Đất rừng Đà Lạt ngày càng teo tóp

Theo phản ánh của bạn đọc, những năm qua, rừng khu vực nội ô TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) dần teo tóp bởi quá trình đô thị hóa, trong khi nhu cầu về đất sản xuất chưa bao giờ có dấu hiệu hạ nhiệt. Tại trung tâm Đà Lạt, đất rừng được quản lý chặt chẽ nên ít bị xâm phạm. Tuy nhiên, tại khu vực vùng ven TP Đà Lạt, đất rừng đang từng ngày bị 'gặm nhấm'.

Khu nhà kính dựng trên đất rừng ở phường 5, TP Đà Lạt gây trở ngại cho quá trình khôi phục rừng

Khu nhà kính dựng trên đất rừng ở phường 5, TP Đà Lạt gây trở ngại cho quá trình khôi phục rừng

Thời gian gần đây, tại TP Đà Lạt không còn xảy ra các vụ phá rừng quy mô lớn như vụ cưa 400 cây thông, diện tích khoảng 2ha tại tiểu khu 144B, phường 8, TP Đà Lạt năm 2022. Nhưng các vụ việc xâm lấn đất rừng nhỏ lẻ cũng để lại những hệ lụy không hề nhỏ đối với cảnh quan môi trường.

Mới đây nhất, cơ quan chức năng TP Đà Lạt đã tiến hành giải tỏa nóng 3,5ha đất rừng bị lấn chiếm để trồng các loại cây lâu năm tại tiểu khu 148B, thuộc phường 5, TP Đà Lạt. Đây là khu đất rừng mật độ cây thấp với một số cây thông còn sót lại, được bao phủ bởi cỏ bụi, thực bì rậm rạp. Những đối tượng lợi dụng khu vực xa khu dân cư đã tiến hành dọn dẹp lớp thực bì, sau đó trồng cây ăn quả, cây lâu năm.

Cách đó không xa, khu nhà kính (nhà màng bọc ni lông) rộng hàng chục ngàn mét vuông dựng bằng khung sắt cắm sâu ngay trên đất rừng, thoạt nhìn khu vườn được xác định là khu vực đã được sản xuất “ổn định”. Tương tự, tại khu vực đồi thông gần mỏ đá phường 5, đồi Nguyễn Hoàng thuộc phường 7 (TP Đà Lạt) từ lâu luôn là địa điểm bị dòm ngó xâm lấn, thậm chí ở đây người dân còn đào ao tích trữ nước trên đất rừng để phục vụ sản xuất trên đất rừng lấn chiếm được. Tình trạng trên xảy ra ở hầu khắp các địa bàn có diện tích rừng lớn tại TP Đà Lạt, khiến cho công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.

Thủ đoạn thường được những đối tượng sử dụng là tận dụng thời tiết đang trong mùa mưa, khi lực lượng chức năng bị hạn chế đi lại do địa hình chia cắt, đã mỗi ngày phát dọn một diện tích nhỏ, sau đó liền trồng cây, đồng thời dựng rào kẽm gai như hình thức để đánh dấu “chủ quyền”. Nếu không bị phát hiện, xử lý thì những diện tích liền kề cũng sẽ áp dụng hình thức tương tự theo kiểu gặm nhấm. Với phương pháp đơn giản này, nếu các đơn vị quản lý không thường xuyên tuần tra ghi nhận thì khó lòng có thể phát hiện được, hoặc khi phát hiện thì diện tích đất rừng đã bị người dân trồng cây lâu năm, gây trở ngại cho quá trình cưỡng chế.

Dù mức độ tác động đến môi trường, cảnh quan là rất lớn nhưng phần lớn các vụ việc lấn chiếm đất rừng không xác định được đối tượng vi phạm, hoặc nếu phát hiện thì chế tài xử lý cũng không khiến người dân “sợ” vì theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP, hành vi lấn, chiếm đất rừng nhỏ hơn 0,1ha chỉ bị phạt tiền từ 3-15 triệu đồng, phạt từ 40-60 triệu đồng nếu lấn, chiếm từ 0,5-1ha, hoặc phạt từ 60-150 triệu đồng nếu lấn, chiếm từ 1ha rừng trở lên. Tuy nhiên, nếu hành vi lấn chiếm trót lọt trong một khoảng thời gian nhất định, thông qua hình thức sang nhượng, giá trị khu đất có thể lớn hơn gấp nhiều lần số tiền bị phạt khi bị phát hiện.

Trong phân cấp quản lý, ngoài các đơn vị chủ rừng còn có lực lượng tổ nhận khoán bảo vệ rừng, ban lâm nghiệp của các phường, xã, hạt kiểm lâm, công an… Tuy nhiên, trong điều kiện diện tích quản lý lớn, tiếp giáp nhiều khu vực sản xuất, khu dân cư thì cần có những công cụ hỗ trợ thường xuyên như hệ thống giám sát bằng camera, flycam và đặc biệt là phát huy hiệu quả của các tổ giám sát ở cộng đồng.

Ngoài ra, sự vào cuộc quyết liệt, ngay từ đầu của cơ quan quản lý như giải tỏa nóng ngay tại chỗ rừng bị lấn chiếm, đồng thời tổ chức trồng khôi phục rừng ở những nơi đất trống, đất vừa giải tỏa và giám sát chặt chẽ để tránh tái lấn chiếm, sẽ là điều kiện tiên quyết để giữ lại màu xanh cho Đà Lạt.

Toàn TP Đà Lạt hiện có hơn 19.900ha rừng (trong đó diện tích rừng tự nhiên 14.538ha, rừng trồng 5.398ha), độ che phủ rừng của TP Đà Lạt đạt tỷ lệ 50,92% (toàn tỉnh Lâm Đồng là 54,37%). Diện tích rừng trên được giao cho 4 đơn vị chủ rừng nhà nước gồm: Ban Quản lý rừng Lâm Viên, Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Nung, Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, Viện Khoa học lâm nghiệp Nam Trung bộ và Tây Nguyên, ngoài ra còn có khoảng 90 dự án thuê đất, thuê rừng...

ĐOÀN KIÊN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dat-rung-da-lat-ngay-cang-teo-top-post775217.html