Dấu ấn của Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quyết trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945

Đại tướng Nguyễn Quyết đã ra đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng những cống hiến to lớn, đặc biệt xuất sắc của ông đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Quân đội và dân tộc sẽ còn mãi mãi. Đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội, Đại tướng Nguyễn Quyết đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm, góp phần xây dựng nên 'Thủ đô văn hiến và anh hùng'. Nổi bật nhất phải kể đến là vai trò của người Bí thư Thành ủy trẻ tuổi đã cùng Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố nhạy bén, sáng tạo phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, có tác dụng cổ vũ, thúc đẩy các địa phương giành chính quyền.

Bí thư Thành ủy tuổi 23

Đồng chí Nguyễn Quyết sinh năm 1922, quê xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên - Mảnh đất giàu truyền thống văn hóa và đấu tranh cách mạng. Năm 15 tuổi, người thiếu niên yêu nước Nguyễn Quyết rời quê lên Hà Nội, làm Thư ký kiêm phát hành cho Báo Đuốc Tuệ - Tờ báo của Trung tâm Phật giáo Bắc Kỳ có trụ sở ở phố Quán Sứ. Có điều kiện gần gũi công nhân, người lao động thành phố và hiểu được nỗi thống khổ của người dân mất nước, tiếp xúc với báo chí cách mạng, sớm được giác ngộ và tích cực tham gia các hoạt động cách mạng ở Hà Nội, trở thành người cộng sản và bị mật thám đưa vào “sổ đen” theo dõi.

Năm 1939, được tổ chức đưa về Hưng Yên hoạt động, qua thử thách, năm 1940, đồng chí Nguyễn Quyết được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Cuối tháng 8-1943, Xứ ủy Bắc Kỳ chỉ định đồng chí Nguyễn Quyết tham gia Ban Cán sự Đảng Hà Nội, được phân công phụ trách xây dựng căn cứ ngoại thành và công tác vận động công nhân. Cùng với các đồng chí của mình, đồng chí Nguyễn Quyết đã xây dựng được nhiều cơ sở mới ở nội, ngoại thành, tích cực làm công tác phát triển Đảng..., góp phần vào sự phát triển phong trào cách mạng ở Hà Nội.

Đến mùa hè năm 1944, đồng chí Nguyễn Quyết được Trung ương Đảng triệu tập tham dự lớp học quân sự diễn ra gần một tháng tại tỉnh Thái Nguyên để chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa. Khi trở lại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Quyết được Thành ủy Hà Nội phân công Phụ trách công tác quân sự. Vài tháng sau, đồng chí Nguyễn Quyết được chỉ định làm Bí thư Thành ủy Hà Nội thay đồng chí Lê Quang Đạo đi nhận nhiệm vụ khác.

 Gặp gỡ thân mật các cán bộ, đội viên tự vệ chiến đấu đã tham gia Khởi nghĩa Tháng Tám ở Hà Nội (đồng chí Nguyễn Quyết - hàng trước, thứ 3 từ trái sang). Ảnh tư liệu

Gặp gỡ thân mật các cán bộ, đội viên tự vệ chiến đấu đã tham gia Khởi nghĩa Tháng Tám ở Hà Nội (đồng chí Nguyễn Quyết - hàng trước, thứ 3 từ trái sang). Ảnh tư liệu

Từ đây, trên cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội, bằng kiến thức được tích lũy và với kinh nghiệm thực tiễn phong phú, đồng chí Nguyễn Quyết đã lãnh đạo quân và dân Hà Nội tiến hành chuẩn bị mọi mặt cho công cuộc khởi nghĩa giành chính quyền. Hơn lúc nào hết, hình ảnh người Bí thư Thành ủy trẻ tuổi đầy nhiệt huyết, giàu bản lĩnh và trí tuệ đã trở thành điểm tựa vững chắc cho quân dân Hà Nội trong những ngày Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Điểm cần nhấn mạnh, vào thời điểm Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí Nguyễn Quyết khi đó mới 23 tuổi đời, 5 năm tuổi Đảng, nhưng đã đảm trách một vị trí đặc biệt quan trọng ở mảnh đất Đông Đô - Thăng Long - Hà Nội, nơi hội tụ, kết tinh hồn thiêng núi sông, và cũng chính tại mảnh đất này đã ghi dấu đậm nét phong cách lãnh đạo của vị Bí thư Thành ủy trẻ tuổi.

Nói về đồng chí Nguyễn Quyết, đồng chí Trường Chinh nhấn mạnh: “Trong thời cơ lịch sử có một không hai đó, đã xuất hiện những con người thông tuệ được tôi luyện trong môi trường cách mạng, những trái tim và khối óc không chỉ dựa vào lòng yêu nước nồng nàn mà còn có tư chất tuyệt vời, phán đoán sắc sảo về khả năng thắng lợi của cách mạng với sự nhạy cảm thời cuộc đặc biệt. Ban Lãnh đạo của Hà Nội khi đó toàn những người trẻ tuổi, dưới 30, mà người đứng đầu là Bí thư Thành ủy Nguyễn Quyết mới ở tuổi 23 và kinh qua 6 năm tôi luyện trong đấu tranh cách mạng. Thật là tuyệt vời”.

