Đất nước trọn niềm vui (Bài 2): Hòa chung niềm vui lớn
Cách đây 50 năm, ngày 30/4/1975, khi lá cờ cách mạng tung bay đầy kiêu hãnh trên nóc Dinh Độc Lập, cả nước vỡ òa trong niềm vui thống nhất...

Được cống hiến tuổi xuân cho Tổ quốc là niềm tự hào của cựu binh Bùi Khắc Viên.
“Chiến thắng, con sẽ về”
Tôi may mắn gặp được cựu chiến binh Lê Ngọc Đằng, đúng dịp kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước. Ngôi nhà của ông nằm yên bình trong ngõ Trương Định, phường Ba Đình (TP Thanh Hóa).
Ở tuổi 75, ông Đằng có thể đã quên nhiều thứ nhưng riêng những ký ức về một thời bom đạn, nhất là khoảnh khắc ngày 30/4 khi cùng đồng đội vào giải phóng miền Nam vẫn còn nguyên vẹn. Trong cuộc trò chuyện, ông kể chi tiết từng mệnh lệnh chỉ huy, từng thời khắc quân giải phóng tiến quân, tên đồng đội ngã xuống. Để rồi khi bài hát “Nối vòng tay lớn” vang lên trên sóng phát thanh Sài Gòn, ông vỡ òa trong niềm vui, cùng reo vang “thắng rồi, thắng rồi các đồng chí ơi!". Tiếng reo vang bật trào mang theo bao cảm xúc, là khát vọng cháy bỏng bấy lâu về ngày chiến thắng, là niềm hạnh phúc vô bờ bến đối với người đang sống và là lời báo tin vui với đồng đội đã không thể có mặt trong ngày trọng đại này. “Dù đã chiến đấu liên tục nhiều ngày trong điều kiện kham khổ, nhưng không ai trong chúng tôi cảm thấy mệt hay đói. Mắt ai cũng sáng, giọng ai cũng lạc đi vì hò reo. Niềm vui lúc đó không ngôn từ nào tả hết được”, ông Đằng xúc động, nói.
Và trong giờ phút ấy, ông Đằng cũng góp một phần làm nên lịch sử khi là tác giả ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ của 2 chiến sĩ thuộc trung đoàn đã tiến vào cắm cờ giải phóng trên cổng Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn. Hiện, bức hình đang được lưu giữ tại phòng truyền thống Trung đoàn 28, Sư đoàn 10 và Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Kể lại lịch sử ra đời bức hình, ông Đằng cho biết: “Trên đường tiến vào Sài Gòn, qua Nha Trang, tôi có vào một cửa tiệm để sửa máy ảnh. Nhìn thấy quân giải phóng, chủ tiệm đã kỷ niệm chúng tôi một máy ảnh chụp lấy ngay kèm theo những lời cảm kích, chờ tin chiến thắng. Nhờ có chiếc máy ảnh này mà tôi đã ghi nhanh lại khoảnh khắc lịch sử của đồng đội mình”. Ngoài bức hình chiến sĩ cắm cờ giải phóng trên cổng Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn, ông Đằng còn nhiều bức hình có giá trị, ghi lại đời sống sinh hoạt, cảnh hành quân, những giờ phút vui vẻ của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn...
Sau chiến thắng, Trung đoàn được tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân”, ông Đằng và đồng đội được tặng thưởng “Huân chương Chiến công” hạng Ba. Những ngày sau đó, ông Đằng nhận nhiệm vụ “ghi sử”, đi thăm lại chiến trường xưa nhằm bổ sung đầy đủ chi tiết cho cuộc hành quân lịch sử thần tốc trong cuộc tổng tiến công mùa Xuân năm 1975. Đến nay, những bản chép tay, cây bút viết,... vẫn được ông Đằng giữ gìn như “báu vật”. Sau khi làm xong nhiệm vụ đơn vị giao phó, đến cuối năm 1975, lần đầu tiên sau gần 10 năm xa nhà, chàng thanh niên Lê Ngọc Đằng mới được về thăm gia đình, giữ đúng lời hứa “chiến thắng con sẽ về”.
