Dấu ấn của Việt Nam trong ASEAN
Từ khi chính thức gia nhập ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) vào ngày 28/7/1995, đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam trong ASEAN đã trở thành một bộ phận quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam thời kỳ mới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (thời điểm tháng 12/2020) trao búa gỗ đại diện chức Chủ tịch ASEAN 2021 cho Đại sứ Brunei. (Ảnh TTXVN)
Hơn 26 năm qua, Việt Nam luôn duy trì “tăng cường quan hệ với các nước trong tổ chức ASEAN”..., “tham gia tích cực các hoạt động thúc đẩy sự hợp tác cùng có lợi trong ASEAN và thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện và có hiệu quả với các nước ASEAN”. Sự kiện Cộng đồng ASEAN chính thức hình thành vào cuối năm 2015 có những đóng góp đáng ghi nhận của Việt Nam.
Dấu ấn của Việt Nam trong ASEAN thể hiện rõ qua những đóng góp đối với quá trình mở rộng hợp tác của ASEAN, tạo vị thế của ASEAN với thế giới. Khi giữ chức Chủ tịch ASEAN 2010, Việt Nam đã đưa ra sáng kiến mở rộng thành viên của Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) bằng việc thúc đẩy kết nạp Nga và Mỹ. Việt Nam cũng đề xuất sáng kiến mở rộng cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+).
(Theo Thông tấn xã Việt Nam).
Thông qua hàng loạt sáng kiến, chương trình như “Tầm nhìn 2020 và kế hoạch thực hiện”, “Tuyên bố ASEAN 2”, “Hiến chương ASEAN”, “Lộ trình phát triển Cộng đồng ASEAN (2009-2015)”, “Sáng kiến hội nhập ASEAN” và “Kế hoạch Tổng thể và Kết nối ASEAN”, Việt Nam được đánh giá đã thể hiện vai trò điều phối các cơ chế với các đối tác bên ngoài như bằng cách kết nối, mở rộng quan hệ, làm sâu sắc thêm quan hệ giữa ASEAN với các đối tác này.
Vai trò và trách nhiệm của Việt Nam được thể hiện rõ qua ba lần đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN các năm 1998, 2010 và 2020 với những đóng góp và sáng kiến cụ thể: Năm 1998, Việt Nam đã soạn thảo Kế hoạch hành động Hà Nội để thúc đẩy sự phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, góp phần khắc phục khoảng cách phát triển giữa các quốc gia thành viên.Năm 2010, Việt Nam đã thúc đẩy những gì các nhà quan sát ngoại giao gọi là “văn hóa thực hiện”, thúc đẩy việc hoàn thành các hoạt động thiết thực sau khi ASEAN thông qua các tuyên bố và kế hoạch hành động. Về an ninh và hòa bình, phải kể tới những đóng góp cụ thể của Việt Nam trong việc xây dựng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng như thúc đẩy xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu quả và hiệu lực nhằm góp phần đảm bảo hòa bình và ổn định ở khu vực Biển Đông.Năm 2020, đánh dấu 25 năm gia nhập ASEAN, Việt Nam đã chứng tỏ bản lĩnh và vai trò dẫn dắt, chủ động của nước Chủ tịch luân phiên. Dưới sự chủ trì của Việt Nam, ASEAN đã tổ chức một loạt hội nghị trực tuyến nhằm thảo luận cách ứng phó với dịch, như tổ chức thành công hai hội nghị cấp cao ASEAN 36 và ASEAN 37; Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 về đại dịch COVID-19.Nhiều sáng kiến về hợp tác ứng phó với COVID-19 và phục hồi sau đại dịch đã được công bố và đưa vào triển khai trong năm 2020 như Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19, Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp ASEAN, Khung chiến lược ASEAN về các tình huống khẩn cấp, Khung phục hồi tổng thể ASEAN và Kế hoạch triển khai, Tuyên bố ASEAN về Khung thỏa thuận hành lang đi lại ASEAN..., thể hiện cách tiếp cận tổng thể, đồng bộ mang tính “cả Cộng đồng” của ASEAN trong ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh, thích ứng và từng bước phục hồi toàn diện.Năm 2021, Việt Nam đã đóng góp hết sức trách nhiệm vào việc xây dựng khoảng 100 văn kiện đệ trình lên các nhà Lãnh đạo thông qua, ghi nhận tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38, 39 và các Hội nghị cấp cao liên quan (tháng 10/2021). Liên quan đến dịch bệnh COVID-19, những phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về chiến lược mới với cách tiếp cận toàn dân để thích ứng an toàn, ứng phó linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch COVID-19, song song với đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội cũng như người dân và doanh nghiệp vừa là trung tâm vừa là chủ thể trong nỗ lực ứng phó dịch bệnh và cả trong phục hồi kinh tế và phát triển kinh tế-xã hội đã được các nước hoan nghênh, hưởng ứng. Những đề xuất của Việt Nam liên quan tới phục hồi bền vững nhận được sự quan tâm và chia sẻ của các nước tại các hội nghị.Cách tiếp cận thẳng thắn, chân thành, minh bạch của Việt Nam về các vấn đề khu vực và quốc tế, trong đó có Biển Đông, thúc đẩy phát triển tiểu vùng gắn với tổng thể phát triển chung của ASEAN, đẩy mạnh liên kết khu vực đã được phản ánh đầy đủ trong văn kiện của các hội nghị. Những sáng kiến này đã góp phần giúp ASEAN đứng vững trước đại dịch COVID-19 và sớm đi vào phục hồi, bảo đảm cho định hướng phát triển của ASEAN.Quan trọng hơn, thông qua hợp tác chống COVID-19 và phục hồi kinh tế, sự gắn kết trong ASEAN càng bền chặt. Đây là những “dấu son” mang đậm dấu ấn của Việt Nam và góp phần tô đẹp bức tranh thành công toàn diện của ASEAN.