Đất nước chuyển mình bước vào kỷ nguyên mới
Với những đột phá mạnh mẽ về thể chế, tổ chức bộ máy, tư duy nghĩ sâu làm lớn, nhìn xa trông rộng, đặc biệt là khát vọng vươn lên mạnh mẽ của hơn trăm triệu dân, đất nước đang tràn đầy tinh thần tự tin, tự lực, tự cường để tăng tốc, bứt phá trong năm 2025, hướng tới kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Sự phục hồi mạnh mẽ
Năm 2024, dù khó khăn nhiều hơn thuận lợi, nhưng “chuyến tàu kinh tế” Việt Nam vẫn về đích đầy ấn tượng, khẳng định sự phục hồi mạnh mẽ, tháng sau tăng trưởng tích cực hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm ước đạt 7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%). Việt Nam được xếp vào nhóm ít các nước tăng trưởng cao, tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của nền kinh tế thế giới.
Với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “vượt nắng, thắng mưa”, trong năm 2024, nhiều dự án đặc biệt quan trọng của đất nước, có ý nghĩa về mặt chiến lược cho sự phát triển đã được thi công “thần tốc”, “băng băng” về đích.
Điển hình là dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên). Đây là dự án trọng điểm, cấp bách, có ý nghĩa rất quan trọng để nâng cao sự ổn định vận hành hệ thống điện tăng cường cung cấp điện cho miền Bắc năm 2024 và các năm tiếp theo góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Dù gặp nhiều khó khăn thách thức, nhưng với sự quyết tâm của toàn bộ hệ thống, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, biến những điều không thể thành có thể, dự án đã hoàn thành sau hơn 6 tháng thi công thay vì 3-4 năm.
Chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo rà soát và tổ chức thực hiện việc xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật ngày 29/12/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu dứt khoát bỏ tư duy “không quản được thì cấm, không biết mà vẫn quản”, quán triệt tư duy “ai quản lý tốt nhất thì giao”, “người dân và doanh nghiệp được làm những gì luật không cấm”. Thủ tướng đồng thời cũng yêu cầu “cái gì cấm thì đưa vào luật, cái gì không cấm thì tạo không gian cho sáng tạo”, “cái gì doanh nghiệp và người dân làm được, làm tốt hơn thì Nhà nước dứt khoát không làm”.
Cùng với đó, mục tiêu có 3.000 km đường bộ cao tốc vào cuối năm 2025 cũng đang dần trở thành hiện thực.
Theo Bộ GTVT, trong năm 2024, Bộ đã khởi công 8 dự án, hoàn thành đưa vào khai thác 7 dự án, nâng tổng số km đường cao tốc cả nước đến nay lên 2.021 km.
Ngoài ra, rất nhiều dự án quan trọng đã được tái khởi động, đặt nền móng cho sự phát triển trong năm 2025 và những năm tiếp theo, như dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận…
Đặc biệt, vào đầu tháng 12/2024, Việt Nam và Tập đoàn NVIDIA ký thỏa thuận hợp tác thành lập Trung tâm Nghiên cứu phát triển về trí tuệ nhân tạo của NVIDIA và Trung tâm Dữ liệu AI. Đây là một sự kiện hết sức quan trọng, mang tính bước ngoặt lịch sử.
Thỏa thuận trên là dấu mốc quan trọng để Việt Nam trở thành Trung tâm nghiên cứu và phát triển AI hàng đầu châu Á, tạo ra những đột phá cho các ngành công nghệ then chốt.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thỏa thuận này giúp Việt Nam đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số, bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm, nhằm hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam thịnh vượng và hùng cường.
Nền móng cho chu kỳ tăng trưởng hai con số
Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, tạo nền tảng, tiền đề cho việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026-2030.
y nên, trong công điện gửi các bộ, ngành, chính quyền địa phương mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 12 nhóm giải pháp chủ yếu để phấn đấu tăng trưởng kinh tế hai con số năm 2025. Đây không chỉ là thách thức mà còn là khát vọng vươn lên mạnh mẽ của đất nước trong kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Để thực hiện được mục tiêu này, Thủ tướng yêu cầu tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư xã hội, thúc đẩy hợp tác công tư; kịp thời rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án, nhất là các dự án, công trình quan trọng quốc gia.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông chiến lược, sân bay, cảng biển, đường cao tốc, dự án liên vùng, liên tỉnh, phấn đấu vượt mục tiêu có 3.000 km đường cao tốc vào cuối năm 2025 và 5.000 km đường cao tốc vào cuối năm 2030.
Các bộ, cơ quan, địa phương phát huy sức mạnh đoàn kết, tinh thần đổi mới, không ngừng nỗ lực sáng tạo, dám nghĩ dám làm, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên, chung sức, đồng lòng, biến mọi khó khăn, thách thức thành cơ hội bứt phá, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra.
Theo các chuyên gia, mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số trong năm 2025 đặt ra là “rất cao”, tuy nhiên vẫn có thể đạt được nếu thực hiện hiệu quả các các quyết sách có ý nghĩa nền móng cho sự tăng tốc, bứt phá như: cách mạng trong tinh gọn tổ chức bộ máy; chống lãng phí; cải cách thể chế, xóa bỏ cơ chế xin - cho và tư duy “không quản được thì cấm”.
Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cho rằng, nếu thực hiện tốt việc cải cách thể chế thì tăng trưởng hoàn toàn có thể đạt được hai con số, chu kỳ tăng trưởng có thể kéo dài đến 10 năm. Điều quan trọng, theo ông Cung phải thực hiện phân cấp, phân quyền triệt để theo hướng để địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.
Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng đánh giá thông điệp phân cấp, phân quyền được Trung ương nêu ra chính là trao quyền để địa phương chủ động sáng tạo. “Trao quyền gắn với trách nhiệm thì người ta sẽ hành động theo đúng luật và tạo ra sự bứt phá trong phát triển”, PGS.TS Trần Đình Thiên nói.
Nhìn lại những thành tựu vĩ đại của đất nước đạt được sau 40 năm đổi mới kinh tế, ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chỉ ra rằng, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, bằng sự khơi dậy ý chí tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, bằng việc huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, Đảng đã đưa dân tộc ta giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, tạo nên những kỳ tích. Theo ông Dũng, hiện nay, Việt Nam đã tích lũy đủ thế và lực cho sự phát triển bứt phá, tăng tốc, cất cánh, vươn lên trong giai đoạn cách mạng tiếp theo.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dat-nuoc-chuyen-minh-buoc-vao-ky-nguyen-moi-post1705713.tpo