Đặt mục tiêu tăng giá trị cho ngành khai thác thủy sản

Theo nhận định của Tổng cục Thủy sản, năm 2022 sẽ có nhiều yếu tố tác động đến hoạt động khai thác, chế biến thủy sản như an ninh thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp; dịch bệnh Covid vẫn còn kéo dài...

Tuy nhiên, ngành thủy sản vẫn đặt mục tiêu tăng giá trị khai thác và chế biến thủy sản. Năm 2022, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng âm về sản lượng khai thác nhưng vẫn phải đảm bảo mục tiêu tăng trưởng về giá trị sản phẩm.

Theo đó, ngành thủy sản đặt mục tiêu khai thác khoảng 8,7 triệu tấn (99,9% so với năm 2021). Trong đó, sản lượng khai thác khoảng 3,78 triệu tấn (97,1% năm 2021); sản lượng nuôi trồng 4,95 triệu tấn (102,2% năm 2021); kim ngạch xuất khẩu khoảng 8,7 tỷ USD.

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng các nghiệp đoàn nghề cá vẫn hướng đến mục tiêu phát triển. Ảnh: D.N

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đặt ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp nhằm duy trì ổn định tổng sản lượng thủy sản. Ngành thủy sản định hướng điều chỉnh giảm dần sản lượng khai thác, tăng sản lượng nuôi trồng và triển khai mạnh các giải pháp để tăng giá trị đối với cả sản lượng nuôi và khai thác để tăng giá trị sản xuất đối với với sản phẩm thủy sản, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng.

Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương triển khai thực hiện Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn Luật và các khuyến nghị của EC; điều tra nguồn lợi, dự báo ngư trường khai thác; quản lý tàu cá và hoạt động khai thác thủy sản trên biển và cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá.

Đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản và các đơn vị tham gia hội nghị cho rằng, việc nâng cao chất lượng, giảm tổn thất sau thu hoạch nguyên liệu hải sản khai thác; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả chế biến; phát triển thị trường tiêu thụ… là những yếu tố rất quan trọng.

Chất lượng các mặt hàng thủy sản luôn được đảm bảo. Ảnh: D.N

Được biết, Cả nước hiện có 10 cơ sở gia công sản xuất lưới sợi quy mô lớn trên phạm vi cả nước. Nhiều tàu khai thác xa bờ đã được đóng mới trang bị lắp máy công suất lớn, trang thiết bị khai thác tiên tiến, hiện đại. Sự thay đổi cơ cấu nghề nghiệp, không những làm tăng sản lượng mà còn giúp ngư dân tiếp cận các sản phẩm có chất lượng, giá bán cao.

Đến hết tháng 2/2022, cả nước có 86 nghiệp đoàn nghề cá cơ sở tại 16/28 tỉnh, thành phố có biển với gần 17,7 nghìn đoàn viên và trên 6,2 nghìn tàu có chiều dài từ 15 mét trở lên; trên 4,2 tổ đội sản xuất trên biển đang hoạt động với sự tham gia của gần 29,6 nghìn tàu cá...

Các mô hình chuỗi liên kết ngành hàng cũng phát triển mạnh. Trong các chuỗi này, doanh nghiệp đặt hàng về quy cách bảo quản sản phẩm đảm bảo chất lượng và truy xuất nguồn gốc, nhận bao tiêu sản phẩm giá cao hơn giá thị trường tại cùng thời điểm.

Dương Lâm

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dat-muc-tieu-tang-gia-tri-cho-nganh-khai-thac-thuy-san-post186817.html