Dấu ấn 70 năm hợp tác đào tạo Việt Nam - Liên Xô/Liên bang Nga
'Tôi nhớ khi tôi tốt nghiệp, các bà mẹ Nga cứ ôm chúng tôi khóc. Các mẹ nói chúng tôi nên ở đây bay thêm, vì khi đó chúng tôi còn rất trẻ và số giờ bay cũng ít', Trung tướng Phạm Tuân chia sẻ.
Sáng 30/12, Báo Quân đội Nhân dân phối hợp với Cục Đối ngoại - Bộ Quốc phòng đồng tổ chức Tọa đàm “70 năm hợp tác đào tạo Việt Nam - Liên Xô/Liên bang Nga: Dấu ấn vượt thời gian”.
Tọa đàm được tổ chức nhân kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Liên Xô/Liên bang Nga (30/1/1950 - 30/1/2020), 25 năm ký kết "Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam - Liên bang Nga" (1994 - 2019).
Tọa đàm khẳng định hợp tác đào tạo giữa Việt Nam - Liên Xô/Liên bang Nga góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, là một trong những động lực quan trọng trong quá trình xây dựng, chiến đấu và chiến thắng của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Tọa đàm có sự tham gia của các nhân chứng của mối quan hệ truyền thống hữu nghị, thủy chung, son sắt Việt Nam - Liên Xô/Liên bang Nga. Họ là những người đã từng sống và học tập, được đào tạo, tôi rèn ở nước bạn qua các thời kỳ khác nhau, đặc biệt là thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Trong số đó có Trung tướng Phạm Tuân, người Việt Nam đầu tiên, người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ, người được vinh dự trao danh hiệu Anh hùng Liên Xô; Thượng tướng Võ Văn Tuấn, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, một trong những phi công tiêm kích SU-27 đầu tiên của Việt Nam.
"Tôi nhớ khi tôi tốt nghiệp, các bà mẹ Nga cứ ôm chúng tôi khóc. Các mẹ nói chúng tôi nên ở đây bay thêm, vì khi đó chúng tôi còn rất trẻ và số giờ bay cũng ít", Trung tướng Phạm Tuân chia sẻ.
Trung tướng Phạm Tuân đề nghị cần nghiên cứu trên cơ sở thiết thực hơn, tiếp tục đổi mới quan hệ để tận dụng sự giúp đỡ của nước bạn nhiều hơn, để bạn tin rằng chúng ta là một đối tác tin cậy.
Còn đối với Trung tướng Võ Văn Tuấn "Có lẽ không có quan hệ nào trải qua được thăng trầm như thế, từ khó khăn gian khổ, hàn vi, cho đến lúc chúng ta may mắn, sung sướng. Trong quan hệ quốc tế, có lẽ chỉ có Việt Nam - Liên Xô/Liên bang Nga".
"Bộ đội Tăng Thiết Giáp có chuyện gì liên quan đến xe tăng thì đều có sự giúp đỡ của Liên Xô ngày đó. Trong suốt quá trình đó, đã có rất nhiều cán bộ Tăng Thiết Giáp từng được đào tạo ở đó, đã trở thành những cán bộ chủ chốt của Binh chủng Tăng Thiết Giáp", Đại tá Hoàng Văn Lợi, Phó Chính ủy Binh chủng Tăng Thiết Giáp, cho hay.