Đất thiêng
Đất là nơi cây trái sinh sôi, là nơi giữ bước chân ta, cho ta nơi trú ngụ và cuộc sống mỗi ngày. Đất còn là quê hương, là đất nước, là quê cha đất tổ. Cũng chỉ là đất thôi nhưng luôn gợi lên một cảm xúc thiêng liêng, một tình yêu bất tận.
Khi còn nhỏ, trong khung trời bé thơ chật hẹp của mình, quê hương là làng, là xã, là mái nhà có mẹ có cha, có anh chị em cùng chung sống. Quê hương là ngôi trường nơi mình hàng ngày đến lớp, có bạn bè, thầy cô với những niềm vui nhỏ bé mỗi ngày. Quê hương là cánh đồng mênh mông trải rộng, nơi đó thơm lừng hương lúa chín và rơm rạ khi mùa về. Quê hương là những đêm trăng sáng cùng bạn bè hàng xóm chơi những trò chơi dân dã, là những ngày nắng chang chang cùng nhau ngụp lặn trên những dòng kênh xanh mát. Quê hương là những ngày đôi chân trần rám nắng chạy trên các gò đồi hái trái trâm ăn tím rịm cả bờ môi.
Qua những bài học lịch sử, ta biết đất nước ta hình chữ S kéo dài từ Mục Nam Quan cho đến Mũi Cà Mau với bao nhiêu là danh lam thắng cảnh cùng những chiến công từ ngàn xưa của ông cha dựng nước và giữ nước. Ta hiểu hơn hai tiếng đồng bào qua truyền thuyết Lạc Long Quân-Âu Cơ. Ta biết, Việt Nam có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống và đều có chung nguồn gốc từ một “Quả bầu tiên”. Ta biết, ông cha ta đã bao lần đánh thắng những đoàn quân xâm lược hung hãn, hùng mạnh hơn gấp nhiều lần. Ta biết, dân ta dù đất chật người đông, cuộc sống kham khổ nhưng vẫn một lòng yêu nước, quyết tâm giữ trọn bờ cõi nước nhà và nền văn hóa dân tộc. “Một ngàn năm đô hộ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây” nhưng chúng ta vẫn giữ cho mình tiếng nói riêng, phong tục tập quán riêng không hòa lẫn.
Rồi ta lớn lên, khoảng trời trong mắt mở rộng hơn. Ta được đi đến nhiều vùng đất khác nhau của đất nước, trải nghiệm những món ăn, những phong tục tập quán riêng. Những vùng ta đi qua có thể mênh mông biển xanh, rì rào sóng vỗ hay là những cánh đồng phì nhiêu trải rộng đến chân trời. Có vùng sông nước mênh mông đầy ắp cá tôm vào mùa nước lớn. Có nơi khô khát chờ mưa, nóng rát trong gió Lào cát bỏng. Có cao nguyên xanh bát ngát những đồi chè, đồi cà phê với từng đàn bò, đàn dê ung dung gặm cỏ. Có những thành phố phồn hoa tấp nập và những làng quê heo hút xa xôi. Có con đường thẳng tắp trải rộng giữa đồng bằng hay chênh vênh men theo sườn núi hiểm trở. Dù mỗi nơi có những điều khác biệt nhưng chúng ta biết mình đang trên đất nước Việt Nam với cùng tiếng nói và cùng chung dòng máu Lạc Hồng. Những nơi ta đến đều để lại nhiều kỷ niệm khác nhau, để rồi ta biết đến câu “Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương” và “bốn biển là nhà”. Ta ý thức rõ hơn về trách nhiệm công dân và nuôi dưỡng cho mình lòng tự hào dân tộc.
Một chiều xuân, theo chân những người lính, tôi đi về nơi biên cương của đất nước với những cảm xúc mới lạ trào dâng. Đi qua những con đường đèo dốc ngoằn ngoèo, những vùng hoang vu không người hoặc dân cư thưa thớt, chỉ có những đồn biên phòng rải rác và những người lính ngày đêm canh giữ biên cương. Tôi đã đến đường biên của Tổ quốc trong cái ráng chiều vàng rực, nhìn qua bên kia là nước bạn Lào. Giây phút ấy thật sự nhiều xúc cảm. Tôi như hiểu rõ hơn ý nghĩa của hai tiếng bờ cõi thiêng liêng. Một nắm đất của quê hương dù là cằn khô sỏi đá mà biết mấy yêu thương.
Ta có thể mơ về một vùng đất xa lạ nào đó đẹp đẽ và hiện đại hơn vùng đất quê hương mình. Trong thời đại toàn cầu hóa này, đó không còn là giấc mơ nữa, mà ta hoàn toàn có thể biến nó thành sự thật. Ta có thể đến Paris để ngắm dòng sông Seine xinh đẹp, chụp một tấm hình ở tháp Eiffel, ngắm sương mù ở London hay dạo chơi ở thung lũng lớn của Mỹ. Thế giới bao nhiêu là kỳ quan tuyệt vời để chúng ta khám phá và chiêm ngưỡng. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, dù chúng ta sống ở nơi đâu, dù ta có được bao nhiêu thứ thì cũng đang thiếu một thứ rất thiêng liêng, đó là đất quê mình. Khi trong huyết quản ta đang chảy dòng máu Việt thì hẳn chẳng nơi đâu bằng đất quê mình.
Đứng chân trên mảnh đất địa đầu phía Tây của Tổ quốc trong ánh mặt trời đang rực lên chút sắc vàng cuối ngày để rồi đi ngủ sau những dãy núi nhấp nhô xa xa, tôi muốn thu hết vào tầm mắt mình hình ảnh của non sông đất nước. Yêu quý biết bao từng cành cây, ngọn cỏ, từng tấc đất non sông được gìn giữ qua bao đời. Hai tiếng Việt Nam thật đáng tự hào và từng vùng đất của Tổ quốc đều là đất thiêng của bao người dân Việt, là quê cha đất tổ của chúng ta!
Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12383/202004/dat-thieng-5676511/