Đặt ra tiền lệ mang tính bước ngoặt?

Tòa án Tối cao Mỹ thông báo sẽ thụ lý đơn kháng cáo của ông Donald Trump để trả lời câu hỏi liệu cựu Tổng thống có được quyền miễn truy tố trong cáo buộc hình sự về can thiệp bầu cử hay không, cụ thể là vai trò của ông trong vụ biểu tình bạo động tại trụ sở Quốc hội Mỹ ngày 6.1.2021. Như vậy, Tòa án Tối cao sẽ ra phán quyết xung quanh quy định của Hiến pháp - quyền miễn trừ của tổng thống. Điều này sẽ đặt ra một án lệ mang tính bước ngoặt có thể ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 cũng như các chính phủ trong tương lai.

Trong tuyên bố đưa ra sáng ngày 29.1, Tòa án Tối cao cho biết phiên tranh luận sẽ diễn ra trong tuần thứ ba của tháng 4 (bắt đầu từ ngày 22.4) để đánh giá cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump có quyền miễn trừ truy tố hay không. Quyết định này đồng nghĩa tất cả các vụ kiện và phán quyết liên quan đến cáo buộc ông Trump kích động nổi loạn sẽ phải dời lại cho đến sau khi có quyết định của Tòa án Tối cao.

Theo lệnh của Tòa, đội ngũ pháp lý của ông Trump cần gửi các văn bản liên quan để chứng minh thân chủ vô tội. Công tố viên đặc biệt Jack Smith, người được Bộ Tư pháp Mỹ chỉ định phụ trách các cuộc điều tra ông Trump, cần gửi tài liệu trước ngày 8.4. Đội ngũ của ông Trump có thể gửi bổ sung tài liệu trước thời hạn chót vào ngày 15.4. Sau đó, Tòa án Tối cao Mỹ có toàn quyết ấn định ngày xét xử cuối cùng. Như thông lệ, Tòa án Tối cao chỉ đưa ra tuyên bố ngắn gọn mà không cho biết quy trình và mốc thời gian xét xử cụ thể. Nhưng theo dự đoán của các chuyên gia, phán quyết cuối cùng có thể mất vài tháng.

Vào tháng 8.2023, ông Trump bị truy tố với cáo buộc tìm cách lật ngược kết quả bầu cử năm 2020 và kích động bạo loạn ở tòa nhà Quốc hội Mỹ vào ngày 6.1.2021. Công tố viên đặc biệt Jack Smith khi đó đưa ra cáo trạng dài 45 trang, gồm 4 tội danh.

Cựu Tổng thống Donald Trump phát biểu trong một cuộc họp báo được tổ chức tại Mar-a-Lago ở Palm Beach, Florida, hôm 8.2.2024. Ảnh: Joe Raedle/Getty Images

Cựu Tổng thống Donald Trump phát biểu trong một cuộc họp báo được tổ chức tại Mar-a-Lago ở Palm Beach, Florida, hôm 8.2.2024. Ảnh: Joe Raedle/Getty Images

Đầu tháng 2, Hội đồng thẩm phán Tòa phúc thẩm khu vực thủ đô Washington, D.C. đã ra phán quyết rằng quyền miễn trừ tổng thống không giúp ông Trump được miễn truy tố khỏi các cáo buộc hình sự từ Công tố viên Smith liên quan đến các sự kiện trong ngày 6.1.

Tuy nhiên, đội ngũ luật sư của ông Trump đã kháng cáo lên Tòa án Tối cao, lập luận rằng thân chủ mình có toàn quyền miễn trừ truy tố đối với các hành động ông thực hiện khi còn là Tổng thống Mỹ, bao gồm việc đặt câu hỏi đối với kết quả bầu cử năm 2020.

Tòa án Phúc thẩm ban đầu ấn định xét xử ông Trump vào ngày 4.3 nhưng nay đã bị hoãn lại vì chờ phán quyết từ Tòa án Tối cao.

Nếu Tòa án Tối cao ra phán quyết có lợi cho ông Trump, bản cáo trạng của Công tố viên đặc biệt Smith sẽ bị hủy. Ngược lại, nếu Tòa quyết định ông Trump không được miễn tố, phiên tòa hình sự sẽ bắt đầu ngay sau đó. Theo tính toán của New York Times, điều đó có nghĩa phiên tòa có thể bị trì hoãn cho đến cuối tháng 9 hoặc tháng 10 năm nay, đồng nghĩa toàn bộ phiên tòa sẽ trở thành tâm điểm của mùa bầu cử.

Câu hỏi về quyền miễn trừ của tổng thống

Lệnh của Tòa án Tối cao cho biết họ sẽ xem xét liệu "một cựu tổng thống có được hưởng quyền miễn trừ của tổng thống khỏi việc bị truy tố hình sự" liên quan đến các hành vi chính thức trong nhiệm kỳ hay không, và nếu có thì được miễn trừ tới mức độ nào.

Cựu Tổng thống Trump và Công tố viên đặc biệt Jack Smith đã đệ trình những bản tóm tắt trái ngược về quyền miễn trừ tổng thống. Vấn đề này cũng làm nảy sinh nhiều thắc mắc về việc các tổng thống làm thể nào có thể tranh luận về các kết quả bầu cử, những mối đe dọa mà họ có thể gặp phải từ các chính phủ trong tương lai.

