Đạt thỏa thuận với Solomon, Trung Quốc sẽ 'lập căn cứ quân sự đầu tiên' ở Thái Bình Dương?
Theo dự thảo ,chính phủ Solomon có thể yêu cầu Trung Quốc điều động lực lượng vũ trang và hành pháp tới quốc đảo Thái Bình Dương để thực hiện các nhiệm vụ nhân đạo hoặc an ninh.
Theo tờ Guardian, Trung Quốc và quần đảo Solomon được cho là đã ký kết Dự thảo Hiệp ước An ninh Bí mật - một động thái đặt các nước ở Thái Bình Dương vào tình trạng báo động cao vì khả năng Bắc Kinh có thể sẽ "lập căn cứ quân sự đầu tiên" ở khu vực này.
Nguồn tin từ thỏa thuận bị rò rỉ cho biết, các điều khoản đặt ra có thể tạo điều kiện cho Hải quân Trung Quốc chặn các tuyến vận tải biển quan trọng.
Theo đó, Solomon có thể sẽ cho phép tàu của Bắc Kinh thực hiện hoạt động tiếp tế hậu cần, dừng chân và quá cảnh trong tương lai.
Mối lo cho ông lớn Thái Bình Dương
Quần đảo Solomon đã ký một thỏa thuận an ninh với Trung Quốc và sẽ gửi đề xuất về một thỏa thuận an ninh rộng hơn lên Nội các nước này xem xét.
Nhưng thỏa thuận rộng hơn này - vốn được giữ bí mật cho đến nay - bất ngờ được chia sẻ lên mạng vào tối 24/3. Theo các nguồn tin, những người phản đối thỏa thuận đã làm rò rỉ ra ngoài và được chính phủ Australia xác minh là nguồn tin là chính xác.
Mặc dù đây mới chỉ là một dự thảo và viện dẫn sự cần thiết phải có "trình tự" để biện minh cho việc đồng ý cho phép Trung Quốc cử lực lượng đến Solomon, nhưng nó đã gây náo động trên khắp Thái Bình Dương - khu vực vốn rất lo ngại về tham vọng quân sự của Trung Quốc trong nhiều năm qua.
Theo bản dự thảo thỏa thuận lan truyền trên mạng, Bắc Kinh có thể thiết lập căn cứ quân sự cách Australia chưa đầy 2.000 km.
Dự thảo cũng đề xuất, chính phủ Solomon có thể yêu cầu Trung Quốc điều động lực lượng vũ trang và lực lượng hành pháp như cảnh sát, cảnh sát vũ trang, quân nhân... tới quốc đảo Thái Bình Dương để thực hiện các nhiệm vụ nhân đạo hoặc an ninh.
Các quan chức Australia tuyên bố: "Chúng tôi rất lo ngại về nguy cơ xuất hiện bất kỳ căn cứ quân sự nào chỉ cách bờ biển của chúng tôi chưa đầy 2.000 km".
Các thỏa thuận này cũng có thể khiến Mỹ lo lắng.
Washington hồi tháng 2 cho biết sẽ mở Đại sứ quán ở quần đảo Solomon sau khi các quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc muốn tìm kiếm mối quan hệ quân sự thân thiết hơn ở các đảo Thái Bình Dương.
Chính quyền quần đảo Solomon đã cắt đứt quan hệ với đảo Đài Loan và quay sang thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc vào năm 2019. Điều này phần nào làm dấy lên sự bất mãn dẫn đến bạo loạn ở thủ đô Honiara vào tháng 11/2021.
Hiện nay, Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất của quần đảo Solomon và miễn thuế cho 97% hàng hóa xuất khẩu từ quần đảo này.
Thái Bình Dương là "sân sau" của Australia
Trước đây, Australia từng hỗ trợ an ninh cho quần đảo Solomon và dẫn đầu một phái bộ an ninh được triển khai đến đây nhằm khôi phục trật tự sau khi xảy ra bạo loạn, theo lời đề nghị của Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare.
Hôm 24/3, khi được hỏi về khả năng quân đội Trung Quốc hoạt động ở quần đảo Solomon, Bộ trưởng Nội vụ AustraliaKaren Andrews đã nói với các phóng viên rằng, Thái Bình Dương là "sân sau" của Australia.
Bà Andrews nói: "Liên quan đến Trung Quốc, liên quan đến khu vực Thái Bình Dương, đó là sân sau của chúng tôi, đó là khu vực lân cận của chúng tôi, và chúng tôi rất lo ngại về bất kỳ hoạt động nào đang diễn ra ở các đảo Thái Bình Dương".
Hôm 25/3, Richard Marles - phó lãnh đạo phe đối lập của Australia - nói với tờ Channel Nine rằng, dự thảo thỏa thuận này là "thực sự đáng quan ngại".
Ông Marles kêu gọi chính phủ Australia cần làm "mọi điều có thể" để hỗ trợ quốc đảo Thái Bình Dương này, "để đảm bảo rằng Australia là đối tác đương nhiên được lựa chọn khi nói đến an ninh".
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton đã bác bỏ cáo buộc về việc chính phủ Australia "vứt quả bóng" ở Thái Bình Dương, và cho rằng Canberra có "mối quan hệ tuyệt vời" với quần đảo Solomon.
Ông Dutton cho biết, bất chấp việc cắt giảm tổng thể viện trợ nước ngoài, tỷ trọng dành cho Thái Bình Dương đã tăng lên. "Chúng tôi lo lắng về nguy cơ bất kỳ căn cứ quân sự nào được xây dựng ở đây và chúng tôi sẽ trao đổi về vấn đề này với chính quyền quần đảo Solomon".
Ông Dutton cảnh báo các quốc gia Thái Bình Dương: "Hãythực tế về dấu chân của Trung Quốc, nỗ lực của họ, áp lực của họ và cách thức họ tiến hành hoạt động kinh doanh.Tôi không nghĩ nó phù hợp với các giá trị mà chúng tôi chia sẻ với quần đảo Solomon, với Tonga và những láng giềng gần của chúng tôi trong khu vực".
Karen Galokale - Thư ký thường trực của Bộ Cảnh sát, An ninh Quốc gia và Dịch vụ Cải huấn ở quần đảo Solomon - cũng xác nhận đã ký một thỏa thuận hợp tác về chính sách với Trung Quốc về chính sách. Bà cũng cho biết, hai bên đang thảo luận về một thỏa thuận rộng hơn.
"Bất kỳ thỏa thuận nào khác về an ninh cũng sẽ giống như thỏa thuận với Australia", bà Galokale nói.
Australia có một thỏa thuận an ninh song phương với quần đảo Solomon được ký kết vào năm 2018, bao gồm việc triển khai lực lượng cảnh sát vũ trang.
Nhưng trong 5 năm qua, tại nhiều quốc đảo Thái Bình Dương, bao gồm Kiribati và Fiji, đã chứng kiến những hoạt động mạnh mẽ của các nhà ngoại giao Trung Quốc, các thương vụ xây dựng và di cư của Trung Quốc.
Lo lắng điều này, Mỹ và các đồng minh phương Tây, bao gồm Australia, đã tham gia vào một cuộc chạy đua tầm ảnh hưởng với Trung Quốc ở Thái Bình Dương.