
Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị hội nghị cho ý kiến về phương án phát triển công nghiệp của tỉnh; việc phát triển công nghiệp đảm bảo tính kết nối, liên kết về chuỗi giá trị về sản phẩm công nghiệp tại các khu kinh tế, khu công nghiệp khác trên địa bàn vùng (khu kinh tế Vũng Áng, khu kinh tế Hòn La, khu kinh tế Đông Nam Nghệ An); đồng thời xem xét tính hợp lý về phương án phát triển và quy mô đầu tư 10 khu công nghiệp mới, 68 cụm công nghiệp đảm bảo yêu cầu liên kết về chuỗi giá trị sản phẩm, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất.
Các phương án phát triển của tỉnh đều phụ thuộc vào việc mở rộng, nâng công suất nhà máy lọc hóa dầu trong khu kinh tế Nghi Sơn, trong khi biến động của kinh tế thế giới khó lường, nguyên liệu chủ yếu là nhập khẩu. Do vậy, cần nghiên cứu bổ sung phương án phát triển và kịch bản tăng trưởng để lựa chọn đảm bảo tính khả thi.
Mặt khác, trong quy hoạch coi đây là khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ thì vấn đề bảo vệ môi trường chung cho cả khu kinh tế Nghi Sơn, để đáp ứng yêu cầu phát triển xanh, sạch, bền vững là việc cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng.
Sự phù hợp của phương án sử dụng đất đến năm 2030 so với chỉ tiêu sử dụng đất được phân bổ, trong đó chỉ tiêu quy hoạch đất KCN cao hơn 8201 ha so với Quyết định số 326/QĐ-TTg; sự đầy đủ của phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện theo quy định của pháp luật đất đai, pháp luật về quy hoạch và việc khoanh vùng các khu vực liên quan đến quốc phòng, an ninh trên đất liền, trên biển và đảo thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an theo Điều 61 Luật Đất đai.
Làm rõ căn cứ pháp lý, cơ sở khoa học trong việc điều chỉnh giảm diện tích diện tích đất rừng; việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sản xuất tại những vùng xung yếu, vùng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, chống cát bay.
Khai thác hết tiềm năng du lịch của tỉnh
Xác định Thanh Hóa có tiềm năng và lợi thế về phát triển du lịch, tuy nhiên quy hoạch chưa làm rõ được định hướng và giải pháp để phát huy hiệu quả giá trị di sản và các khu, điểm du lịch quốc gia trên địa bàn đã được xếp hạng, Bộ trưởng Dũng đề nghị tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch nghiên cứu, bổ sung một số định hướng và đề ra các giải pháp để thu hút khách du lịch.
Đồng thời, tỉnh cần tính hiệu quả và khả năng thu hút nhà đầu tư trong việc quy hoạch 10 khu chức năng tổng hợp nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, thể thao (trong đó có 10 sân golf xây dựng mới), nhất là tính khả thi đối với những sân golf ở xa khu vực trung tâm đô thị lớn.
Cũng tại phiên họp hôm nay, ông Dũng đề nghị các thành viên Hội đồng thẩm định tham gia ý kiến đối với dự thảo báo cáo thẩm định quy hoạch, gửi cơ quan Thường trực Hội đồng tổng hợp; đồng thời cho ý kiến biểu quyết vào phiếu đánh giá đối với quy hoạch tỉnh để tổng hợp, công bố tại phiên họp của Hội đồng.
“Tại Hội nghị thẩm định này tôi đề nghị các thành viên Hội đồng thẩm định, các chuyên gia quy hoạch tham gia ý kiến để tỉnh Thanh Hóa hoàn thiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch, phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh, sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt quy hoạch của tỉnh”, Bộ trưởng KH&ĐT nhấn mạnh,