Đặt tên xã, phường sau sáp nhập: Lắng nghe ý kiến từ lòng dân
Những ngày qua, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các địa phương trên địa bàn tỉnh đồng loạt lấy ý kiến người dân đối với việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, phường, tên đơn vị hành chính mới sau sắp xếp.

Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị lấy ý kiến Nhân dân về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn TP Thanh Hóa.
Các địa phương lấy ý kiến người dân thông qua hình thức phát phiếu đến đại diện hộ gia đình hoặc kết hợp 2 hình thức tổ chức hội nghị và phát phiếu đến hộ gia đình; phân công cán bộ phụ trách từng địa bàn cụ thể, phối hợp với các tổ công tác, trực tiếp đến từng hộ dân phát phiếu và hướng dẫn ghi phiếu rõ ràng, chu đáo. Người dân thể hiện quan điểm đồng ý hoặc không đồng ý theo phương án sáp nhập và tên gọi của xã mới. Công tác phát phiếu, thu hồi phiếu được thực hiện đúng quy trình, đảm bảo tính minh bạch.
Để đảm bảo việc lấy ý kiến người dân dân diễn ra hiệu quả, chất lượng, cấp ủy, chính quyền đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, nội dung của phương án sắp xếp theo các văn bản hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, nhất là Quyết định số 759/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Kết luận số 3546-KL/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thanh Hóa.
Thông qua đó, người dân nhiều địa phương bày tỏ sự đồng tình cao với dự kiến của địa phương đặt tên đơn vị hành chính mới mang giá trị truyền thống, lịch sử, văn hóa. Nổi bật như TP Thanh Hóa, sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng và ý kiến người dân, đề án cuối cùng dự kiến đặt tên sau sắp xếp gồm 7 phường mới bằng các tên gọi gắn với truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương bao gồm: Hạc Thành, Quảng Phú, Đông Quang, Đông Sơn, Đông Tiến, Hàm Rồng, Nguyệt Viên, trong đó những tên gọi mang giá trị lịch sử - văn hóa sâu sắc như Hạc Thành, Đông Sơn, Hàm Rồng. Huyện Lang Chánh dự kiến thành lập xã Linh Sơn (Linh Sơn là tên gọi mới được lựa chọn từ địa danh cũ “Chí Linh Sơn” - nơi gắn liền với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn). Huyện Thạch Thành giữ nguyên tên xã Ngọc Trạo, di tích chiến khu cách mạng nổi tiếng. Huyện Bá Thước dự kiến sẽ có xã mới mang tên khu du lịch nổi tiếng Pù Luông. Huyện Quảng Xương dự kiến có tên xã mới trên cơ sở lấy lại tên địa danh cũ từng gắn bó với lịch sử, truyền thống, ăn sâu vào tiềm thức người dân địa phương như xã Lưu Vệ...
Ý kiến của người dân, tiếng lòng của người dân được lắng nghe, cảm xúc của người dân được giãi bày. Đơn vị hành chính mới với người dân không đơn thuần chỉ là tên gọi, người dân mong muốn nó được biểu đạt, được nhận diện như là thương hiệu của địa phương, một cái tên gợi nhắc cả một chiều dài lịch sử, một dòng chảy văn hóa, gắn với tuổi thơ, nơi chôn nhau cắt rốn của bao thế hệ.
Dù tên đơn vị hành chính mới có thể mang giá trị truyền thống, lịch sử, văn hóa hay đơn giản là những tên đánh số thì điều quan trọng nhất vẫn là quá trình lựa chọn ấy đã được thực hiện một cách thực chất, công khai, minh bạch, người dân được tạo điều kiện tiếp cận thông tin đầy đủ, thể hiện chính kiến một cách công khai, dân chủ, các cấp ủy, chính quyền đã lắng nghe ý kiến người dân. Người dân được tham gia vào quyết định tên gọi vùng đất mình sinh sống, được cảm thấy mình là một phần của lịch sử mới, của một chặng đường phát triển mới, từ đó hình thành nên sự gắn bó, trách nhiệm và tự hào.
Đơn vị hành chính mới là tên một địa danh gắn liền với chiều sâu văn hóa, lịch sử, truyền thống sẽ khơi gợi lòng tự hào và tạo ra sự gắn kết tự nhiên, khơi dậy khát vọng phát triển của cả cộng đồng. Chính vì vậy, Quyết định số 759/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp nhấn mạnh việc họp bàn thảo luận kỹ càng, thấu đáo, thống nhất về tên gọi đơn vị hành chính cấp xã mới. Kết luận số 3546-KL/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh việc đặt tên cho đơn vị hành chính sau sắp xếp phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, cân nhắc thận trọng các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa; các cấp ủy, chính quyền địa phương thống nhất nhận thức, có trách nhiệm tạo sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân địa phương, góp phần giữ gìn, phát huy được giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa và tinh thần đoàn kết của Nhân dân đối với đơn vị hành chính mới sau sắp xếp. Tổng Bí thư Tô Lâm trong buổi tiếp xúc cử tri TP Hà Nội gần đây cũng đánh giá cao việc đặt tên phường mới là những địa danh lịch sử nổi tiếng (phường An Đông, phường Chợ Lớn) của TP Hồ Chí Minh.
Cách đặt tên đơn vị hành chính mới được nhiều người dân đồng thuận nhất luôn bắt đầu từ sự thấu cảm và tôn trọng quá khứ, vừa mang ý nghĩa tích cực, hướng đến tương lai, vừa giữ được gốc rễ văn hóa địa phương. Kết quả lấy ý kiến thể hiện rõ quyền làm chủ của người dân trong việc tham gia quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước, của tỉnh và của chính địa phương, là cơ sở quan trọng để xây dựng chính quyền gần dân, sát dân, phục vụ Nhân dân.