Đất nước hạnh phúc
Không phải cứ thu nhập cao, tốc độ tăng trưởng nhanh là sung sướng, hạnh phúc, mà quan trọng nhất phải là có cuộc sống bình yên.
Trong bản báo cáo Hạnh phúc Thế giới, Việt Nam hiện đang đứng thứ 94 trong bảng xếp hạng về chỉ số Hạnh phúc, một thứ hạng cao khi đối sánh với quốc gia khác về mức thu nhập bình quân đầu người.
Người dân tương đối hài lòng và lạc quan với những gì họ đang có, như công ăn việc làm, đời sống gia đình, quan hệ xã hội, phúc lợi - bảo hiểm, sự hỗ trợ từ Nhà nước trong những giai đoạn khó khăn và những tiện nghi từ cuộc sống hiện tại.
Trong bối cảnh thế giới ngày càng bất định, năm 2020 đi qua cùng với bóng đen của đại dịch COVID-19, cả hành tinh bận rộn đối phó với đại dịch, các quốc gia hiện vẫn phải tiếp tục công bố các quy định giãn cách mới.
Lúc này, chúng ta càng thấy rõ: không phải cứ thu nhập cao, tốc độ tăng trưởng nhanh là sung sướng, hạnh phúc, mà quan trọng nhất phải là có cuộc sống bình yên. Có lẽ vì vậy mà “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” được đưa vào Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong đó đặc biệt nhấn mạnh yếu tố “hạnh phúc” của Nhân dân, thể hiện tính nhân bản, nhân văn đậm đà của Đảng trong tầm nhìn phát triển đất nước.
Xây dựng đất nước hạnh phúc
Một đất nước hạnh phúc được đánh giá trên những tiêu chí nào? Chúng ta cần xây dựng quốc gia hạnh phúc ra sao? Mỗi người dân cần làm gì để góp phần xây dựng một đất nước hạnh phúc?
Trong báo cáo đánh giá mức độ hạnh phúc thế giới, những chỉ báo chính để đánh giá hạnh phúc thường bao gồm GDP bình quân đầu người, hỗ trợ xã hội, sự hào phóng, kỳ vọng sống lành mạnh, quyền tự do lựa chọn cuộc sống và cảm nhận về tham nhũng.
Mặc dù GDP bình quân đầu người cao sẽ tỉ lệ thuận với sự phát triển, dẫn đến cảm nhận hạnh phúc cao hơn, nhưng nó cũng chỉ là một chỉ báo. Như đã nêu, nếu một nước có GDP cao nhưng việc chăm sóc sức khỏe người dân tồi tệ, niềm tin của người dân vào Chính phủ suy giảm sẽ không phải là một quốc gia hạnh phúc.
Mức độ hỗ trợ xã hội ảnh hưởng lớn đến cảm nhận hạnh phúc, nhất là khi bạn gặp khó khăn, rắc rối có người thân, bạn bè, các tổ chức xã hội dang tay giúp đỡ.
Sự hào phóng cũng khiến chúng ta hạnh phúc hơn. Nhiều bằng chứng nghiên cứu cho thấy hạnh phúc đến qua những gì ta đóng góp cho người khác nhiều hơn là những gì ta nhận cho chính mình. Đây là một bài học quý giá trong việc xây dựng quốc gia hạnh phúc, khi nhiều người tập trung vào việc biết ơn và chia sẻ hạnh phúc của riêng mình đến với những người khác.
Kỳ vọng sống khỏe mạnh là ước tính số năm trung bình cá nhân sống khỏe mạnh từ khi sinh ra đến khi mất đi, được Liên Hiệp Quốc tính toán từ hơn 100 chỉ báo sức khỏe khác nhau. Như vậy, chỉ số hạnh phúc quốc gia có liên hệ rất chặt chẽ với sự khỏe mạnh của từng người dân trong đất nước đó.
Quyền tự do lựa chọn cuộc sống cũng có liên quan đến cảm nhận hạnh phúc, thể hiện ở việc cá nhân có hài lòng khi được tự do lựa chọn những việc có thể làm, định hướng học tập và nghề nghiệp tương lai hay không.
