Dấu ấn đối ngoại quốc phòng Việt Nam năm 2020

Đối ngoại, hợp tác quốc phòng là lĩnh vực phức tạp, thường đi sau. Nếu vượt qua rào cản, thúc đẩy quan hệ đối tác, đối ngoại, hợp tác quốc phòng trở thành lĩnh vực đột phá, chỉ dấu sự tin cậy cao trong quan hệ quốc tế; một trong những trụ cột trong hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Đối ngoại quốc phòng Việt Nam năm 2020 minh chứng sinh động cho nhận định đó.

Bằng bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần trách nhiệm, sự thành tâm và biện pháp phù hợp, linh hoạt, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã cùng các đối tác thực hiện thành công mục tiêu, kế hoạch đề ra với những dấu ấn đậm nét trong năm 2020. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Bằng bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần trách nhiệm, sự thành tâm và biện pháp phù hợp, linh hoạt, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã cùng các đối tác thực hiện thành công mục tiêu, kế hoạch đề ra với những dấu ấn đậm nét trong năm 2020. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

“Cái khó ló cái khôn”

Năm 2020, Việt Nam có cơ hội lớn khi giữ vai trò kép: Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Chủ tịch ASEAN. Nhưng đây cũng là một năm đầy thử thách. Tạp chí Times nhận xét: 2020 là một trong những năm tồi tệ nhất lịch sử thế giới.

Đại dịch Covid-19 trên toàn cầu; vòng xoáy cạnh tranh chiến lược của các nước lớn, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc; các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống khác diễn biến phức tạp. Cùng với đó là sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ, sự suy giảm của quan hệ đa phương. Áp lực ngày càng tăng đối với việc giữ vững độc lập, tự chủ và cân bằng quan hệ chiến lược.

Đối ngoại, hợp tác quốc phòng là lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, thường đi sau. Bối cảnh thế giới, khu vực năm 2020 càng làm khó khăn tăng bội phần. Nhiều vấn đề quốc phòng, an ninh đòi hỏi phải gặp gỡ, trao đổi trực tiếp để đi đến thống nhất. Có những nội dung khó bàn sâu, khó giữ kín qua hình thức hội nghị trực tuyến. Trong khi đó, đại dịch Covid-19 hạn chế các cuộc gặp gỡ, tham vấn trực tiếp.

Ngạn ngữ Việt Nam có câu “Cái khó ló cái khôn”. Quán triệt và vận dụng sáng tạo phương châm chỉ đạo “gắn kết và chủ động thích ứng”, Việt Nam quyết không để đối thoại, hợp tác quốc phòng bị ngưng trệ do đại dịch.

Sáng kiến tổ chức hội nghị trực tuyến kết hợp với bán trực tuyến và các hình thức, biện pháp linh hoạt khác do Việt Nam đề xuất trong Hội nghị quan chức quốc phòng cấp cao ASEAN mở rộng (ADSOM+) được Bộ Quốc phòng các nước ASEAN và đối tác hoan nghênh.

Bằng bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần trách nhiệm, sự thành tâm và biện pháp phù hợp, linh hoạt, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã cùng các đối tác thực hiện thành công mục tiêu, kế hoạch đề ra với những dấu ấn đậm nét.

Nâng tầm đối ngoại quốc phòng đa phương

Việt Nam đã chuẩn bị và tổ chức thành công các hội nghị quốc phòng, trong đó có Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng 10 nước ASEAN (ADMM) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng với các đối tác (ADMM+).

Tuyên bố chung là chỉ dấu thành công của hội nghị. Nhưng không ít hội nghị quan trọng không ra được tuyên bố chung. Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (AFEC) năm 2018 là một trong số đó. Riêng với ADMM+, chỉ 3 trên tổng số 7 kỳ hội nghị có tuyên bố chung (2010, 2013 và 2020), vì quan điểm trái ngược, mâu thuẫn, bất đồng giữa các đối tác.

Tại ADMM+ lần thứ 3, năm 2015 ở Malaysia, quan chức quốc phòng Mỹ tố Trung Quốc ép các nước ASEAN bỏ các câu chữ bày tỏ quan ngại về việc cải tạo đảo, quân sự hóa Biển Đông và cho rằng thà “không có tuyên bố chung còn hơn có mà né tránh chủ đề quan trọng này”! Phía Trung Quốc chỉ trích “một số nước bên ngoài” tìm cách áp đặt nội dung tuyên bố chung. Kết cục là ADMM+ lần thứ 3 không ra tuyên bố chung.

Theo lời Thứ trưởng Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, trong tuyên bố chung ADMM, đến phút chót vẫn có nước đề nghị sửa 1 chữ! Nguyên tắc chung là đồng thuận. Nếu ta không khéo léo thuyết phục thì khó ra được tuyên bố chung.

