Dấu ấn của ngoại giao nhân dân với tiến trình Hội nghị Paris
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, từ khi cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam có bước leo thang mới, Trung ương Đảng đã chủ trương: 'Tranh thủ rộng rãi hơn nữa sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta, và qua đó góp phần phát triển hành động chung của nhân dân thế giới chống đế quốc Mỹ xâm lược và ủng hộ Việt Nam'. Với tinh thần đó, nhằm tranh thủ tối đa dư luận quốc tế, cô lập Mỹ và chính quyền Sài Gòn, bên cạnh cuộc đấu tranh trực tiếp với Mỹ trên bàn đàm phán Paris, chúng ta còn tiến hành những hoạt động đối ngoại phong phú bên ngoài.
Ngoại giao nhân dân đã góp phần đáng kể vào thắng lợi có ý nghĩa lịch sử của Mặt trận đấu tranh ngoại giao là thúc đẩy hình thành một mặt trận lớn mạnh chưa từng có. Bà Nguyễn Thị Bình, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris nhận định: “Do thực tiễn của cách mạng miền Nam, trong đấu tranh đối ngoại của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, ta đã đi từ những hoạt động đối ngoại nhân dân tiến lên đối ngoại Nhà nước. Thực hiện phương châm hoạt động và phát huy cả hai mặt hoạt động ngoại giao đó đã tạo điều kiện thuận lợi và sức mạnh cho đấu tranh nói chung của chúng ta, nhất là cho cuộc đấu tranh trên bàn đàm phán”.
Từ cuối năm 1966, Nhóm công tác chuyên trách về vận động nhân dân Mỹ được thành lập. Đến năm 1967, Ban Mỹ vận gồm 40 cán bộ, có kinh phí và bộ máy hoạt động riêng được hình thành. Ngày 10/7/1968, Ủy ban Việt Nam đoàn kết với nhân dân Mỹ, gọi tắt là Ủy ban Việt-Mỹ ra đời. Phối hợp hoạt động với các tổ chức chính trị-xã hội khác của Việt Nam, đứng đầu là Ủy ban Phối hợp toàn quốc, Ủy ban Việt-Mỹ đã tích cực tham gia các hoạt động đấu tranh đòi chấm dứt cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Trọng tâm của các hoạt động là tuyên truyền rộng rãi và giới thiệu về Việt Nam, tranh thủ sự ủng hộ liên tục và kiên quyết của nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới, đáp ứng yêu cầu chính trị của cuộc kháng chiến.
Mặc dù không có điều kiện tới Mỹ để trực tiếp vận động, các đại biểu Việt Nam tranh thủ gặp các đại biểu Mỹ tại các hội nghị, các cuộc liên hoan gặp gỡ quốc tế bên ngoài nước Mỹ để thông báo tình hình đấu tranh ở miền Nam và bàn việc phối hợp hành động. Từ năm 1965 trở đi, các đoàn thanh niên, phụ nữ của hai miền Nam-Bắc đã có nhiều cuộc tiếp xúc với các nhóm thanh niên Mỹ trốn quân dịch, chống chiến tranh chạy sang Canada hay Thụy Điển. Năm 1968, đã diễn ra cuộc gặp lịch sử giữa đại biểu nhân dân Việt Nam và Mỹ tại Bratislava (Tiệp Khắc). Qua đó, làm sâu sắc thêm sự phối hợp trên quy mô lớn và trực tiếp giữa phong trào phản chiến ở Mỹ và cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Ngoại giao nhân dân thời kỳ này chủ động tiếp cận các lực lượng tiến bộ và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Đáng chú ý là “Nhóm tiếp xúc” trong Đoàn miền Nam và miền Bắc tại Paris đã góp phần định hướng, hỗ trợ có hiệu quả cho phong trào nhân dân Mỹ chống chiến tranh và tác động phân hóa nội bộ Mỹ. Từ năm 1970, em Võ Thị Liên, một nhân chứng vụ thảm sát Mỹ Lai và rất nhiều cán bộ ngoại giao nhân dân cùng bạn bè quốc tế đã trở thành “những phát ngôn viên chiến trường” trên mặt trận ngoại giao nhân dân. Vài tháng trước khi ký Hiệp định Paris, Đại hội liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới lần thứ X tại Cộng hòa Dân chủ Đức với khẩu hiệu “Đoàn kết với Việt Nam lúc này hơn bao giờ hết”, khẳng định quyết tâm của thanh niên, sinh viên toàn thế giới đi cùng với Việt Nam đến thắng lợi cuối cùng.
