Đặt quyền lợi của Đảng, của giai cấp và của nhân dân lên trên hết
Đó là lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm và chỉ đạo Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Bắc lần thứ I. Sáu thập niên đã trôi qua nhưng trong tâm tưởng, trong suy nghĩ, việc làm, mỗi cán bộ, đảng viên, người dân Kinh Bắc hôm nay vẫn hằng ghi nhớ.
Không chỉ những lão thành cách mạng - những người chứng kiến cuộc gặp gỡ vị lãnh tụ vĩ đại - mà cho đến hôm nay, các thế hệ con cháu vẫn luôn khắc ghi hình ảnh và những lời nói sâu sắc, ân tình của Bác. Quả thật, sức sống bền lâu của một bài nói không chỉ ở tư tưởng lớn, mà còn ở tầm vóc, ở tấm gương sống của người nói. Đúng như Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng viết: “Chủ tịch Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, sáng chói mà không gây choáng ngợp, gặp lần đầu mà như thân thuộc từ lâu”.
Bác về với Đảng bộ, phát biểu trước Đại hội mà giống như lời nhắn gửi tâm huyết tới toàn dân trong tỉnh. Khi ấy, Bắc Giang vừa cùng với Bắc Ninh về chung một nhà, cho nên Bác dặn dò: Hà Bắc người đông, đất rộng, có điều kiện để trở thành một tỉnh giàu mạnh. Nhưng muốn giàu mạnh thì “tất cả cán bộ và đảng viên phải đặt quyền lợi của Đảng, của giai cấp và của nhân dân lên trên hết, cao hơn hết”.
Từ khi nước nhà giành độc lập, nước Việt Nam mới ra đời cho đến những năm 60 của thế kỷ XX, trên cương vị nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho Bắc Giang tình cảm đặc biệt. Người đã 5 lần về thăm tỉnh nhà. Trong những lần về thăm, qua các cuộc tiếp xúc, các bài nói chuyện, các lá thư, bài báo, bao giờ Bác cũng dành tình cảm yêu thương, thể hiện sự yêu dân, trọng dân và vì dân.
Có nhà nghiên cứu cho rằng, cả cuộc đời hoạt động của Bác gói gọn trong hai chữ Vì Dân. Tại Hội nghị tổng kết cải cách ruộng đất đợt II của Đoàn Thái Nguyên - Bắc Giang, ngày 8/2/1955, tổ chức ở xã Trung Nghĩa (nay thuộc thôn Cẩm Xuyên, xã Xuân Cẩm), huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, khi nói chuyện với cán bộ, Bác bất ngờ đặt câu hỏi: “Nếu cán bộ không phục vụ nhân dân thì phục vụ ai ?”. Rồi Bác giải thích luôn: “Muốn phục vụ nhân dân thì phải đi đến nhân dân mà phục vụ; tuyệt đại đa số nhân dân là nông dân lao động. Vì vậy muốn phục vụ nhân dân thì phải về nông thôn”.
Vẫn là câu chuyện Vì Dân. Trong cái nắng đổ lửa mùa hè năm 1946, Bác Hồ về với Bắc Giang. Chiếc xe ô-tô chở Người đi đến trụ sở Ủy ban Hành chính tỉnh trong lúc các đồng chí lãnh đạo đang bàn công việc. Biết Bác đến, Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh rất bất ngờ, reo lên: Bác Hồ! Bác Hồ! Đồng chí đứng dậy nghiêm trang: “Dạ, thưa Bác! Mời Bác vào trong nhà nghỉ ạ!”. Rất bình dị, Bác trầm giọng: “Các chú đang họp cứ để mặc Bác!” Rồi Bác thong thả xuống thăm nhà bếp, nhà vệ sinh, hỏi han sức khỏe và chế độ sinh hoạt của những người phục vụ. Sau đó, Người đi thăm bộ đội ở trại Vệ quốc đoàn, Trường Trung học Hoàng Hoa Thám, Bệnh viện Bắc Giang, rồi mới trở lại trụ sở Ủy ban.
Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Bắc lần thứ I, ngày 17/10/1963, sau khi nói về tinh thần, ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân, Bác Hồ đã nói rất mộc mạc về sự đoàn kết thống nhất trong Đảng; về tinh thần tự phê bình và phê bình. Bác căn dặn, cán bộ, đảng viên dù ở cương vị khác nhau, làm công tác khác nhau, đều phải đoàn kết một lòng để làm tròn nhiệm vụ mà Đảng giao cho. Muốn thật sự đoàn kết thì phải có dân chủ thật sự trong Đảng.
Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Bắc lần thứ I, ngày 17/10/1963, sau khi nói về tinh thần, ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân, Bác Hồ đã nói rất mộc mạc về sự đoàn kết thống nhất trong Đảng; về tinh thần tự phê bình và phê bình. Bác căn dặn, cán bộ, đảng viên dù ở cương vị khác nhau, làm công tác khác nhau, đều phải đoàn kết một lòng để làm tròn nhiệm vụ mà Đảng giao cho. Muốn thật sự đoàn kết thì phải có dân chủ thật sự trong Đảng.
