Đạt Phương (DPG): Cổ phiếu tăng 'nóng' giữa kế hoạch chia thưởng lớn, bức tranh bất động sản vẫn đầy thách thức

CTCP Tập đoàn Đạt Phương (DPG) vừa công bố kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền và phát hành lượng lớn cổ phiếu thưởng cho cổ đông. Thông tin này được đưa ra sau khi cổ phiếu DPG ghi nhận đà tăng giá ấn tượng. Tuy nhiên, đằng sau những con số 'đẹp' về cổ tức và giá cổ phiếu, mảng kinh doanh bất động sản cốt lõi của Đạt Phương vẫn đối mặt với nhiều vướng mắc, đặt ra câu hỏi về triển vọng tăng trưởng bền vững.

CTCP Tập đoàn Đạt Phương (mã chứng khoán DPG – sàn HOSE) lại thu hút sự chú ý của thị trường khi thông báo kế hoạch chốt danh sách cổ đông vào ngày 12/6 tới đây để thực hiện chi trả cổ tức năm 2024 bằng tiền mặt và phát hành cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Theo đó, Đạt Phương dự kiến chi trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 10%, tương ứng mỗi cổ phiếu cổ đông sở hữu sẽ nhận 1.000 đồng. Với gần 63 triệu cổ phiếu đang lưu hành, công ty sẽ phải chi ra khoảng 63 tỷ đồng cho đợt cổ tức này. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 11/6, và thời gian thanh toán dự kiến vào ngày 4/7/2025.

Không dừng lại ở đó, Đạt Phương còn lên kế hoạch phát hành thêm xấp xỉ 37,8 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, theo tỷ lệ 100:60 (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 60 cổ phiếu mới). Nguồn vốn cho đợt phát hành này được thuyết minh là trích từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024. Nếu hoàn tất, vốn điều lệ của Đạt Phương sẽ tăng vọt từ 630 tỷ đồng lên hơn 1.007 tỷ đồng, một sự pha loãng đáng kể. Đáng chú ý, Đạt Phương từng có lịch sử thưởng cổ phiếu với tỷ lệ rất cao vào các năm 2017 (153%), 2018 (50%) và 2019 (40%), trước khi tạm ngưng trong giai đoạn khó khăn 2020-2023.

Quyết định chia cổ tức và thưởng cổ phiếu được đưa ra trong bối cảnh giá cổ phiếu DPG đã có một chuỗi tăng giá được cho là "nóng" trong nửa cuối tháng 5. Chỉ trong 10 phiên, mã này đã tăng tới 34%, đóng cửa phiên 27/5 tại mức 67.900 đồng/CP – mức giá cao nhất trong hơn 3 năm qua.

Kỳ vọng lớn, bất động sản vẫn "đứng hình"

Năm 2024, Đạt Phương ghi nhận doanh thu thuần 3.577 tỷ đồng, tăng gần 4% và lợi nhuận sau thuế 304 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2023. Tính đến cuối năm 2024, công ty còn 1.271 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế lũy kế chưa phân phối.

Bước sang năm 2025, ban lãnh đạo Đạt Phương đặt ra mục tiêu tham vọng với doanh thu thuần hợp nhất 4.755,5 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất 416,9 tỷ đồng, tăng lần lượt 32,9% và 21,5% so với kết quả năm 2024. Tuy nhiên, kết thúc quý I/2025, công ty mới chỉ ghi nhận doanh thu xấp xỉ 528 tỷ đồng, dù tăng 24% so với cùng kỳ nhưng mới hoàn thành vỏn vẹn 11,1% kế hoạch cả năm. Lợi nhuận trước thuế đạt 105,2 tỷ đồng, tăng 27,67% và hoàn thành 25,2% kế hoạch năm, con số có vẻ khả quan hơn doanh thu nhưng vẫn còn một chặng đường dài phía trước.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2025 cho thấy, sự tăng trưởng của Đạt Phương chủ yếu vẫn dựa vào hai mảng truyền thống là xây dựng và bán điện. Bên cạnh đó, mảng bất động sản – vốn được kỳ vọng là động lực tăng trưởng chính – tiếp tục không ghi nhận doanh thu, nối dài tình trạng "im lìm" từ năm 2024.

Tại thời điểm 31/3/2025, tổng tài sản của Đạt Phương đạt 6.301 tỷ đồng, không có nhiều biến động. Tuy nhiên, giá trị hàng tồn kho ở mức cao 1.355 tỷ đồng, trong đó chi phí sản xuất kinh doanh dở dang bất động sản chiếm tới 945 tỷ đồng, phản ánh quy mô lớn các dự án chưa đủ điều kiện bàn giao và tiềm ẩn rủi ro về dòng tiền. Gánh nặng nợ phải trả cuối quý I cũng không nhỏ, ở mức hơn 3.602 tỷ đồng, với nợ vay chiếm 2.364 tỷ đồng. Đáng lo ngại hơn, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh trong kỳ tiếp tục âm 135 tỷ đồng, dù có cải thiện so với mức âm 498 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Tương lai phụ thuộc vào các dự án "treo"?

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên gần đây, lãnh đạo Đạt Phương thừa nhận dự án Cồn Tiến (Quảng Nam), dù đã hoàn thiện hạ tầng và xây dựng hàng chục căn nhà, vẫn chưa thể mở bán do vướng mắc thủ tục định giá đất. Công ty "kỳ vọng" sẽ hoàn tất thủ tục này và đủ điều kiện bán hàng tại Cồn Tiến trong quý II/2025. Tuy nhiên, ngay cả khi thuận lợi, doanh thu từ dự án trọng điểm này được dự kiến chỉ có thể ghi nhận tập trung vào giai đoạn 2026 - 2027, sau khi bàn giao sản phẩm. Dù vậy, công ty con Đạt Phương Hội An (phụ trách mảng bất động sản) vẫn đặt mục tiêu khá thách thức là doanh thu 619 tỷ đồng và lãi sau thuế khoảng 53 tỷ đồng trong năm 2025.

Bên cạnh đó, Đạt Phương đang xúc tiến triển khai lại dự án Khu nghỉ dưỡng Bình Dương tại huyện Thăng Bình, Quảng Nam, với kỳ vọng sẽ được bàn giao lại cho công ty trong tháng 5-6/2025 mà không cần đấu thầu lại. Kế hoạch xa hơn của tập đoàn còn bao gồm dự án nhà máy kính hoa siêu trắng dự kiến hoàn thành vào năm 2026.

Với lượng tồn kho bất động sản lớn đang "đắp chiếu" và kế hoạch ghi nhận doanh thu từ mảng này vẫn còn ở tương lai khá xa, hiệu quả kinh doanh của Đạt Phương trong ngắn hạn xem ra vẫn phải tiếp tục phụ thuộc vào các mảng năng lượng và xây dựng, vốn có biên lợi nhuận không quá đột biến.

Khánh Ly

Nguồn Doanh nhân & Pháp luật: https://doanhnhan.vn/dat-phuong-dpg-co-phieu-tang-nong-giua-ke-hoach-chia-thuong-lon-buc-tranh-bat-dong-san-van-day-thach-thuc-83292.html