Đặt tên xã, phường có tầm nhìn trăm năm, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo
Theo PGS.TS Bùi Đình Phong, việc đặt tên gọi mới cho các xã, phường sau sáp nhập cần có tầm nhìn chiến lược trăm năm, bởi đây không chỉ là địa danh mà còn là chứng nhân của thăng trầm lịch sử, là hồn cốt văn hóa, là ký ức, là niềm tự hào, gắn bó của biết bao thế hệ người dân.
Cân nhắc yếu tố lịch sử, văn hóa, truyền thống khi đặt tên xã, phường
Việc đặt tên đơn vị hành chính mới sau sáp nhập xã, phường đang nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân. Theo Nghị quyết số 76 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nguyên tắc đầu tiên để xác định tên gọi là việc đặt tên cho đơn vị hành chính sau sắp xếp phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, cân nhắc thận trọng các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa.
Tên gọi của đơn vị hành chính mới cần dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, bảo đảm tính hệ thống, khoa học và phát huy được lợi thế so sánh của địa phương, phù hợp với xu thế hội nhập.
Vừa qua, nhiều địa phương đặt tên các xã, phường mới bằng cách ghép tên quận, huyện kèm theo số thứ tự 1,2,3… hoặc phương hướng địa lý (đông-tây-nam-bắc). Bên cạnh đó, cũng nhiều nơi đặt trên dựa trên đặc điểm lịch sử, văn hóa, vị trí địa lý, yếu tố nhận diện đô thị, như TP.HCM có các phường, xã mới: Sài Gòn, Chợ Lớn, An Đông, Củ Chi, Hóc Môn, Bà Điểm… Cách đặt tên của TP.HCM được Tổng Bí thư Tô Lâm khen ngợi vì “đặt tên rất hay”.

Các địa phương đang triển khai lấy ý kiến cử tri về đề án sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh
Tại nhiều địa phương, khi Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, phường sau sáp nhập được công bố lấy ý kiến, đã có không ít băn khoăn từ người dân và giới chuyên môn trước phương án đặt tên mới mang tính cơ học là ghép tên quận, huyện kèm theo số thứ tự hoặc phương hướng địa lý.
Nhiều ý kiến cho rằng, những cái tên như vậy nghe qua có vẻ thuận tiện cho việc số hóa nhưng lại vô tình làm lu mờ bản sắc văn hóa và lịch sử của từng địa phương, không gợi nên niềm tự hào hay sự gắn bó.
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, PGS.TS Bùi Đình Phong (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, việc lấy ý kiến nhân dân khi đề xuất và quyết định tên gọi mới là một phương pháp rất quan trọng để bảo đảm tính minh bạch, công bằng trong quá trình đặt tên đơn vị hành chính mới.