Hiểu hơn giá trị của độc lập, tự do
Nhớ đến ngày chiến thắng 30/4/1975, cựu chiến binh Bùi Khắc Viên, lính đặc công đơn vị D13, F305 rưng rưng, xúc động. Ông nhớ lại: “Khi đó, tôi đang làm việc tại Viện Quy hoạch, Khảo sát, Thiết kế Xây dựng Thanh Hóa. Nghe tin, anh em dừng hết tất cả mọi việc, ôm nhau mà hò reo. Rồi chúng tôi cùng nhau kéo xuống đường, hòa chung vào niềm vui lớn với Nhân dân đang từ các ngả đường ùa về...”. Giây phút đó với ông Viên, người lính từng tham gia vô số trận đánh ác liệt, nhiều lần đứng trước lằn ranh sinh tử đã giúp ông hiểu hơn giá trị của độc lập, tự do.

Với cựu binh Lê Ngọc Đằng, mãi còn vẹn nguyên ký ức về ngày 30/4/1975.
Ông Viên từng có 4 năm chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, 3 năm chiến đấu tại Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng (Lào). Năm 1971, trong một trận chiến ác liệt với kẻ thù trên Cánh đồng Chum, ông bị thương nặng, được phục viên về công tác tại Viện Quy hoạch, Khảo sát, Thiết kế Xây dựng Thanh Hóa.
Từng sống trong cảnh “mưa bom, bão đạn”, chứng kiến cảnh mất mát, đau thương, cụ Lê Thị Khoát, nguyên trạm trưởng Trạm Y tế xã Quảng Trung (Quảng Xương) kể lại giây phút bồi hồi chờ ngày đại thắng 30/4/1975: “Từ cuối tháng 3, tin chiến thắng của quân giải phóng được cập nhập liên tục trên Đài Tiếng nói Việt Nam, chúng tôi không bỏ sót bất kỳ tin nào. Ai nấy đều hồi hộp, dõi theo từng giờ, từng ngày. Để rồi, đúng 11 giờ 30 phút trưa 30/4/1975, bản tin chiến thắng vang lên, chúng tôi vỡ òa niềm vui sướng. Tất cả người dân nô nức xuống đường tuần hành chiến thắng”.
Cụ Khoát cũng chính là người đã trực tiếp băng bó vết thương cho người thiếu niên anh hùng Nguyễn Bá Ngọc. Mảnh đất Quảng Trung thời gian đó được xem là “túi bom”, “tọa độ lửa” trong cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc. Trong hai năm 1966-1967, đế quốc Mỹ đã sử dụng máy bay, tàu chiến liên tục bắn phá, ném bom vào bến phà Ghép. Mức độ đánh phá ngày càng ác liệt, có ngày chúng đánh 18 - 20 trận. Thời gian cao điểm như tháng 8/1965, tháng 6/1967, tháng 3/1968, máy bay Mỹ đánh phá liên tục không kể ngày đêm. Từ ngày 4/4/1965 đến ngày 3/11/1968, máy bay Mỹ bắn phá 867 trận (có 391 trận đánh ban đêm), trong đó có 321 trận đánh phá trực tiếp vào Quảng Trung, trút xuống 3.296 quả bom các loại, 265 quả thủy lôi, 383 quả tên lửa... Nhưng người dân nơi đây vẫn kiên cường “tay cày, tay súng”, là hậu phương vững chắc cho chiến trường miền Nam.
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Thanh Hóa giữ vị trí chiến lược của hậu phương lớn miền Bắc và là cửa ngõ yết hầu vào chiến trường. Vì vậy, trong hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, giặc Mỹ đã sử dụng 78.455 lượt chiếc máy bay và 6.229 lượt chiếc tàu chiến, đánh phá địa bàn Thanh Hóa 14.056 trận bằng không quân, 243 trận pháo kích từ các tàu chiến thuộc Hạm đội 7, thả 20 vạn tấn bom... Trong cuộc đọ sức quyết liệt đó, quân và dân Thanh Hóa đã chiến đấu 10.158 trận lớn nhỏ, bắn rơi 376 máy bay (trong đó có 3 B52), bắt sống 36 giặc lái, cùng Nhân dân cả nước giáng những đòn mạnh mẽ, thể hiện ý chí quyết tâm “không có gì quý hơn độc lập, tự do”.