'Đặt tên mới' cho Luật Hợp tác xã
Cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Luật Hợp tác xã sửa đổi đề xuất tên gọi mới là Luật các tổ chức kinh tế hợp tác để 'phù hợp với đối tượng, phạm vi điều chỉnh và thiết kế nội dung dự thảo'.
Cấp thiết sửa đổi Luật
Tại cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập mở rộng lấy ý kiến dự thảo Luật do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan chủ trì soạn thảo) tổ chức chiều 25.5, Cục trưởng Cục Phát triển hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Phùng Quốc Chí nêu rõ, xét cả về cơ sở chính trị và cơ sở thực tiễn, việc sửa đổi Luật Hợp tác xã năm 2012 là rất cấp thiết.
Cụ thể, về cơ sở chính trị, Kết luận 70-KL/TW ngày 9.3.2020 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 Khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, Bộ Chính trị giao “Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến kinh tế tập thể, HTX, đặc biệt là Luật Hợp tác xã trên cơ sở tổng kết 10 năm thi hành”.
Triển khai thực hiện Kết luận này, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng Luật mới hoặc sửa đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã để trình Quốc hội trong năm 2022.
Việc sửa đổi Luật Hợp tác xã là yêu cầu cấp thiết
Nguồn: ITN
Về cơ sở thực tiễn, sau 10 năm triển khai Luật Hợp tác xã, bên cạnh những kết quả đã đạt được cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện để phù hợp hơn với thực tiễn.
Từ đó, cơ quan soạn thảo xây dựng dự thảo Luật với 5 phần, 15 chương và 120 điều, theo hướng mở rộng phạm vi điều chỉnh, bổ sung đối tượng tổ hợp tác và liên đoàn HTX. Các tổ chức kinh tế hợp tác bao gồm: THT, HTX, liên hiệp HTX, liên đoàn HTX. Việc phân loại sẽ theo quy mô siêu nhỏ, nhỏ, vừa, lớn thay vì phân chia theo lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ…
Đối với quy định về HTX sẽ giảm số thành viên tối thiểu từ 7 xuống 5 và thành viên cá nhân từ đủ 15 tuổi trở lên thay vì 18 tuổi như hiện nay; được lựa chọn cơ cấu tổ chức theo quy mô. Liên hiệp HTX cũng giảm số thành viên tối thiểu từ 4 xuống 3. Liên đoàn HTX sẽ có ít nhất 5 liên hiệp HTX để bổ trợ nhau, tăng quy mô phát triển.
Luật cũng sẽ bãi bỏ thành lập hội đồng giải thể, đăng báo địa phương, thay vào đó Hội đồng quản trị trực tiếp, chịu trách nhiệm chính. Đối với khoảng 2.000 HTX đang vướng mắc về giải thể, Chính phủ sẽ quy định chi tiết.
“Phải thoát ly được Luật hiện hành”
Tại cuộc làm việc, các đại biểu đều đồng tình cho rằng cần thiết phải sửa đổi Luật nhưng vẫn còn những băn khoăn.
Cơ quan chủ trì soạn thảo cho rằng, giữ tên Luật HTX (sửa đổi) là chưa thực sự bao quát hết các đối tượng điều chỉnh. Do vậy, cơ quan này đề xuất là Luật các tổ chức kinh tế hợp tác để phù hợp với đối tượng, phạm vi điều chỉnh và thiết kế nội dung dự thảo.
Nhiều ý kiến đồng tình với tên mới của Luật. Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ Đinh Dũng Sỹ cho rằng tên mới sẽ đúng bản chất của Luật, vì không chỉ có HTX mà còn có có nhiều mô hình kinh tế hợp tác khác cần được luật hóa để giúp cho khu vực này có pháp lý rõ ràng. “Chúng ta nợ người nông dân về các mô hình kinh tế hợp tác”, ông Sỹ nhấn mạnh.
Tuy nhiên, PGS.TS Chu Tiến Quang, nguyên Trưởng ban Chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, lâu nay trong các nghị quyết, văn bản luật đều xác định “kinh tế tập thể”. Trong khi đó, kinh tế hợp tác là phạm trù rất rộng, không chỉ bao hàm các tổ chức kinh tế mà có cả mối quan hệ giữa các tổ chức đó. Do vậy, nếu muốn đổi tên Luật cần làm rõ cụm từ “kinh tế hợp tác” bởi hiện chưa rõ chủ trương, định hướng. “Nên gọi là Luật kinh tế tập thể”, ông Quang đề xuất. Đồng thời, cần làm rõ sở hữu tập thể có phải là sở hữu chung?
Trên cơ sở cho rằng “chúng ta phải dũng cảm thay đổi tư duy làm luật này, phải thoát ly khỏi Luật hiện hành”, ông Đinh Dũng Sỹ băn khoăn về quan điểm sửa Luật là “giữ vững các nguyên tắc cơ bản của Luật Hợp tác xã”. “Theo Luật hiện hành, nguyên tắc là hỗ trợ nhau tiêu thụ sản phẩm, nhưng bây giờ phải là mục tiêu sản xuất hàng hóa và đưa ra thị trường để tìm kiếm lợi nhuận. Vậy nếu giữ vững nguyên tắc cơ bản của Luật hiện hành thì đó là nguyên tắc gì?”, đại biểu này đặt vấn đề.
Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, Luật nên quy định theo hướng mở thay vì quy định cứng. Chẳng hạn, với việc phân phối thu nhập của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân, không nên yêu cầu trích lập quỹ chung không chia bằng 100% lợi nhuận, hoặc tối thiểu 5% đối với HTX, 10% đối với liên hiệp HTX và 15% với liên đoàn HTX mà nên đưa ra quy định mức tối thiểu. Bên cạnh đó, việc quy định báo cáo kiểm toán là căn cứ để xem xét hỗ trợ sẽ gây ra sự bất bình đẳng đối với các HTX có quy mô nhỏ và siêu nhỏ vốn không bắt buộc phải kiểm toán.
Ngoài ra, theo các đại biểu, Luật cần làm rõ quy định để các HTX được chuyển đổi mô hình, làm rõ tài sản không chia. Việc phân loại theo quy mô sẽ không làm rõ bản chất của từng loại hình để xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ, vì nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ có đặc thù riêng…
Ghi nhận ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng yêu cầu Tổ biên tập nghiêm túc, cầu thị tiếp thu. Tổ biên tập cũng phải khảo sát, nghiên cứu thực tế tại các địa phương và những nước có điều kiện, hoàn cảnh tương đồng Việt Nam, phấn đấu cuối tháng 7 tới phải xong dự thảo.