DATC nghiên cứu phương pháp 'Thu nợ chiết khấu'
Thu nợ chiết khấu là phương pháp chủ nợ khuyến khích khách nợ trả nợ trước thời hạn đã thỏa thuận thông qua việc giảm trừ giá trị khoản nợ có áp dụng biện pháp dòng tiền chiết khấu nhằm mục tiêu giảm thiểu tối đa rủi ro cho chủ nợ trong quá trình thu hồi nợ. Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) hiện đang nghiên cứu, từng bước đưa phương pháp 'Thu nợ chiết khấu' vào hoạt động mua bán, xử lý nợ tại Việt Nam.
Kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 69/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, hàng loạt tổ chức tư nhân có chức năng mua bán, xử lý nợ ra đời, hoạt động trên thị trường mua bán nợ Việt Nam. Cùng với các tổ chức mua bán, xử lý do Chính phủ thành lập như: DATC và Công ty quản lý và khai thác tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) ra đời, hoạt động của các tổ chức tư nhân đã tạo nên một thị trường mua bán nợ cạnh tranh, qua đó thúc đẩy công tác xử lý nợ xấu của toàn bộ nền kinh tế theo định hướng của Chính phủ.
Trước bối cảnh đó, để giữ vững vị thế, tạo đà phát triển trong dài hạn, DATC đã có những giải pháp trong hoạt động kinh doanh như: Tăng cường trao đổi, hợp tác với các tổ chức tín dụng, tổ chức xử lý nợ, doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm mở rộng phạm vi xử lý nợ; Đồng thời, phát huy các yếu tố nội lực sẵn có đó là nghiên cứu, áp dụng các phương pháp xử lý nợ mới, mang lại hiệu quả cao dựa trên kinh nghiệm của quốc gia có thị trường xử lý nợ chuyên nghiệp như: Châu Âu, Hàn Quốc, Thái Lan… Một trong số đó là phương pháp xử lý nợ “Thu nợ có chiết khấu” đã được Công ty quản lý tài sản Sukhumvit – Thái Lan (SAM) đã và đang áp dụng thành công tại quốc gia này.
"Thu nợ chiết khấu” là hình thức giảm trừ vào giá bán trong trường hợp mua/bán với một số lượng cụ thể, mang lại lợi ích trong việc đẩy nhanh quá trình thu hồi nợ, giảm chi phí trích lập dự phòng các khoản nợ phải thu khó đòi… Đây cũng là phương pháp mà chủ nợ khuyến khích khách nợ trả nợ trước thời hạn đã thỏa thuận thông qua việc giảm trừ giá trị khoản nợ có áp dụng biện pháp dòng tiền chiết khấu nhằm mục tiêu giảm thiểu tối đa rủi ro cho chủ nợ trong quá trình thu hồi nợ.
Theo kinh nghiệm của SAM, đây là phương pháp được áp dụng đối với các đối tượng khách nợ có khả năng thanh toán sớm khoản nợ trong vòng 06 tháng kể từ khi 02 bên ký kết hợp đồng hoặc đối với các khách nợ có khả năng tái cơ cấu, phục hồi sản xuất kinh doanh để có nguồn trả nợ trong trung, dài hạn.
Áp dụng hình thức xử lý nợ bằng phương pháp “Thu nợ có chiết khấu” mang lại những lợi ích to lớn cho các bên tham gia, đối với khách nợ là giảm nghĩa vụ trả nợ, có nguồn vốn để tiếp tục đầu tư, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời đối với chủ nợ là thu hồi dòng tiền chắc chắn, tiết kiệm chi phí thu hồi, xử lý nợ so với những hình thức xử lý nợ khác.
Trong hoạt động của DATC hiện nay, việc áp dụng phương pháp “Thu nợ chiết khấu” về bản chất là giảm trừ giá trị khoản nợ, xóa nợ phải tuân thủ các quy định tại Thông tư số 135/2015/TT-BTC về điều lệ hoạt động. Tuy nhiên, theo quy định của Thông tư số 135/2015/TT-BTC, DATC chỉ được giảm nợ, xóa nợ theo khung nhất định mà chưa thể chủ động quyết định phương án giảm nợ, xóa nợ trong khi vẫn đảm bảo hiệu quả phương án xử lý nợ, bảo toàn vốn Nhà nước.
Chính vì vậy, điều này làm giảm sự cạnh tranh của các Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản nói chung và DATC nói riêng với các tổ chức xử lý nợ tư nhân, khi mà các tổ chức xử lý nợ tư nhân hoàn toàn có thể chủ động áp dụng phương pháp này mà không bị điều chỉnh pháp luật do hoàn toàn chủ động về cơ chế hoạt động và nguồn lực tài chính.
Thực tế hoạt động mua bán, xử lý nợ tại Việt Nam thời gian qua cho thấy các tổ chức xử lý nợ do Chính phủ thành lập như DATC vẫn giữ vai trò dẫn dắt, tạo lập thị trường mua bán nợ do nguồn lực nội tại của các tổ chức xử lý nợ trên thị trường còn tương đối hạn chế, đặc biệt là các tổ chức xử lý nợ tư nhân mới thành lập còn thiếu kinh nghiệm, nguồn nhân lực, tài chính để tham gia xử lý nợ.
Chính vì vậy, việc bổ sung các chức năng, cơ chế hoạt động cho tổ chức xử lý nợ do Chính phủ thành lập như DATC là cần thiết để từng bước chuyên nghiệp hóa thị trường mua bán, xử lý nợ tại Việt Nam.
Có thể nói, trong bối cảnh xử lý nợ xấu, tái cơ cấu doanh nghiệp được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong trụ cột tái cấu trúc nền kinh tế đất nước, thì tiến trình và kết quả tái cơ cấu luôn nhận được sự quan tâm cao của dư luận. Khi nền kinh tế vĩ mô còn gặp nhiều thách thức, những bất cập trong hoạt động của khối doanh nghiệp, trong đó, gồm các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang lộ rõ. Hậu quả của thời gian dài chạy theo tăng trưởng nóng, sử dụng quá nhiều vốn vay, trong khi các dự án đầu tư không hiệu quả; công tác quản lý yếu kém; sản phẩm ứ đọng, không có đầu ra... khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng nợ nần chồng chất.
Nhiều doanh nghiệp không có nguồn tài chính để thanh toán các khoản nợ đến hạn, trong đó, chủ yếu là các khoản vay của ngân hàng thương mại. Khi doanh nghiệp không có khả năng thanh toán nợ đến hạn, các ngân hàng cắt đứt quan hệ tín dụng, khiến doanh nghiệp không còn vốn để duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh, đối diện với nguy cơ phá sản. Việc có tổ chức đứng ra mua lại các khoản nợ, xử lý nợ của doanh nghiệp, được coi như giải pháp “tiếp máu” cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp đang suy kiệt có thể hồi sinh và tiếp đó là tái cơ cấu giúp doanh nghiệp phát triển. Song hành cùng với đó thì công tác thu nợ là nhiệm vụ đặt ra hết sức nặng nề. Và làm thế nào để thu hồi nợ hiệu quả, luôn được DATC đặt lên là nhiệm vụ hàng đầu. Giải bài toán này, DATC hiện đang nghiên cứu, từng bước đưa phương pháp “Thu nợ chiết khấu” vào hoạt động mua bán, xử lý nợ tại Việt Nam.