Năm 1972, ta mời nhiều bạn Mỹ, trong đó có ngôi sao điện ảnh Jane Fonda và nữ ca sĩ Joan Baez đến Hà Nội và nhiều nơi khác ở miền Bắc, giúp cho các bạn chứng kiến tại chỗ những cuộc ném bom của máy bay Mỹ, để tự các bạn tố cáo và lên án tội ác chiến tranh của chính quyền Nixon. Để tỏ rõ thái độ thiện chí và để khích lệ, nâng cao vai trò của phong trào phản chiến ở Mỹ, qua kênh ngoại giao nhân dân, ta tổ chức nhiều đợt trao trả phi công Mỹ bị bắt ở miền Bắc cho các đại diện phong trào Mỹ. Bằng nhiều hình thức, ngoại giao nhân dân đã góp phần thúc đẩy việc “đưa chiến tranh Việt Nam vào trong lòng nước Mỹ”.
Đặc biệt, cộng đồng người Việt tại Pháp đã tích cực tham gia, ủng hộ công việc của hai Đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Đây là một hình ảnh thu nhỏ của dân tộc ta ở Pháp với lòng yêu nước sâu sắc và tinh thần hy sinh rất cao. Nhiều người Việt Nam giỏi tiếng Pháp đã tình nguyện làm phiên dịch, biên dịch, lập biên bản các cuộc họp, họp báo… Hoạt động của Hội Việt kiều ở Pháp đã trở thành hình mẫu cho các phong trào Việt kiều ở Tây Âu, Bắc Mỹ và Nhật Bản.
Đã có rất nhiều phong trào của nhân dân các nước đoàn kết ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của Việt Nam, xây dựng nên “hậu phương” của chúng ta ở nước ngoài. Có thể kể tới những dây chuyền sản phẩm ngày đêm vì Việt Nam ở các nước XHCN; nhiều vụ tự thiêu ở Mỹ, Nhật Bản chống chiến tranh, làm cho Washington hết sức lúng túng; các cuộc biểu tình hàng triệu người tham gia tại Mỹ và các nước khác…
Ngoài hoạt động của các tổ chức chính trị-xã hội, nhiều cá nhân cũng tham gia vào hoạt động ngoại giao nhân dân. Tiêu biểu là các nhà văn hóa lớn như Hữu Ngọc và Nguyễn Khắc Viện. Hai ông đã chủ trì một cuốn Tuyển tập văn học Việt Nam dày 2.000 trang bằng tiếng Pháp và một tuyển tập khác cũng về văn học Việt Nam dày 1.000 trang bằng tiếng Anh. Ngoài ra, ông Nguyễn Khắc Viện còn chủ trì việc xuất bản Tạp chí Vietnam Studies 3 tháng/kỳ giới thiệu rất sâu về văn hóa Việt Nam. Bộ sách văn học và tạp chí này đã có đóng góp rất lớn vào giới thiệu văn hóa Việt Nam ra thế giới và đã thu hút được sự chú ý của giới báo chí và học giả Mỹ cũng như tăng thêm hiểu biết của độc giả nước ngoài về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam.
Có thể thấy, trong lịch sử thế giới, chưa từng có phong trào đoàn kết quốc tế nào rộng lớn, sâu sắc, bền bỉ suốt hai thập kỷ như phong trào đoàn kết quốc tế với nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ, cứu nước. Trong hoàn cảnh khó khăn của cuộc chiến tranh, ngoại giao nhân dân Việt Nam đã được triển khai dưới những hình thức khác nhau, góp phần cùng với ngoại giao nhà nước tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới, trong đó có nhân dân Mỹ, cho cuộc đấu tranh chính nghĩa vì độc lập dân tộc trên Mặt trận đấu tranh ngoại giao nói chung và trong tiến trình đàm phán Paris nói riêng. Thực tế đó càng khẳng định tính chất đúng đắn của chủ trương kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại mà Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra cho cách mạng nước ta.