Đất và người - xứ sở 'Núi tỏa hương'!

t và người - xứ sở 'Núi tỏa hương' là nét phác thảo về huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) nhân kỷ niệm 550 năm ra đời vùng đất này (1469- 2019) kể từ đời vua Lê Thánh Tông. Sử sách gọi là vùng đất phên giậu.

Hương Sơn xưa mang những tên khác nhau. Cổ nhất là huyện Việt Thường. Đời Lý và nhà Hồ là Đỗ Gia. Tên đẹp mang âm hưởng “núi tỏa hương” chính là Hương Sơn ra đời vào năm Kỷ Sửu- Quảng Thuận thứ 10 của vua Lê Thánh Tông. Thầy địa lý người Pháp Roland Bulateau cho rằng, Huyện này là vùng đất đẹp, nằm sát dãy Trường Sơn hùng vĩ vốn nhiều rừng rậm. Đồi núi, ruộng đồng, thung lũng đan xen. Đất đai màu mỡ, dân chúng giàu có, phong cảnh hữu tình với mấy điểm nhấn:

Có trên 10 làng cổ, xưa gọi là kẻ (kẻ Mui, kẻ Tàng, kẻ Mõ…). Núi non có Đại Hàm tên nôm là Giăng Màn – hậu duệ của Trường Sơn đẹp như tranh thủy mặc treo lửng lơ giữa trời xanh xứ Nghệ; Sông có Ngàn Phố khởi nguồn từ núi Đột Cốt. Đường có 2 “Ông Lớn” là đường số 8 chạy song song với dòng Ngàn Phố yểu điệu, nước xanh trong tựa mắt ngọc và đường mòn xuyên Việt, nay là đường Hồ Chí Minh tựa hai dải lụa đẹp vắt ngang, vắt dọc đất nước mang hình chữ S.

Nói vậy, nhưng Hương Sơn trước đổi mới vẫn là huyện nghèo. Sáng ăn khoai, trưa lại khoai, tối cơm độn khoai. Nhưng là đất hiếu học gắn với tình yêu đất nước dù trải ngọt bùi xen lẫn đắng cay qua thăng trầm lịch sử. Số lượng sinh viên đại học, cao đẳng tốt nghiệp năm nào cũng chiếm số lượng khá cao trong cả nước. Trong đó có nhiều GS.TS, giảng viên đại học, nhà văn, nhà báo... Chỉ riêng đời Nguyễn đã có 5 TS, 49 cử nhân, 2 Phó Bảng như Nguyễn Quán, Lê Kinh Thiền. Những người nổi tiếng sau đó như Nguyễn Khắc Viện, Đinh Xuân Lâm. Còn đại Danh y Lãn Ông Lê Hữu Trác dân Hưng Yên, năm 1746 về ở ẩn quê mẹ Hương Sơn bốc thuốc cứu nhân độ thế. Chỉ riêng họ Văn Đình ở Lạc Phố đã có 3 Quận công là Văn Đình Nhiệm, Văn Đình Dần và Văn Đình Úc.

Hương Sơn còn là nới “Đất lành chim đậu”, nổi danh phải kể đến Tống Tất Thắng, được danh sĩ La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp viết trong Đại Nam nhất thống chí là một tấm gương trung nghĩa, có thể sánh với tấm gương anh hùng, bất khuất Mai Hắc Đế. Họ Đinh Nho có hậu duệ nổi tiếng Đinh Tiên Hoàng thời Cờ Lau vào Hương Sơn lập nghiệp, nay có nhiều người học giỏi, đỗ đạt cao. Trong số đó có cố GS.TSKH, NGND Đinh Xuân Lâm, một trong 4 người tốp đầu giới sử học nước nhà Lâm- Lê – Tấn- Vượng (Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn và Trần Quốc Vượng).