Nhận thức về tham nhũng liên quan đến cảm nhận về sự công bằng trong xã hội cũng có liên quan ở mức độ thấp với cảm nhận hạnh phúc.
Trong các yếu tố trên, nếu xếp hạng về GDP bình quân đầu người, Việt Nam có thể chưa cao, nhưng ở khía cạnh quyền tự do lựa chọn cuộc sống, kỳ vọng sống lành mạnh hay mức độ hỗ trợ xã hội (thể hiện qua sự chung tay hỗ trợ trong đại dịch và giai đoạn bão chồng bão, lũ chồng lũ thời gian qua) đều ở mức cao trong bảng tổng sắp.
Bài học từ những quốc gia hạnh phúc
Để xây dựng đất nước hạnh phúc, Việt Nam có thể học hỏi từ những quốc gia hạnh phúc trên thế giới. Một trong top 10 quốc gia hạnh phúc trên thế giới là Đan Mạch.
Đan Mạch, một đất nước có thời tiết luôn u ám, mưa trung bình 170 ngày trong năm, người dân phải đóng thuế cao nhất trong khối các nước Bắc Âu, nhưng vì sao lại là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới?
Quan niệm xây dựng quốc gia hạnh phúc của Đan Mạch ẩn dụ trong hình ảnh xây dựng một ngôi nhà, với đóng thuế (là nền móng vững chắc của ngôi nhà); việc chuyển đổi của cải thành phúc lợi xã hội (giống như tầng trệt với các thiết bị nội thất cơ bản vận hành gia đình); cân bằng giữa công việc và cuộc sống (được ví như những bức tường của ngôi nhà chắn mưa gió), lòng tin (là tầng hai của ngôi nhà); và Hygge, tạm dịch là sự ấm áp (tượng trưng cho một góc nhỏ trên tầng thượng là nơi thư giãn, kết nối cảm xúc giữa các thành viên).
Mặc dù phải đóng thuế cao nhưng người dân Đan Mạch vui vẻ và cảm thấy hạnh phúc không phải vì đóng thuế nhiều, mà vì thông qua đóng thuế, họ được phép tận hưởng cuộc sống chất lượng cao, luôn cảm thấy được hỗ trợ.
Việc chăm sóc sức khỏe ở Đan Mạch là miễn phí. Người cao tuổi được chăm sóc miễn phí. Giáo dục đại học miễn phí. Trẻ có nhu cầu đặc biệt cũng được miễn phí.
Họ được hỗ trợ rất nhiều trong dịch vụ giữ trẻ hàng ngày, được hỗ trợ kinh tế khi thất nghiệp. Bằng việc đóng thuế, người dân đầu tư vào chất lượng cuộc sống nói chung, giảm thiểu sự rủi ro, không chắc chắn và ngăn ngừa những bất hạnh chung của cộng đồng hơn là sự giàu có của từng cá nhân.
Dẫu Đan Mạch không phải là quốc gia giàu nhất thế giới, nhưng họ lại thành công khi chuyển đổi của cải tích lũy của quốc gia trở thành phúc lợi xã hội, đầu tư vào cơ sở hạ tầng chung của đất nước.
Điều này cho phép người Đan Mạch phát triển cân bằng về mặt xã hội, thể chất và tinh thần. Một đất nước hạnh phúc không phải là tích lũy được bao nhiêu của cải mà quan trọng là chúng ta làm gì với khối tài sản đó.
Chính phủ Đan Mạch cho rằng, sự cân bằng là công thức của hạnh phúc, nên đã có nhiều chính sách giúp người dân cân đối giữa công việc và cuộc sống gia đình. Người dân được hưởng những đợt nghỉ ngắn, những kỳ nghỉ có lương, hỗ trợ việc chăm sóc trẻ em, có chế độ hỗ trợ thai sản, nghỉ sinh con…
Tất cả những chính sách này cho phép mọi người dân có nhiều cơ hội kết nối và tạo ra sự ấm áp thân tình.