Quyết định lịch sử với Thủ đô

Ngày 15-8-1945, Nhật đầu hàng đồng minh, thời cơ Tổng khởi nghĩa đã đến. Đảng phát động toàn dân nổi dậy khởi nghĩa. Lãnh tụ Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào cả nước đứng dậy “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Đáp lại lời kêu gọi đó, đồng bào cả nước đồng loạt đứng dậy tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở khắp các địa phương; trong đó, khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội là một điển hình về phát huy sức mạnh của nhân dân. Đến gần ngày khởi nghĩa, Đảng bộ Hà Nội tuy chỉ có 50 đảng viên nhưng là một Đảng bộ mạnh. Trong hoàn cảnh khó khăn, mỗi đảng viên từ Thành ủy đến các đồng chí phụ trách các đoàn thể, lực lượng vũ trang... đều xác định tinh thần sẵn sàng hy sinh, chịu đựng gian khổ, đoàn kết nhất trí và đã phát huy cao độ tinh thần độc lập, sáng tạo, tìm mọi cách để hoàn thành nhiệm vụ.

Quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, để nắm chắc thời cơ ngàn năm có một và với tinh thần “Dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”, ngày 15-8-1945, tại chùa Hà (nay thuộc phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy), Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quyết triệu tập Hội nghị Quân sự bất thường với chỉ huy các đội tự vệ để kiểm tra và thống nhất lực lượng, phân công chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Sau khi thảo luận dân chủ, sôi nổi về thời cơ, tận dụng thời cơ, về phương thức và lực lượng khởi nghĩa, Hội nghị quyết định phải tổ chức một đợt hoạt động nhanh nhưng thật mạnh mẽ để tập hợp lực lượng, thu hút đông đảo quần chúng tham gia và thăm dò thái độ của quân phát xít Nhật.

Bám sát diễn biến tình hình, nhận thấy thái độ của quân Nhật “án binh bất động”, cố thủ trong doanh trại, đêm 17-8-1945, Bí thư Thành ủy Nguyễn Quyết triệu tập hội nghị, bàn bạc và nhận định: Địch đã khủng hoảng đến cao độ, tan rã, mất tinh thần, tạo đủ điều kiện cho ta Tổng khởi nghĩa hoàn toàn thắng lợi, nếu chậm là mất thời cơ. Hội nghị quyết định phải khởi nghĩa ngay, nếu để kéo dài thì gặp khó khăn. Nhưng, làm ngay hôm sau thì không kịp chuẩn bị và huy động lực lượng. Tất cả đều nhất trí khởi nghĩa vào sáng ngày 19-8-1945 với kế hoạch chung là tổ chức mít tinh hiệu triệu quần chúng đánh đổ chính quyền bù nhìn, sau đó biến thành cuộc biểu tình tuần hành vũ trang thị uy xông lên chiếm các cơ quan trọng yếu trong thành phố.

Sáng ngày 19-8-1945, theo kế hoạch đã định, hàng vạn nông dân và dân nghèo được tập hợp thành đội ngũ ở Láng, Mọc, kéo ra Ngã Tư Sở, tiến lên chiếm Đại lý Hoàn Long trước khi vào nội thành. Sau đó, cuộc míttinh khổng lồ của gần 200 nghìn người chuyển thành biểu tình thị uy của quần chúng, có các đơn vị tự vệ, tuyên truyền xung phong dẫn đầu, chia thành hai khối lớn chiếm các vị trí theo kế hoạch đã định. Một khối quần chúng chiếm phủ Khâm Sai, đã giành được thắng lợi mau lẹ; một khối chiếm trại bảo an, lực lượng tự vệ nhanh chóng chiếm các vị trí quan trọng trong trại. Chúng ta thực hiện đấu tranh vừa kiên quyết vừa mềm dẻo và trước áp lực của quần chúng, đến 5 giờ chiều ngày 19-8-1945, quân Nhật buộc phải rút quân. Cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội giành thắng lợi, có tác động lớn đến tiến trình tổng khởi nghĩa trên phạm vi cả nước.

Lực lượng vũ trang và nhân dân Thủ đô Hà Nội đánh chiếm Bắc Bộ Phủ ngày 19-8-1945. Ảnh: Tư liệu

Lực lượng vũ trang và nhân dân Thủ đô Hà Nội đánh chiếm Bắc Bộ Phủ ngày 19-8-1945. Ảnh: Tư liệu

Nhận tin Hà Nội khởi nghĩa thắng lợi, trong hồi ức của mình, đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh cho biết: “Nghe báo cáo Hà Nội khởi nghĩa thắng lợi, chúng tôi mừng lắm… Hà Nội thắng lợi, cả nước nhất định sẽ theo gương Hà Nội, cách mạng cả nước nhất định thành công. Nhiệt tình cách mạng của quần chúng, tinh thần chủ động sáng tạo của Đảng bộ địa phương đã biến chủ trương đúng đắn của Đảng thành thắng lợi vẻ vang. Đây mới là trận thắng đầu tiên, nhưng quan trọng lắm. Nó mở đường cho thắng lợi của cả nước… Kinh nghiệm khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội có thể áp dụng cho tất cả các nơi có quân Nhật đóng. Chúng tôi lập tức chỉ thị ngay cho các địa phương: Nơi có thể theo hướng của Hà Nội thì cứ tiến hành giải quyết; nơi nào quân Nhật nổ súng thì kiên quyết tiêu diệt chúng, nhất định phải giành cho được chính quyền bằng bất cứ giá nào”[1].