Trong hồ sơ của mình, ông Trump cho biết Tòa phúc thẩm đã sai khi ra phán quyết rằng ông có thể bị buộc tội hình sự vì hành vi của ông trên cương vị tổng thống Mỹ. "Việc không có quyền miễn trừ hình sự đối với các hành vi chính thức đe dọa đến khả năng hoạt động bình thường của tổng thống... Bất kỳ quyết định nào của tổng thống về một vấn đề gây tranh cãi chính trị sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị đảng đối lập cáo buộc sau khi thay đổi chính quyền", hồ sơ của ông Trump viết.

Luật sư của ông Trump thậm chí còn cho rằng nếu tổng thống Mỹ không có quyền miễn trừ, thì nếu ông Trump đắc cử, ông có thể thúc đẩy đưa các vụ việc của ông Biden, Obama hay Clinton ra truy tố.

Về phần mình, Công tố viên đã bác bỏ lập luận trên, cho rằng nếu lập trường của ông Trump được công nhận, điều này sẽ làm thay đổi cách hiểu về "trách nhiệm giải trình của tổng thống vốn đã phổ biến trong suốt lịch sử, làm suy yếu nền dân chủ và pháp quyền" của Mỹ.

Tuy nhiên, các tình huống trong quyền miễn trừ tổng thống có phần không rõ ràng vì Hiến pháp không đưa ra một quy định cụ thể. Thay vào đó, một loạt các phán quyết của tòa án và ý kiến của Bộ Tư pháp đã giải thích Hiến pháp để đưa ra phác thảo chung về việc các tổng thống nên được bảo vệ khỏi bị truy tố như thế nào.

Bản tóm tắt của cựu Tổng thống Trump trích dẫn hai phán quyết của Tòa án Tối cao - vụ Mississippi kiện Johnson và Nixon kiện Fitzgerald - trong đó cơ quan tư pháp này sử dụng các vụ kiện các cựu Tổng thống Andrew Johnson và Richard Nixon để xác định những giới hạn của các thẩm phán trong việc xem xét các hành động của tổng thống.

Trong vụ Mississippi kiện Johnson, Tòa án Tối cao đã bác bỏ yêu cầu của Mississippi về việc ngăn cản Tổng thống Johnson thi hành Đạo luật Tái thiết bởi vì, Tòa nói rằng họ “không có quyền tài phán đối với một dự luật cấm Tổng thống thực hiện các nhiệm vụ theo thẩm quyền của mình”.

Tòa án còn đi xa hơn trong vụ Nixon kiện Fitzgerald bằng việc phán quyết rằng Tổng thống Nixon có “quyền miễn trừ tuyệt đối” khỏi trách nhiệm dân sự liên quan đến “các hành động theo thẩm quyền” trong “phạm vi bên ngoài” thẩm quyền của ông. Trong trường hợp này, “phạm vi bên ngoài” được Tòa án Tối cao phán quyết rằng thẩm quyền đó bao gồm việc sa thải một nhân viên liên bang (ông Fitzgerald).

Những kịch bản có thể xảy ra

Rất khó để dự đoán được phán quyết của Tòa án Tối cao. Tuy nhiên, có thể phân tích một số khả năng.

Đầu tiên, các thẩm phán của Tòa án Tối cao sẽ cần phải quyết định xem có chấp nhận yêu cầu hoãn thủ tục tố tụng của cựu Tổng thống Trump hay không, phán quyết có thể ngăn Tòa Phúc thẩm tiến hành xét xử.

Tòa án Tối cao cũng có thể yêu cầu tòa án cấp dưới đưa ra phán quyết, hoặc đưa lại cho Tòa phúc thẩm để đưa ra một phán quyết khác hoặc điều chỉnh phán quyết dựa trên những sai sót mà họ có thể tìm thấy trong bản ý kiến của hội đồng ba thẩm phán.

Nếu Tòa án Tối cao có thể xem xét lại nguyên tắc về quyền miễn trừ tổng thống và cách áp dụng nguyên tắc này cho cựu Tổng thống Trump. Khi làm như vậy, các thẩm phán có thể bác bỏ yêu cầu miễn trừ này và cho phép Tòa phúc thẩm tiếp tục phiên xét xử. Tuy nhiên, lựa chọn này được đánh giá là ít khả thi và có thể đặt ra tiền lệ.

Các thẩm phán có thể đồng ý với lập luận của cựu Tổng thống Trump và đặt ra một tiền lệ mới, rộng hơn về phạm vi quyền miễn trừ tổng thống. Tuy nhiên khi các tòa án ra phán quyết về quyền miễn trừ của cựu Tổng thống Trump thì các quyết định của họ có thể sẽ gây ra những hệ quả sâu rộng cho các chính phủ trong tương lai. Chẳng hạn một thẩm phán của Tòa Phúc thẩm đã đặc biệt đặt câu hỏi rằng: liệu một tổng thống có thể được miễn truy tố hình sự vì ban lệnh ân xá hay ra lệnh cho Biệt đội SEAL 6 ám sát một đối thủ chính trị hay không?

Cuối cùng, Tòa án Tối cao cũng có thể đưa ra một phán quyết hẹp hơn với việc áp dụng quyền miễn trừ tổng thống đối với một số cáo buộc trong vụ kiện cựu Tổng thống Trump chứ không phải đối với những cáo buộc khác. Cách làm đó có lẽ sẽ buộc Tòa phúc thẩm chấp thuận kiến nghị của cựu Tổng thống Trump và bảo vệ ông khỏi bị truy tố trong tương lai liên quan đến các hoạt động của ông vào ngày 6.1.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/dat-ra-tien-le-mang-tinh-buoc-ngoat-i361696/