Dấu ấn địa giới hành chính Hà Nội qua tài liệu lưu trữ
Sáng 2/10, tại Hoàng thành Thăng Long, Sở Nội vụ Hà Nội phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức triển lãm 'Dấu ấn địa giới hành chính Hà Nội qua tài liệu lưu trữ', nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2019).
Triển lãm giới thiệu đến công chúng trong và ngoài nước những tài liệu, tư liệu lưu trữ, hình ảnh về địa giới hành chính thành phố Hà Nội của những thế kỷ trước, góp phần giáo dục lịch sử cho các tầng lớp nhân dân và tạo điểm nhấn sinh hoạt văn hóa, lịch sử, phục vụ du khách trong nước và quốc tế tham quan Thủ đô.
Triển lãm giới thiệu 88 tài liệu, tư liệu lưu trữ và hình ảnh theo ba giai đoạn: Giai đoạn 1 - Địa giới hành chính thành phố Hà Nội thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945; Giai đoạn 2 - Địa giới hành chính thành phố Hà Nội từ năm 1945 đến năm 1954; Giai đoạn 3 - Địa giới hành chính thành phố Hà Nội từ sau năm 1954.
Thông qua bản đồ thành phố Hà Nội năm 1873, tỉ lệ xấp xỉ 1/12.500, kích thước gốc 59 x 64 cm, kèm theo thuyết minh do Sở Địa dư Đông Dương xuất bản tháng 12/1916; Nghị định năm 1889, thành lập ngoại thành Hà Nội gồm một số xã của các huyện Vĩnh Thuận, Thọ Xương, Từ Liêm, Thanh Trì; Bản đồ Hà Nội năm 1890, kích thước gốc 49 x 61 cm thuộc Sưu tập Bản đồ Hà Nội…; nội dung địa giới hành chính thành phố Hà Nội thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, đã giới thiệu việc thay đổi địa giới hành chính thời kỳ phong kiến, thời kỳ Pháp thuộc, có thời điểm Hà Nội trở thành một tỉnh như 30 tỉnh khác trên đất nước Việt Nam.
Tính đến năm 1945, diện tích thành phố Hà Nội rộng khoảng 150 km2. Vào thời gian này, Hà Nội phía Bắc giáp huyện Đông Anh (Phúc Yên), phía Đông giáp huyện Gia Lâm (Bắc Ninh), phía Tây giáp huyện Hoài Đức, Đan Phượng, thị xã Hà Đông và phía Nam giáp huyện Thanh Oai, Thanh Trì (Hà Đông). Cho đến trước Cách mạng tháng Tám (1945), thực dân Pháp chia Hà Nội làm hai vùng là nội thành và ngoại thành. Vùng trung tâm Hà Nội gồm 8 tiểu khu, vùng ngoại thành gồm 9 tổng, 36 xã. Nhiều tài liệu lưu trữ thể hiện nội dung này, đặc biệt là Nghị định số 46/TTg ngày 15 tháng 8 năm 1950 của Thủ tướng Chính phủ về việc hai quận I và quận II nội thành Hà Nội hợp nhất thành một quận lấy tên là quận nội thành Hà Nội.
Trong những năm 1954 - 2010, Hà Nội có bốn lần điều chỉnh lớn về địa giới hành chính vào các năm: 1961, 1978, 1991 và 2008. Trong đó, năm 1961 và 1978 là mở rộng, năm 1991 là thu hẹp và năm 2008 lại được mở rộng với quy mô lớn hơn nhiều như hiện nay. Các tài liệu lưu trữ gồm: Biên bản cuộc họp giữa đại biểu Ủy ban Hành chính tỉnh Bắc Ninh, Hà Đông, Vĩnh Phúc, Hưng Yên và Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội về việc bàn giao và tiếp nhận các xã của các tỉnh vào ngoại thành Hà Nội năm 1961; Nghị quyết của Quốc hội về việc phê chuẩn việc phân vạch lại địa giới thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Hà Sơn Bình, Vĩnh Phú, Cao - Lạng, Bắc - Thái, Quảng Ninh và Đồng Nai…
Những lần điều chỉnh địa giới hành chính đó có nhiều ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Thành phố Hà Nội đã có những bước phát triển mới, ngày càng xứng đáng với tầm vóc là Thủ đô, trái tim của cả nước, trung tâm đầu não chính trị - hành chính của quốc gia, trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật và giao lưu quốc tế của cả nước.
Bà Vũ Thu Hà, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, triển lãm “Dấu ấn địa giới hành chính Hà Nội qua tài liệu lưu trữ” giới thiệu tới công chúng những tài liệu, bản đồ liên quan đến địa giới hành chính Hà Nội thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám đến nay. Những tài liệu này nhằm góp phần giúp độc giả hiểu sâu hơn về địa giới hành chính Hà Nội xưa và nay.
Triển lãm mở cửa đến ngày 15/10.