Đất Ngọc Lục Yên mở hội đón du khách gần xa
Đã thành thông lệ, hàng năm cứ vào ngày rằm tháng Giêng, tại xã Tân Lĩnh, Lục Yên sẽ khai hội Đền Đại Cại đón khách thập phương và nhân dân trong vùng tới thắp hương cầu phúc, cầu may và tìm hiểu về lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông.
Theo dân gian và sử sách truyền lại, Đền Đại Cại được xây dựng từ hơn 300 năm trước, do nhân dân xã Lâm Hạ, tổng Lâm Trường Hạ, châu Lục Yên, phủ Yên Bình, trấn Tuyên Quang (nay là xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) tạo dựng.
Đền thờ bà Chúa Bầu Vũ Thị Ngọc Anh, khi đó là con nhà dòng dõi tướng lĩnh, tinh thông văn võ, lại am hiểu nghề nông. Bà được tướng quân Vũ Văn Mật tiến cử với nhà vua và được Vua Lê phong chức Phó tướng, phụ trách quân lương, hậu cần. Hàng chục năm với trọng trách được giao, bà đã giữ trọn việc quản trách quân lương ở vùng rừng núi hiểm trở - nơi sinh sống của hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số với trình độ canh tác thấp.
Bà Chúa Bầu Vũ Thị Ngọc Anh đã đem kinh nghiệm canh tác ở miền xuôi, phổ biến cho nhân dân và quân binh trong vùng, khai khẩn đất đai trồng lúa nước, trồng bông dệt vải. Hàng chục cánh đồng ở châu Thu Vật, châu Lục Yên xưa đều có công của bà. Sau khi dẹp xong nhà Mạc, tướng Vũ Văn Mật được vua Lê phong Quốc Công An Tây Vương, còn bà Vũ Thị Ngọc Anh được dân chúng trong vùng tôn thờ là Bà chúa quân lương, hay Bà Anh thần nông.
Sau khi bà mất, nhân dân thờ bà ở Đền Đại Cại - ngôi đền linh thiêng bên dòng sông Chảy. Hàng năm vào dịp rằm tháng Giêng, Đền Đại Cại lại mở hội đón hàng nghìn du khách thập phương và nhân dân trong vùng đến chiêm bái, du ngoạn cảnh quan và thắp hương cầu cho quốc thái dân an, nhân khang vật thịnh mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt và hòa mình trong không gian lễ hội độc đáo và đặc sắc với những trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc.
Ông Hoàng Sơn Trường - Chủ tịch UBND xã Tân Lĩnh cho biết: "Như thông lệ, Lễ hội Đền Đại Cại năm nay, xã Tân Lĩnh sẽ tổ chức dâng hương tại Đền và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thi đấu các môn thể thao và tổ chức các trò chơi dân gian như: ném còn, kéo co, đánh quay, đẩy gậy… tạo không khí vui tươi, phấn khởi thu hút du khách khi đến tham gia lễ hội”.
Cũng dịp này, ngày 23 và 24/2/2024 (tức 14, 15 tháng Giêng), xã Mường Lai sẽ tổ chức Lễ hội Xo May (cầu may). Đây là một trong những lễ hội lớn của xã cũng như của huyện Lục Yên dịp đầu xuân mới.
Phần lễ gồm các nghi lễ cúng đình, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm, hạnh phúc tại đình Nà Ngàm. Phần hội gồm nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao đặc sắc với những dân ca, dân vũ và điệu Dậm Thuông của đồng bào Tày).
Khách đến du xuân được tham quan hội thi giã cốm, thi gói bánh chưng gù, ném còn, hái hoa dân chủ, thi đấu bóng chuyền… và mua các nông đặc sản của bà con bày bán.
Điểm mới năm nay của Lễ hội Xo may năm nay là sẽ tái hiện Lễ đón dâu của người Tày với hình thức sân khấu hóa; màn Dậm Thuông có nhiều diễn viên là người dân tham gia đông nhất từ trước tới nay và điệu múa quạt do người dân thể hiện cùng hoạt động chọi dê và bắt trạch trong chum cũng là trò chơi dân gian được đưa vào để nhân dân và du khách trải nghiệm.
Về miền đất ngọc Lục Yên trong những ngày đầu xuân, du khách không thể bỏ qua điểm đến lý tưởng là bình nguyên xanh Khai Trung. Du khách có thể trải nghiệm vẻ đẹp của hang động với những thạch nhũ lung linh, kỳ vĩ; trải nghiệm leo núi ngắm cảnh sắc núi rừng mùa xuân trên đỉnh đồi 700. Với vẻ đẹp tự nhiên cùng những nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, sự mến khách, sự thân thiện của con người nơi đây, tin rằng dù chỉ một lần đến với Khai Trung chắc chắn sẽ để lại trong lòng du khách những ấn tượng khó quên về một vùng bình nguyên xanh đẹp như huyền thoại.
Kỷ niệm sâu sắc khi đến miền đất Ngọc là sự hòa mình vào phiên chợ đá quý "độc nhất vô nhị” để chụp ảnh, để lựa chọn những sản phẩm làm từ đá quý. Đây cũng là một trong hai "thủ phủ" kinh doanh đá quý lớn nhất Việt Nam với các sản phẩm nguyên gốc, chưa qua chế tác và cả những sản phẩm được mài giũa công phu từ đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân. Những sản phẩm từ chất liệu đá quý đa dạng, chất lượng tuyệt vời như: Ruby, Bích ngọc, Hồng ngọc, Sapphire, Spinel, Tourmaline… s mê hoặc, níu kéo du khách trải nghiệm nơi này.
Bà Nông Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Yên cho biết: "Cùng với Lễ hội đền Đại Cại tổ chức vào ngày 15 và 16 tháng Giêng hàng năm, đến với vùng đất Ngọc đầu xuân, du khách còn được hòa mình vào gần chục lễ hội lớn nhỏ. Đây cũng là dịp để huyện Lục Yên tiếp tục quảng bá, giới thiệu, lan tỏa hình ảnh, vẻ đẹp về vùng đất quê hương đất Ngọc giàu bản sắc truyền thống tới du khách, thúc đẩy phát triển du lịch của đại phương. Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho tổ chức các hoạt động lễ hội đã được các địa phương chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng đón du khách gần xa”.
Những ngày đầu xuân, cùng hòa mình trong những lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào, cùng thưởng thức những đặc sản ẩm thực nổi tiếng như cá bỗng, vịt bầu, gà trống thiến..., cùng đắm say trong men rượu nồng và trải nghiệm các hoạt động vui chơi cùng những con người thân thiện, mến khách sẽ là những ấn tượng khó quên đối với mỗi du khách khi đến với đất Ngọc Lục Yên.
Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/226/318713/dat-ngoc-luc-yen-mo-hoi-don-du-khach-gan-xa-.aspx