Theo ý Bác, đoàn kết và dân chủ như hai mặt của một tờ giấy. Và Bác lưu ý phải làm “thật sự”, chứ không đoàn kết một cách hình thức, dân chủ một cách hình thức. Phê bình thì phải nghiêm chỉnh.
Tự phê bình thì phải thật thà. Đảng viên và cán bộ luôn gương mẫu, kiên quyết bỏ hết thành kiến, bởi thành kiến là một thói hư tật xấu, có hại. Do thành kiến mà sinh ra dè dặt với nhau, đối phó với nhau, kèn cựa lẫn nhau. Nó làm cho trống đánh xuôi, kèn thổi ngược, nó làm cho công tác bị tê liệt, hư hỏng.
Cuối cùng, Bác lưu ý, khi mỗi cán bộ, đảng viên nâng cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng và nhân dân thì sẽ tăng cường đoàn kết nhất trí, khắc phục được bệnh cá nhân chủ nghĩa, bệnh công thần, óc địa vị.
Những lời dặn ân cần của Bác Hồ kính yêu sau tròn 60 năm vẫn nóng hổi tính thời sự. Đó vẫn là câu chuyện của hôm nay khi Bắc Giang vững bước trên đường lớn. Khi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với đất nước và quê hương chúng ta. Cuộc cách mạng ấy đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống KT-XH nhưng định hướng lớn, mục tiêu cao nhất - đoàn kết thống nhất, vì hạnh phúc của nhân dân thì vẫn như một hằng số không thay đổi.
Mới đây, Tỉnh ủy Bắc Giang đã tiến hành sơ kết nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX (2020-2025). Vấn đề thời sự nhất lúc này vẫn là làm sao đây để dân giàu tỉnh mạnh, như lời căn dặn của Bác 60 năm về trước, tỉnh ta “có điều kiện để trở thành một tỉnh giàu mạnh”. Hội nghị giữa nhiệm kỳ của Đảng bộ tỉnh thống nhất nhận định: Hai năm rưỡi qua là khoảng thời có nhiều vấn đề khó khăn, thách thức phức tạp, khó lường, vượt ngoài khả năng dự báo, tác động, ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống KT-XH. Song Bắc Giang đã phát huy cao nhất tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, quyết tâm, nỗ lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị.
Đồng chí Dương Văn Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, trong bài phát biểu kết luận hội nghị đã khẳng định nguyên nhân và những bài học kinh nghiệm trong chặng đường vừa qua: “Kết quả nêu trên bắt nguồn từ sự chủ động, tích cực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp. Tinh thần chủ động thể hiện rõ khi chúng ta không chờ đợi Trung ương ban hành các văn bản để triển khai thực hiện mà ngay đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp đã tập trung trí tuệ, xác định và thống nhất những nhiệm vụ quan trọng cần tập trung của cả nhiệm kỳ, từ sớm đã ban hành hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo”.
Sự chủ động, sáng tạo được minh chứng bằng cách nghĩ, cách làm cụ thể, càng cụ thể bao nhiêu thì hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng đùn đẩy, né tránh bấy nhiêu. Lần đầu tiên, lãnh đạo chủ chốt của tỉnh tổ chức hội nghị bàn, thống nhất nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược để giao cho từng đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND và lãnh đạo UBND tỉnh. Trong năm 2022 đã giao 32 nhiệm vụ, năm nay tiếp tục giao 35 nhiệm vụ cho các đồng chí lãnh đạo chủ chốt. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhận 8 nhiệm vụ trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Cứ 6 tháng và hết năm, tổ chức kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện, có thông báo kết luận rõ, gửi các đảng bộ theo dõi.
“Dọc ngang thông suốt”, theo hướng đó, nhiều huyện ủy, thành ủy, sở, ngành cũng tiến hành giao nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện cho từng đồng chí lãnh đạo chủ chốt của địa phương, cơ quan, đơn vị. Cách làm này không hoàn toàn mới, cái mới là ở tinh thần xóa bỏ, hoặc sửa đổi cái cũ, như Bác Hồ thường khuyên: “Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý”. Như thế là hợp với lòng dân, với xu thế thời đại. Không sợ những “điểm nghẽn” về hạ tầng kinh tế, cơ chế chính sách, quy định pháp luật, mà sợ nhất là “điểm nghẽn” về ý thức, trách nhiệm, thậm chí là sự vô cảm với cái xấu, cái nửa vời, trì trệ.
Đảng bộ và nhân dân Bắc Giang kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm và dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Bắc lần thứ I trong niềm vui cùng những trăn trở trên chặng đường tiếp theo. Hãy thắp sáng niềm tin và làm mới niềm hy vọng! Ở dấu mốc này, mỗi cán bộ, đảng viên, người dân Bắc Giang thêm ghi nhớ, thấm nhuần những lời dạy mang tầm tư duy chiến lược, nhìn xa trông rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm tỉnh nhà; tập trung làm tốt hơn nữa những nhiệm vụ đã đề ra, những công việc chưa hoàn thành, để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Hải Đường