Dấu ấn 3 nhà văn TPHCM
Trại sáng tác văn học về đề tài 'Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng' năm 2024 tại Nhà sáng tác Tam Đảo (Vĩnh Phúc) vừa khép lại (từ ngày 15 đến 29-8). Trại có sự tham dự của 15 nhà văn đến từ ba miền đất nước. Đây là hoạt động hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-2024).
1. 3 nhà văn TPHCM tham gia trại sáng tác là các nhà văn An Bình Minh, Nguyễn Minh Ngọc và Châu La Việt. Đánh giá về các tác giả, Trung tá Xuân Hùng, Trưởng phòng Biên tập sách văn nghệ, Nhà xuất bản (NXB) Quân đội nhân dân, Trưởng trại sáng tác, cho biết, đây đều là những tác giả có tâm huyết, có uy tín sáng tác về đề tài người chiến sĩ quân đội những năm qua. Mỗi người có một phong cách sáng tác riêng nhưng đều rất gắn bó với đề tài người lính; thời gian qua đã gặt hái được nhiều thành tích văn học xuất sắc, có những tác phẩm nổi trội, gây được ấn tượng trong lòng bạn đọc.
Nhà văn An Bình Minh trong chiến tranh nguyên là pháo thủ chiến đấu tại bầu trời Đông Bắc Tổ quốc, nhà văn Châu La Việt là lính phòng không chiến đấu tại Đường 7 - Cánh đồng Chum, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc trẻ hơn, nhiều năm công tác tại Trường sĩ quan Không quân và sau này là Trưởng đại diện NXB Quân đội tại TPHCM. Đều trải qua môi trường quân đội, vốn sống về người lính luôn đầy ắp trong họ, có cảm giác như cứ cầm bút lên là họ viết nên tác phẩm.
Mỗi nhà văn đều đã ra mắt độc giả trên dưới 20 tác phẩm là tiểu thuyết, trường ca, bút ký, truyện ngắn… phần lớn đều viết về người lính và cuộc kháng chiến của dân tộc. Các tác phẩm đều được bạn đọc đón nhận nhiệt tình, góp phần làm phong phú thêm dòng văn học về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng.
Có lẽ cũng chính bởi sự thủy chung về đề tài người lính cùng những nỗ lực văn chương mà những năm qua, cả 3 nhà văn An Bình Minh, Châu La Việt, Nguyễn Minh Ngọc đều liên tục được mời tham gia các trại viết quân đội, khi ở Cần Thơ, lúc ở Đà Nẵng và nay ở Tam Đảo. Và ở đâu, họ cũng có những tác phẩm xuất sắc, ghi đậm dấu ấn cho dòng văn học về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng.
Năm 2016, tại Trại sáng tác văn học đề tài về “Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng” tổ chức ở TP Đà Lạt, 3 nhà văn trên 70 tuổi là Hà Phạm Phú, Hà Đình Cẩn và Chu Lai đã cùng lái xe từ Hà Nội vào tham gia trại. Và chính tại trại viết kéo dài hơn 3 tháng này, nhà văn Chu Lai đã hoàn tất tiểu thuyết Mưa đỏ.
Ngay sau khi xuất bản, Mưa đỏ đã nhận nhiều giải thưởng lớn, được chuyển thể thành nhiều dạng nghệ thuật mà mới đây nhất là vở chèo do Nhà hát chèo Hải Phòng dàn dựng. Mưa đỏ đã được chọn chuyển thể thành dự án điện ảnh quy mô lớn nhất của điện ảnh quân đội trong vòng 20 năm qua, ra mắt khán giả nhân dịp kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám (19-8-1945 - 19-8-2025). Để thực hiện bộ phim, các nhà sản xuất đã xây dựng phim trường rộng hơn 50ha tại Quảng Trị, tái hiện trận chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.
2. Mặc dù thời gian trại sáng tác không dài, nhưng với vốn sống, với chất liệu đã được nuôi dưỡng suốt hơn nửa thế kỷ, cả 3 nhà văn đều có các tác phẩm được ban lãnh đạo trại sáng tác đánh giá cao.
Đó là tiểu thuyết Hoa lửa của nhà văn An Bình Minh, với hơn 200 trang viết nóng bỏng về cuộc chiến đấu hào hùng của bộ đội Phòng không - Không quân bảo vệ vùng trời Quảng Ninh và vùng Đông Bắc Tổ quốc trong những ngày tháng chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ mà bản thân tác giả cũng là một người trong cuộc.
Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc thì thể hiện sự sắc sảo và hóm hỉnh với tiểu thuyết Học viên sĩ quan, không chỉ đầy ắp tư liệu chân xác, cách hành văn đầy thú vị và hấp dẫn mà quan trọng nhất đây là một tác phẩm hiếm hoi viết về công tác đào luyện sĩ quan hiện nay. Cũng trong tác phẩm này, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc đã thể hiện ưu điểm chính của anh khi luôn bám sát hơi thở cuộc sống, luôn theo sát nhịp quân hành của quân đội hôm nay.
Còn với nhà văn Châu La Việt, tại trại sáng tác lần này, ông quay lại với thể loại trường ca vốn đã góp phần làm nên tên tuổi của mình qua những tác phẩm như Dòng sông thơm hương cỏ xương bồ hay Người chiến binh mang tên sông Thạch Hãn.
Và tại trại sáng tác ở Nhà sáng tác Tam Đảo, ông đã hoàn tất trường ca Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh với gần 1.000 câu thơ mà như nhận xét của những người bạn lính tại trại sáng tác là “không hoa mỹ, dễ nhớ, dễ thuộc nhưng đậm chất lính, xúc động”. Đó cũng chính là ưu điểm của Châu La Việt, cả ở văn chương lẫn thơ ca, tất cả đều hướng về người chiến sĩ, giản dị, rất dễ thuộc như những bài ca dao, hò vè.
Trại sáng tác văn học đề tài về “Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng” do NXB Quân đội nhân dân phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật Bộ VH-TT-DL tổ chức thường niên (chỉ tạm dừng trong năm 2021 do dịch Covid-19). Trại sáng tác năm 2024 có nhiều cây bút tên tuổi tham gia như: Sương Nguyệt Minh, Hoàng Quảng Uyên, An Bình Minh, Nguyễn Minh Ngọc, Mai Nam Thắng, Nguyễn Nhuận Hồng Phương, Hoàng Dự, Trần Nguyên Mỹ, Hà Lâm Kỳ, Văn Xương, Trần Khánh Toàn, Châu La Việt… cùng các cây bút trẻ hơn như Tạ Thị Thanh Hải, Cao Nguyệt Nguyên.
Chỉ tính riêng tại trại sáng tác năm 2023 (TP Đà Nẵng), các nghệ sĩ đã cho ra đời 17 bản thảo với gần 20.000 trang viết, trong đó có 11 tiểu thuyết, 1 trường ca, 4 tập bút ký và 1 chuyên luận phê bình văn học. Trong số đó, có những tác phẩm nổi bật như Rừng mặn của nhà văn Hà Đình Cẩn, Chiến binh và cuộc đụng đầu lịch sử của Nguyễn Trọng Tân, Vầng trăng Him Lam của Châu La Việt, Miền cỏ tranh của Nguyễn Minh Ngọc, Im lặng sống của An Bình Minh…
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dau-an-3-nha-van-tphcm-post756702.html