'Đặt vòng hoa cho F-35, ngừng ném tiền vào lỗ chuột'
Chuyên gia Nga nói về 'đặt vòng hoa lên mồ chôn F-35', trong khi Quốc hội Mỹ cũng kêu gọi 'ngừng ném tiền vào lỗ chuột'.
Theo chuyên gia quân sự Nga Alexei Leonkov viết trên tuần báo Zvezda, cả Mỹ, cũng như Australia, Anh, Đan Mạch, Ý, Canada, Hà Lan, Na Uy và Thổ Nhĩ Kỳ đều chưa sẵn sàng “đặt vòng hoa lên mồ chôn” máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35 Lightning II của Mỹ, bởi vì kể từ khi chế tạo loại máy bay này chỉ là một “dự án thương mại thành công” còn có ý nghĩa rất kém về công nghệ và khả năng chiến đấu.
Theo tác giả, chiếc máy bay chiến đấu Mỹ nên được coi là người khuyết tật bởi nó cùng một lúc gặp phải rất nhiều vấn đề, trong khi giá thành thực sự cắt cổ.
“Mỗi chiếc F-35 có giá 100 triệu USD và toàn bộ chương trình mua sắm kể cả chi phí vận hành lên đến 1,5 nghìn tỷ USD” - tác giả nhắc lại.
Theo nhà quan sát, công nghệ tàng hình “đã tỏ ra vô dụng trước các radar chống tàng hình hoạt động ở băng sóng L (sóng decimet) và sóng milimet (băng sóng Ka)”. Tuy nhiên, sự vô dụng của công nghệ tàng hình “không thực sự là vấn đề kỹ thuật, mà liên quan đến danh mục ngân sách và tài chính”.
Ông Leonkov bằng bài viết này đã ủng hộ bài báo đăng trên số ra tháng 2 của tạp chí Mỹ Forbes, trong đó có ý kiến nhận định rằng cuộc đàm phán của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ về nhu cầu chế tạo máy bay chiến đấu hạng nhẹ loại mới có vẻ giống một “sự thừa nhận ngầm” rằng, chương trình chế tạo F-35 Lightning II đã thất bại.
Tờ báo đưa tin của Popular Mechanics, trích dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Hạ viện Hoa Kỳ về các lực lượng vũ trang Adam Smith, gọi máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm Lockheed Martin F-35 Lightning II là “cái lỗ chuột”.
Theo vị nghị sĩ đảng Dân chủ, chiếc máy bay này cần được thay thế bằng những phi cơ khác. Theo chủ tịch ủy ban, Lầu Năm Góc cần cắt giảm chi phí cho F-35 Lightning II. “Tôi muốn ngừng ném tiền vào cái hố chuột này” – vị chính trị gia Mỹ nói.
Theo Smith, chi phí bảo trì F-35 Lightning II quá cao và khó có thể cắt giảm trong một khoảng thời gian hợp lý.
Popular Mechanics lưu ý rằng, nghị sĩ đại diện cho khu vực ở bang Washington, nơi đặt nhà máy của Boeing, trong số các sản phẩm xuất xưởng có máy bay chiến đấu F-15EX Eagle và F/A-18E/F Super Hornet.
Ấn phẩm thừa nhận rằng Smith có lý khi nói là chương trình chế tạo Máy bay Tấn công chung (Joint Strike Fighter - JSF, với mục đích chế tạo F-35 Lightning II) ngốn nhiều tiền, nhưng lưu ý rằng quá nhiều quốc gia đặt mua máy bay chiến đấu này, do đó khó có khả năng hủy bỏ chương trình.
Tạp chí cho rằng, Lầu Năm Góc đã tự dồn chính mình, các nhà thầu quốc phòng, người nộp thuế và các đồng minh nước ngoài của Mỹ vào chân tường, mà không có cách nào thoát ra được.