Lòng tin của người dân Đan Mạch luôn ở mức cao. Nghiên cứu cho thấy, những ai tin tưởng vào hàng xóm, vào Chính phủ, vào các dịch vụ công thì thường hạnh phúc hơn.
Và, ở Đan Mạch, không có gì lạ khi thấy các bậc cha mẹ hoàn toàn yên tâm để con họ tham gia những bữa ăn với bạn bè ngoài gia đình, cảm thấy an toàn khi để con chơi ở nơi công cộng một thời gian ngắn khi họ bận làm nốt mấy việc vặt.
Một quốc gia hạnh phúc là một quốc gia thỏa mãn những nhu cầu cơ bản cùa người dân, chú trọng đến các chương trình vệ sinh, nước sạch, chế độ dinh dưỡng và tiêm chủng cho trẻ nhỏ.
PGS.TS Trần Thành Nam
Cuối cùng, Hygge (sự ấm áp, kết nối) là cảm giác an toàn, thoải mái, không phòng vệ như khi ở bên những người thân yêu. Nó không yêu cầu bất cứ một thứ vật chất nào mà là một cảm nghiệm, một bầu không khí. Nó là việc tận dụng tối đa từng khoảnh khắc mỗi ngày để tận hưởng những niềm vui trong cuộc sống.
Sẽ không ngạc nhiên khi hầu hết các câu trả lời hạnh phúc là gì sẽ gắn với thiên nhiên, gia đình, ví như hạnh phúc là được đi bộ dường dài vào mùa hè, được đi bơi vào mùa đông, được thưởng thức bánh sandwich cá trích với người bạn thân…
Thực tế, một nghiên cứu kéo dài 72 năm về hạnh phúc đã kết luận rằng, mối quan hệ ấm áp và bền chặt với đồng loại mang lại cảm giác hạnh phúc lớn lao và những lợi ích đáng kinh ngạc cho sức khỏe tinh thần và thể chất của chúng ta.
Có thể nói, một quốc gia hạnh phúc là một quốc gia thỏa mãn những nhu cầu cơ bản cùa người dân, chú trọng đến các chương trình vệ sinh, nước sạch, chế độ dinh dưỡng và tiêm chủng cho trẻ nhỏ.
Một đất nước đảm bảo các dịch vụ cơ bản chăm sóc sức khỏe cho người dân, giúp tăng tuổi thọ chung, cung cấp một không gian mà bất kể ai khi sinh sống tại nơi đó đều ý thức rõ về mục đích cuộc sống, tìm được ý nghĩa giá trị trong công việc đang làm, có được những mối quan hệ thân tình, có sức khỏe thể chất và tinh thần tốt.
Một quốc gia hạnh phúc sẽ không để tồn tại nhiều hoàn cảnh đói nghèo, thất học, thất nghiệp, chịu bạo lực, bị lây lan bệnh truyền nhiễm hay ly tán do xung đột, chiến tranh.
Cho đến khi những điều kiện trên được đáp ứng, việc tăng thêm tài sản của quốc gia, tăng GDP bình quân đầu người sẽ không có đóng góp nhiều vào hạnh phúc.
Và Việt Nam chúng ta cũng đang quyết tâm xây dựng một quốc gia hạnh phúc như thế.
PGS.TS Trần Thành Nam là một trong những vị giám khảo quyền lực của Siêu trí tuệ Việt Nam.
Ông tốt nghiệp Thạc sỹ (2010) và Tiến sỹ (2013) chuyên ngành tâm lý tại Đại học Vanderbilt, Hoa Kỳ. Ông hiện là Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội.
PGS.TS Trần Thành Nam cũng là thành viên của Hiệp hội Tâm lý và Giáo dục Việt Nam (VAPE), có nhiều công trình và bài viết nghiên cứu về lĩnh vực tâm lý được công bố tại Việt Nam và quốc tế.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/dat-nuoc-hanh-phuc-ar594510.html