PGS.TS Bùi Đình Phong
Theo ông, việc đặt tên nên bám vào giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa từ xưa để lại, bằng cách như Bác Hồ từng nói: Làm cho các giá trị văn hóa thấm sâu vào tâm lý nhân dân. Nếu đi theo hướng này, vừa phản ánh được quá khứ, lịch sử đã được thể hiện qua 40 năm đổi mới, thậm chí từ khi thành lập Đảng đến nay, thậm chí còn xa hơn, đồng thời vừa để lại dấu ấn cho giai đoạn sau.
“Khi nhắc tới một xã, một làng nào đó là nhắc tới những giá trị lịch sử, văn hóa nhất định – đó là hồn cốt của làng quê. Trải qua thời gian, tên làng, tên xã kết tinh rất nhiều giá trị khác, mang đậm nét văn hóa và thấm vào các thế hệ”, ông Phong nói.
PGS.TS Bùi Đình Phong cho rằng, không nên đặt theo đánh số thứ tự hoặc theo phương hướng (đông-tây-nam-bắc). Vì tên gọi đơn vị hành chính không chỉ đơn giản là một cái tên, mà đó là hồn dân tộc, thể hiện chiều sâu văn hóa, truyền thống lịch sử địa phương đã được biết bao thế hệ người dân địa phương vun đắp, xây dựng.
Vì thế, khi đặt tên mới cho một đơn vị hành chính rất cần cân nhắc đến lịch sử, văn hóa và nguyện vọng của nhân dân địa phương, tránh những hệ lụy không đáng có về sau.
Tuy nhiên, ông Phong cho rằng cũng không nên quá cứng nhắc trong việc đặt tên. Trên cơ sở mục tiêu, phương pháp ưu tiên lựa chọn tên gọi, khi đi vào từng vùng miền, làng xã cụ thể, nếu dùng tên gắn với văn hóa, lịch sử thì địa danh đó phải giàu bản sắc, giàu văn hóa, lịch sử.
“Nên tiếp tục mở rộng lấy ý kiến và nghiên cứu tiếp cách đặt tên, cần có đánh giá sớm xem cách lấy ý kiến nhân dân như vậy đã hợp lý chưa, còn cách nào khác hơn không. Dù lựa chọn tên theo cách nào, thì điều quan trọng nhất vẫn là quá trình lựa chọn phải được thực hiện một cách thực chất, công khai, minh bạch và lắng nghe người dân. Một tên làng, tên xã được nhân dân đồng tình ủng hộ thì cái tên đó hợp lòng dân nhất và cũng là phù hợp nhất”, ông Bùi Đình Phong nói.
Đặt tên xã, phường có ý nghĩa lâu dài hàng trăm năm
Nhấn mạnh việc sáp nhập đơn vị hành chính thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng ta, bước đột phá chuẩn bị cho tầm nhìn trăm năm phát triển, PGS.TS Bùi Đình Phong cho rằng, việc đặt tên gọi mới cho các xã, phường sau sáp nhập cũng cần có tầm nhìn chiến lược trăm năm như vậy.
“Việc đặt tên nếu đi sâu vào văn hóa, lịch sử, truyền thống, giữ lại nét riêng, bản sắc thì cái tên đó không chỉ có ý nghĩa trong hiện tại mà còn lâu dài hàng trăm năm”, ông Phong cho nhấn mạnh cân nhắc thấu đáo trong việc đặt tên gọi mới, vì đây là trách nhiệm đối với lịch sử.
Cùng chung quan điểm, PGS.TS Lê Văn Cường – Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) đề nghị nên linh hoạt chứ không nên cố định theo cách lấy tên quận, huyện cũ rồi đánh số hoặc theo phương hướng địa lý. Mỗi vùng quê, vùng miền, mỗi địa danh đều có đặc thù riêng, vì vậy, không thể đem cách đặt tên của nơi A áp cho nơi B được.
Ví dụ, những nơi giàu bản sắc văn hóa, lịch sử thì hoàn toàn có thể lấy tên địa danh, lịch sử, văn hóa để đặt tên cho xã, phường mới. Một số nơi khác có thể theo phương án đặt theo số thứ tự dễ được chấp thuận. Hoặc có nơi lấy tên riêng để đặt tên cho địa danh như hiện nay có huyện Trần Văn Thời ở Cà Mau, huyện Dương Minh Châu ở Tây Ninh…

PGS.TS Lê Văn Cường – Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
“Quan trọng là việc đặt tên xã, phường mới phải xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của người dân, thỏa mãn được số đông. Cùng với đó, việc đặt tên cũng cần gắn với đặc thù, địa danh nổi tiếng, tồn tại lâu đời”, ông Lê Văn Cường đồng thời nhấn mạnh, nguyên tắc đặt tên là nên linh hoạt để tạo sự đồng thuận, hơn nữa cần giữ được hồn cốt quê hương, truyền thống, văn hóa, lịch sử, đáp ứng công tác cải cách hành chính, thuận lợi cho người dân.
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, phương án đặt tên cơ sở theo cách đánh số thứ tự 1, 2, 3... khiến nhiều người băn khoăn, dù biết sẽ thuận tiện trong việc số hóa và quản lý. Song theo quan điểm của ông, nên cố gắng giữ tên truyền thống.
“Phương án theo số để thuận tiện trong quản lý và số hóa nhưng theo tôi, nếu đặt được tên có ý nghĩa, có yếu tố lịch sử, văn hóa, có truyền thống, gắn bó lâu đời với người dân thì nên ưu tiên. Nhân dân rất đồng tình chủ trương sắp xếp lại các đơn vị hành chính và nếu giữ lại được tên gọi quen thuộc với nhân dân thì tốt hơn”, ông Dĩnh chia sẻ.