Quyết định khởi nghĩa của Thành ủy là sự thể hiện năng lực, bản lĩnh của tập thể Thành ủy; phù hợp, sát với tình hình thực tế của Hà Nội nhưng cũng rất táo bạo, quyết đoán. Quyết định này thể hiện, Bí thư Thành ủy Nguyễn Quyết và các đồng chí lãnh đạo Thành ủy Hà Nội đã không thụ động chờ đợi; quyết đoán, dám chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng trong tình thế cấp bách ở một thời cơ có một không hai trong lịch sử. Sau này, đồng chí Nguyễn Quyết chia sẻ: “Tôi biết chắc chắn rằng nếu không giành được thắng lợi thì người đứng đầu phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Nhưng tôi tin, đây là một quyết định sáng suốt của cả một tập thể, những người đã gắn bó, sống chết với phong trào cách mạng tại Hà Nội trong nhiều năm; nắm rõ tình hình địch - ta diễn biến qua từng ngày. Quyết định khởi nghĩa cũng dựa trên sự phân tích tình hình cụ thể, chứ không phải là một quyết định nóng vội, chủ quan bị chi phối bởi tình cảm khát khao giải phóng”.

Cần nhấn mạnh thêm rằng, khởi nghĩa ở Hà Nội thắng lợi có vai trò đặc biệt quan trọng, là một đòn chí mạng vào trung tâm “thần kinh đầu não” của địch ở Việt Nam, làm tê liệt nặng nề hơn hệ thống chính quyền của Nhật và tay sai, tạo thêm thế và lực cho cách mạng trong cả nưóc, nêu gương cho các thành phố khác noi theo. Thắng lợi của khởi nghĩa ở Hà Nội là nhờ sức mạnh của lực lượng quần chúng đông đảo kết hợp với sách lược khôn khéo của ta trong vận động lực lượng bảo an, cô lập và vô hiệu hóa quân đội Nhật, buộc chúng đứng yên trong các doanh trại, tránh xảy ra đổ máu và giằng co kéo dài cuộc khởi nghĩa, tạo thuận lợi thêm cho ta giành chính quyền.

Cố GS Trần Văn Giàu, nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, người lãnh đạo khởi nghĩa ở Sài Gòn, đã nói: “Các nhà viết sử khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám phải ghi công đầu rất lớn cho Đảng bộ và nhân dân Hà Nội trong cuộc chiến đấu mang tính chất quyết định này. Hà Nội có khởi nghĩa thành công ngày 19-8 thì Huế mới khởi nghĩa thành công ngày 23 và Sài Gòn khi ấy nóng lòng chờ tin Hà Nội. Hà Nội có khởi nghĩa thì Sài Gòn mới làm. Hà Nội có làm sớm thì Sài Gòn mới khỏi trễ nải nguy hiểm. Tuy Sài Gòn đã có tập hợp đủ lực lượng, nhưng nếu Hà Nội chưa làm thì vị tất Sài Gòn đã làm vì còn nhớ mãi kinh nghiệm của tháng 11-1940. Nói khởi nghĩa ở Hà Nội có tầm quyết định là như vậy”[2].

Thắng lợi của Hà Nội trong khởi nghĩa giành chính quyền mùa Thu năm 1945 đã trở thành một “mốc son” đáng nhớ trong tiến trình lịch sử của Đảng bộ Thủ đô cũng như cả nước. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Tháng Tám cũng mang đậm dấu ấn của Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quyết với Thủ đô Hà Nội. Đây là một quyết định rất đúng đắn đầy tính tự tin, chủ động, sáng tạo và cũng rất độc đáo, không theo một mẫu nào có sẵn, với một phương thức rất phù hợp với tình hình thực tế của địa phương nhưng cũng rất táo bạo vì nó xảy ra ở một vị trí chiến lược, trong khi chưa có lệnh của Trung ương, thể hiện tính độc lập không ỷ lại, chờ đợi, dám quyết đoán, dám chịu trách nhiệm trước dân, trước Đảng trong tình thế cấp bách ở một “thời cơ có một không hai”.

Đại tái, PGS, TS NGUYỄN VĂN SÁU, Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự

[1] Bài viết do phóng viên Thành Dương ghi theo lời kể của Đồng chí Trường Chinh (7.1985) đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng, số 4-1995.

[2] Cách mạng Tháng Tám và sự nghiệp đổi mới hôm nay, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, tr. 39.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/dau-an-cua-bi-thu-thanh-uy-ha-noi-nguyen-quyet-trong-tong-khoi-nghia-thang-tam-nam-1945-808743