Dấu ấn Bạch Đằng Giang, khu di tích '3 không'
Trong khi nhiều điểm du lịch, khu di tích chen đặc hàng rong, ngập trong rác, buôn thần bán thánh thì có một nơi được du khách ca ngợi với dấu ấn 3 không: Không mất tiền, không rác thải, không hàng quán. Đó là khu di tích lịch sử Quốc gia Bạch Đằng Giang, ở huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng.
Mặc dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tuy nhiên trong những ngày đầu xuân mới Tân Sửu 2021, khách thập phương vẫn nườm nượp đổ về khu di tích Bạch Đằng Giang (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) du xuân.
Điều đáng nói, trong khi nhiều điểm du lịch, khu di tích có hiện tượng hàng rong, buôn thần bán thánh thì khu di tích này được du khách ca ngợi với dấu ấn "3 không": Không mất tiền, không rác thải, không hàng quán.
Khu di tích Bạch Đằng Giang được xây dựng tại vùng đất Tràng Kênh - Bạch Đằng, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng. Vùng đất này là địa danh nổi tiếng với 3 trận thủy chiến trong lịch sử hào hùng của cha ông ta chống quân xâm lược. Những trận chiến lịch sử vang dội đó gắn liền với tên tuổi các bậc hào kiệt: Đức Vương Ngô Quyền, Vua Lê Đại Hành và Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.
Khu di tích Bạch Đằng Giang được xây dựng để tưởng nhớ các vị anh hùng dân tộc lập nên những chiến thắng vang dội trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử. Trong đó, có các công trình tiêu biểu như: Trụ Chiến thắng khắc bảy chữ "Giang san vượng khí Bạch Đằng thâu" (tạm dịch là "Khí thiêng sông núi đọng lại ở chốn Bạch Đằng") và lưu khắc công lao và thần tích của Đức vua Ngô Quyền, Lê Đại Hành Hoàng đế và Đức Thánh Trần....
Đền Tràng Kênh thờ Đức Vương Ngô Quyền - người khai sinh trận địa cọc Bạch Đằng, đánh thắng quân Nam Hán năm 938, chấm dứt 1117 năm Bắc thuộc, mở ra nền văn minh Đại Việt. Đền Tràng Kênh Vọng Đế thờ Đức Vua Lê Đại Hành, người vào năm 981 tái tạo lại trận địa cọc của Ngô Quyền, có công đánh quân Tống, bình Chiêm, đưa Đại Cồ Việt ngang hàng với Đại Hán. Linh từ Tràng Kênh thờ Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, người có công ba lần đánh bại quân Nguyên Mông và đỉnh cao là chiến thắng Bạch Đằng 1288, đập tan dã tâm xâm lược nước ta của đế chế Nguyên Mông, mở ra nền văn minh Đông A rực rỡ.
Cùng với đó là các công trình Trúc Lâm tự Tràng Kênh; đền thờ Thánh Mẫu; đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh; khu nhà bảo tàng và Quảng trường Chiến thắng...
Vào cuối năm vừa qua, Khu di tích Bạch Đằng Giang đã được xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành cho rằng các chiến thắng trên sông Bạch Đằng đều là những dấu mốc đặc biệt quan trọng trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc và đều mở ra một thời kỳ hòa bình lâu dài, phát triển thịnh vượng của đất nước. Tất cả những điều đó làm cho dòng sông Bạch Đằng ngàn năm qua trong tâm thức của mọi người dân Hải Phòng luôn là dòng sông huyền thoại, linh thiêng, là mạch nguồn sức mạnh kỳ diệu của dân tộc.
Theo Bí thư Lê Văn Thành, niềm tự hào về dòng sông Bạch Đằng, về những chiến thắng vĩ đại trong lịch sử dân tộc đã góp phần hun đúc nên bản sắc, phẩm chất của các thế hệ người dân Hải Phòng. Đó là tinh thần trung kiên, ý chí kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Phẩm chất đó đã được phát huy liên tục trong suốt dòng chảy lịch sử hàng ngàn năm cho tới ngày nay và trở thành nguồn lực, sức mạnh nội sinh trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố.
Trong những ngày đầu xuân, du khách thập phương đổ về khu di tích này cảm thấy hài lòng là nơi đây không giống như nhiều điểm di tích văn hóa tâm linh khác đang lộn xộn trong việc quản lý các dịch vụ. Bạch Đằng Giang nổi lên như một điểm sáng về công tác quản lý với tiêu chí "3 không": Không phí dịch vụ, không rác thải và không hàng quán.