Khép lại một thời trận mạc, gươm khua súng nổ lừng danh “Đêm đêm rầm rập như là đất rung”. Huyện Hương Sơn và 20 đơn vị: Đồn Biên phòng Cầu Treo, Lâm trường các xã: Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, Sơn Diện, Sơn Thủy, Sơn Bằng, Sơn Chân, Sơn Tân, Sơn Phố, Sơn Long... được Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Trước đó, vào thế kỷ thứ XV, ở làng Phúc Đậu, xã Sơn Phúc người anh hùng nông dân Nguyễn Tuấn Thiện, lập đội quân Cốc Sơn, hợp cùng nghĩa quân yêu nước của Lê Lợi đánh thắng giặc Minh, giải phóng Hương Sơn và nhiều địa phương khác. Cũng ở làng Phúc Đậu, thế kỷ XVII - thời vua Lê Cảnh Hưng phong tướng cho cụ Nguyễn Như Thùy là người nông dân có công lớn giữ gìn an ninh làng xóm của hơn một vạn dân xã Phúc Dương cũ.

Trước Cách mạng Tháng 8-1945 làng Tư Mỹ (Sơn Mỹ) vang dội tiếng trống Xô Viết của những năm 1930-1931 lịch sử không thể nào quên. Hồ Hảo - một người yêu nước - Bí thư huyện ủy Hương Sơn, theo gương cụ Phan Đình Phùng và tướng quân Cao Thắng… giương cao ngọn cờ chống ngoại xâm thời Cần Vương. Lý Chính Thắng, tên cúng cơm là Nguyễn Đắc Huỳnh (xã Sơn Lễ) có công lớn sáng lập Tổng Công đoàn Nam Bộ rồi giữ chức Tổng Thư ký Tổ chức này. Lý Chính Thắng là liệt sĩ với trái tim nóng bỏng ngừng đập vào ngày 30/9/1946 trong trận chiến ác liệt, đẫm máu tại làng An Phú Đông của Sài Gòn- Gia Định, thành đồng Tổ quốc đi trước về sau.

Cuộc trường chinh dài 3 thập kỷ đấu tranh giải phóng dân tộc (1946-1975) kế tiếp hơn chừng ấy năm vì sự nghiệp đổi mới đất nước cùng ngót 3 năm Quốc gia khởi nghiệp, Hương Sơn bằng nội lực chính mình cùng cả nước mang lại không ít thành tựu phát triển kinh tế- xã hội đáng nể.

Đời sống nhân dân được cải thiện. Là địa phương có nhiều thành tích tiêu biểu, dẫn đầu Hà Tĩnh trong xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, phát tiển nông thôn mới; chuyển đổi ruộng đất giai đoạn 2…Việc xây dựng Nông thôn mới năm 2018 đạt ngót 10.000 tỷ đồng, hoạt động dịch vụ đạt 42,67%, hơn một nửa số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Có 242 thôn/ 273 thôn, khối phố đạt danh hiệu tiêu chuẩn văn hóa… Dấu ấn là cuộc cách mạng vùng thuần nông độc canh lâu đời, nay tái cơ cấu kinh tế theo 4 hướng: Phát triển thủ công nghiệp; Thương mại; dịch vụ và du lịch.

Phương ngôn người Pháp chia tuổi tác thành 3 cung: 25 tuổi bạc, 50 tuổi vàng, 75 tuổi kim cương. Năm 2019- Kỷ Hợi, Hương Sơn tròn 550 tuổi (5,5 thế kỷ) vị chi gấp 7 lần tuổi kim cương. Đại thi hào Víchtor Hugo nói đời người có 3 mùa xuân: mùa xuân tuổi trẻ, mùa xuân trí tuệ và mùa xuân sức khỏe. Có thể nghĩ rằng, đất và người Hương Sơn có cả 3 mùa xuân, đủ làm rạng danh xứ sở mang âm hưởng “Núi tỏa hương”.

Mùa Thu này- 2019, Hương Sơn đang sôi nổi thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới, làm nhiều việc thiết thực thuộc về Quốc gia khởi nghiệp. Nóng nhất là thực hiện trong năm nay việc hợp nhất 10/29 xã của toàn huyện theo hai tiêu chí dân số và diện tích. Từ 10 xã rút gọn thành 4 xã; từ 10 bí thư, 10 chủ tịch còn lại 4 cho mỗi chức danh… Đây không đơn thuần là số học, đó là truyền thống cách mạng, nhân văn, là giải quyết số cán bộ, viên chức dôi dư… như thế nào để đảm bảo công bằng, tránh được việc chạy chức chạy quyền thời hợp nhất…

Khó khăn là thế, nhưng Hương Sơn đã, đang tỏa hương.

Nguyễn Xuân Lương

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dat-va-nguoi--xu-so-nui-toa-huong-post65941.html