Dấu ấn chuyển đổi số ở huyện Tư Nghĩa

Huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) xác định chuyển đổi số (CĐS) là nhiệm vụ quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, công tác CĐS trên địa bàn đã có những chuyển biến tích cực.

Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa) Lê Thị Mỹ Nương cho biết, xã đã tích cực tuyên truyền lợi ích của CĐS cho người dân trên địa bàn thông qua các cuộc họp.

Các thành viên trong Tổ Công nghệ số cộng đồng xã đã “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” để tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng và cài đặt một số ứng dụng cơ bản, như các phần mềm về thanh toán không dùng tiền mặt, chi trả trợ cấp xã hội, người có công không dùng tiền mặt.

Thời gian qua, huyện Tư Nghĩa tập trung truyền thông về CĐS trước để nâng cao nhận thức cho toàn dân về tầm quan trọng của CĐS.

Huyện đã phát sóng 45 tin, bài và 55 lượt chuyên mục tuyên truyền liên quan đến công tác cải cách hành chính, CĐS. Đồng thời, đưa thông tin CĐS lên các trang thông tin điện tử, bản tin nội bộ, tổ chức hội thi tuyên truyền cải cách hành chính và CĐS...

Thị trấn Sông Vệ (Tư Nghĩa) phối hợp với Vietcombank Quảng Ngãi tuyên truyền “Tuyến đường thanh toán không dùng tiền mặt”.

Thị trấn Sông Vệ (Tư Nghĩa) phối hợp với Vietcombank Quảng Ngãi tuyên truyền “Tuyến đường thanh toán không dùng tiền mặt”.

Đi đôi với tuyên truyền, huyện tập trung phát triển hạ tầng số để tạo động lực phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn.

Đến nay, 100% các phòng, ban, đơn vị và UBND huyện đều có mạng nội bộ và kết nối Internet; 100% cán bộ, công chức cấp huyện và cấp xã đều sử dụng máy tính.

Hệ thống máy tính của các cơ quan, đơn vị được kết nối Internet, hạ tầng băng thông rộng cáp quang tốc độ cao, tạo điều kiện cho các máy trạm truy cập nhanh chóng, hiệu quả và tiết kiệm.

Toàn huyện có 100% thôn, khu dân cư trên địa bàn các xã đã được phủ sóng di động 4G; triển khai mạng số liệu chuyên dùng tại UBND huyện và UBND các xã phục vụ việc quản lý, điều hành chung của huyện.

Nhờ hạ tầng số phát triển, đến nay, 100% cán bộ, công chức các phòng, ban cấp huyện, cấp xã xử lý văn bản, hồ sơ công việc (trừ hồ sơ mật) trên môi trường mạng, tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 100%, tỷ lệ cấp kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử đạt 100%.

Toàn huyện có 100% xã, thị trấn đã được phủ sóng di động 3G/4G; mạng truyền dẫn cáp quang tới trung tâm xã đạt 100%; gần 60% hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng; 100% công dân từ 14 tuổi trở lên dùng thẻ CCCD.

Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Tư Nghĩa Trần Nam Giang chia sẻ, nhờ đầu tư hạ tầng số, đến nay huyện thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho 100% đối tượng an sinh xã hội. Huyện đã họp bàn chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt cho đối tượng người có công trên địa bàn huyện giai đoạn 2023 - 2025.

Theo Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Nguyễn Đăng Vinh, trong thời gian đến, huyện tiếp tục hoàn thiện hạ tầng số; phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Chú trọng sử dụng các cơ sở dữ liệu dùng chung, nền tảng số được kết nối, chia sẻ của tỉnh và kết nối với bộ, ngành trung ương để phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Đồng thời, đầu tư hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình và đạt 100% cấp xã; phấn đấu trên địa bàn huyện không còn vùng lõm sóng điện thoại di động, thu hẹp khoảng cách số.

Triển khai đồng bộ, quyết liệt từ huyện đến xã, thị trấn Bộ chỉ số đánh giá CĐS tỉnh Quảng Ngãi.

Theo TRƯỜNG AN (Báo Quảng Ngãi)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dau-an-chuyen-doi-so-o-huyen-tu-nghia-2340794.html