Đặt mục tiêu thông tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận cuối năm nay
Đến thời điểm này, tiến độ thi công của dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận lũy kế đã đạt hơn 30% tổng khối lượng toàn dự án, tăng tốc rất nhanh so với 10 năm trước đó.
Ngày 1/2 (mừng 8 Tết Nguyên đán), tại gói thầu XL13, xã Phú Nhuận, Thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, Công ty cổ phần BOT Trung Lương Mỹ Thuận tổ chức lễ phát động thi đua thi công thông tuyến dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận vào tháng 12/2020.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cbo biết, để động viên tinh thần cán bộ, nhân viên Ban điều hành dự án nếu đưa dự án thông tuyến cuối năm 2020, Ban điều hành dự án sẽ được thưởng 5 tỷ đồng; dự án hoàn thành trong năm 2021, doanh nghiệp dự án sẽ thưởng cho Ban điều hành 10 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Hồ Minh Hoàng cũng yêu cầu: “Mặc dù, thời gian hoàn thành dự án rất gấp nhưng tôi yêu cầu các nhà thầu cần đảm bảo tuyệt đối chất lượng để khi đưa dự án vào sử dụng phải xứng đáng với vốn của nhà đầu tư đã góp, vốn tín dụng của các ngân hàng cho vay và đặc biệt việc sử dụng hiệu quả phần vốn ngân sách nhà nước đã tham gia”.
“Việc “thần tốc” để hoàn thành dự án là sự mong muốn chung của những người quan tâm đến dự án, nhưng nếu xét thấy chưa an toàn, chưa kiểm soát được chất lượng thì chúng ta sẵn sàng chưa đưa vào sử dụng ngay, chỉ thi công mặt đường khi công tác xử lý đất yếu được hoàn thành đảm bảo yêu cầu kỹ thuật”, ông Hồ Minh Hoàng nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Tấn Đông, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, để đạt được mục tiêu thông tuyến nói trên, Công ty đã đề ra mục tiêu cụ thể. Theo đó, hạng mục cắm bấc thấm xử lý đất yếu hoàn thành trong tháng 2/2020, hạng mục cầu hoàn thành kết cấu phần trên trong tháng 10/2020; hạng mục thi công nền đường, cấp phối đá dăm phải hoàn thành vào giữa tháng 12/2020.
Ông Nguyễn Tấn Đông cho hay, để đáp ứng tiến độ chung của toàn dự án thì trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, hàng trăm người, từ Ban điều hành, cán bộ quản lý, kỹ sư, người lao động của dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã ăn Tết xa nhà, bám công trường, thi công xuyên Tết. Dự án tổ chức triển khai thi công 3 ca, kỹ sư, công nhân làm việc liên tục với tinh thần quyết tâm, làm việc để đạt kết quả thực chất, chứ không đơn thuần là khẩu hiệu suông.
“Tất cả vì mục tiêu là đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành tuyến đường quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đến thời điểm này tiến độ thi công lũy kế đã đạt hơn 30% tổng khối lượng toàn dự án, tăng tốc rất nhanh so với 10 năm trước đó”, ông Nguyễn Tấn Đông chia sẻ.
Trước đó do nhiều nguyên nhân, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 bị đình trệ trong 10 năm, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Tây Nam Bộ. Vì thế, ngay từ khi Tập đoàn Đèo Cả được liên danh các nhà đầu tư mời tham gia “giải cứu” dự án từ tháng 4/2019 đã nêu cao tinh thần, trách nhiệm “Dự án chậm một ngày, thêm một ngày mắc nợ nhân dân”.
Đối với công tác quản lý chất lượng, chủ đầu tư đã tăng cường nhân sự, bổ sung, điều chỉnh hệ thống quản lý chất lượng, nghiệm thu, thanh toán nhằm đảm bảo yêu cầu chất lượng phù hợp với tiến độ thi công của dự án và kiểm soát chất lượng của các hạng mục đã thi công trước đây.
Dự án đã tăng cường công tác đảm bảo an ninh, giám sát hình ảnh bằng camera trên toàn tuyến ở 24 gói thầu để kiểm tra, bảo vệ công trường, ghi lại thực trạng để kịp thời chấn chỉnh các sai sót trong suốt quá trình thi công.
Trong tháng 12/2019, dự án được tiếp thêm động lực khi nguồn vốn ngân sách hỗ trợ cho dự án đã được giải ngân hơn 1.776/2.186 tỷ đồng để hoàn trả phần vốn nhà đầu tư đã ứng trước cho công tác giải phóng mặt bằng và Liên danh các ngân hàng tài trợ vốn tín dụng đã ký hợp đồng cho vay 6.686 tỷ đồng, tiến tới hoàn thiện những thủ tục cuối cùng để giải ngân vốn tín dụng ngay trong tháng 2/2020.
Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận Giai đoạn 1 theo hình thức BOT có chiều dài toàn tuyến là 51,1km là một dự án giao thông đường bộ trọng điểm nối tiếp tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển chung của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long./.