Đặt tên xã mới: Quảng Ngãi bỏ đánh số, một phường ở Kon Tum mang tên tỉnh cũ
Tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, Quảng Ngãi không đặt tên các xã, phường mới có gắn số. Trong khi đó, Kon Tum đặt tên gắn với lịch sử, văn hóa nên nhận được sự đồng thuận cao. Hai tỉnh sau sáp nhập sẽ không có xã tên đánh số.
Ngày 24/4, Tỉnh ủy Quảng Ngãi tổ chức phiên họp lần thứ VI để cho ý kiến triển khai Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum.

Núi Long Phụng, địa danh ở xã Thắng Lợi (Mộ Đức) được cử tri đề xuất và Quảng Ngãi thống nhất lấy tên núi đặt tên cho xã mới sau sáp nhập là xã Long Phụng trên cơ sở nhập xã Thắng Lợi, xã Đức Nhuận và xã Đức Hiệp.
Trước đó, tỉnh Quảng Ngãi đã đưa ra lấy ý kiến người dân về việc đặt tên gọi cho các xã, phường mới sau sáp nhập theo hướng tên kèm theo số. Tuy nhiên, phần lớn nhân dân không đồng tình với việc này. Đồng thời, cử tri cũng đề xuất các tên gọi để tỉnh xem xét.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân cho biết, qua lấy ý kiến cử tri, có 6 huyện, thị xã, thành phố lấy tên gọi địa danh đặt tên đơn vị hành chính mới; có 7 huyện ban đầu đặt tên một số đơn vị hành chính gắn số thứ tự.
Song, khi cử tri có ý kiến, có 24 xã của 6 huyện gồm: Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Trà Bồng, Mộ Đức, Sơn Tây, Minh Long đã thay đổi và đặt tên mới theo địa danh.
Sau sắp xếp tỉnh Quảng Ngãi giảm hơn 67% số xã, không hình thành đơn vị xã quá lớn, hoặc quá nhỏ. Như vậy, từ chỗ có 170 xã, tỉnh Quảng Ngãi còn lại 55 xã và đặc khu Lý Sơn.
Trong khi đó, tỉnh Kon Tum dự kiến sau sắp xếp, hợp nhất từ 102 xã, phường, thị trấn sẽ còn 37 xã, 3 phường; giảm 62 đơn vị hành chính cấp xã.
Đáng chú ý, tên gọi 40 xã, phường sau sắp xếp, hợp nhất của tỉnh Kon Tum dự kiến phân theo 10 huyện, thành phố thời điểm hiện tại và không đánh số hoặc có từ chỉ phương hướng.
Tỉnh này ưu tiên lựa chọn những tên gọi tiêu biểu, chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa của 7 dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Riêng phường Kon Tum được gọi tên theo tỉnh, thành phố trên trên cơ sở nhập đơn vị hành chính các phường: Quyết Thắng, Quang Trung, Thống nhất, Thắng Lợi và Trường Chinh.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân cũng thông tin, đối với Đề án sắp xếp tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum, qua lấy ý kiến cử tri, có hơn 99,6% cử tri tỉnh Quảng Ngãi bỏ phiếu thống nhất với việc hợp nhất 2 tỉnh để thành lập tỉnh mới là Quảng Ngãi.
Hai tỉnh thống nhất hoàn thành đề án sáp nhập trước ngày 1/5, tỉnh mới chính thức hoạt động từ 1/9. Tháng 10/2025, tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025 - 2030.