Cái khó của nước chủ nhà, chủ trì điều phối là bảo đảm ra tuyên bố chung nhưng không né tránh các nội dung cơ bản của khu vực. Giá trị cao nhất của tuyên bố chung chính là các nội dung cơ bản, quan trọng, thiết thực được tất cả các nước đồng thuận, cam kết.

Với vai trò chủ trì điều phối, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã khéo léo, linh hoạt thuyết phục, dẫn dắt, tháo gỡ vướng mắc, để tất cả các nước đồng thuận với những nội dung lựa chọn, trao đổi. Nhờ vậy, trong 3 ADMM+ có tuyên bố chung, thì 2 do Việt Nam làm chủ tịch, chủ trì điều phối.

Cái khó của nước chủ nhà, chủ trì điều phối Hội nghị ADMM và ADMM+ là bảo đảm ra tuyên bố chung nhưng không né tránh các nội dung cơ bản của khu vực. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Cái khó của nước chủ nhà, chủ trì điều phối Hội nghị ADMM và ADMM+ là bảo đảm ra tuyên bố chung nhưng không né tránh các nội dung cơ bản của khu vực. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Điểm nổi bật của Tuyên bố chung ADMM-14 là thể hiện mạnh mẽ sự đoàn kết, thống nhất, cam kết đối với hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển; tránh các hành động làm phức tạp tình hình, hợp tác, đối thoại giải quyết mọi vấn đề bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực và đưa ra các lĩnh vực có thể hợp tác vừa cấp thiết vừa cơ bản, lâu dài như phòng, chống đại dịch, tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ thảm họa, rà phá bom mìn, an ninh mạng và gìn giữ hòa bình…

Tuyên bố chung ADMM-14 thể hiện quyết tâm xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh và khẳng định với các đối tác về sự đồng thuận, vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc, cơ chế khu vực.

Tuyên bố chung ADMM+ lần thứ 7 bao hàm những vấn đề cốt lõi về quốc phòng, an ninh khu vực. Ghi nhận sự chuyển dịch địa chiến lược và địa chính trị tại khu vực; sự gắn kết, kết nối khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Tuyên bố thúc đẩy và tăng cường hợp tác, quan hệ đối tác thông qua ADMM+, cơ chế hợp tác quốc phòng đa phương trên thực tế trong cấu trúc khu vực với ASEAN làm trung tâm, củng cố, tạo động lực mới cho các cơ chế hiện có nhằm ứng phó hiệu quả hơn với các thách thức an ninh.

Tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không; sự cần thiết phải tăng cường lòng tin, sự tin cậy lẫn nhau, tự kiềm chế. Coi giải quyết hòa bình các tranh chấp, phù hợp với luật pháp quốc tế, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực là một quy tắc ứng xử then chốt trong quản lý các mối quan hệ và hợp tác.

Cam kết tiếp tục thúc đẩy đối thoại chiến lược và tăng cường hợp tác thực chất về quốc phòng, an ninh giữa các nước thành viên, hợp tác ứng phó với các thách thức an ninh thông qua 7 nhóm chuyên gia. Ghi nhận mong muốn của các quốc gia bạn bè, đối tác đối thoại đóng góp cho các nỗ lực của ASEAN trong thúc đẩy an ninh và ổn định trong khu vực phù hợp với nguyên tắc mở, linh hoạt của ADMM+.

Tuyên bố chung không kèm theo các biện pháp pháp lý, nhưng thể hiện sự đồng thuận và cam kết của các nước về những vấn đề liên quan. Nó chốt lại những nguyên tắc, trở thành tài sản chung của ASEAN và các đối tác trong hợp tác, quan hệ quốc tế. Bất cứ nước nào, dù là nước lớn, hành động trái với tuyên bố chung sẽ bị các nước khác soi xét, tự đánh mất hình ảnh của mình.

Trong vòng xoáy cạnh tranh chiến lược, căng thẳng, mâu thuẫn Mỹ - Trung đang ở mức cao, có nguy cơ gây chia rẽ, việc các đối tác kí kết tuyên bố chung là thành công lớn. Điều đó khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN và vai trò dẫn dắt, ảnh hưởng của Việt Nam ở khu vực và với các đối tác.

Bước phát triển trong tham gia gìn giữ hòa bình

Trong điều kiện khó khăn do đại dịch, Việt Nam vẫn tiếp tục đóng góp thực chất và mở rộng quy mô, phạm vi tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Quốc hội thông qua Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc khẳng định Việt Nam sẽ thực thi nhiệm vụ một cách lâu dài và tạo khuôn khổ pháp lý cho các lĩnh vực hoạt động mới như công binh, thông tin liên lạc, tham mưu, hậu cần, kỹ thuật…, phù hợp với quan điểm, điều kiện của Việt Nam.

Năm 2020, 2 sĩ quan Việt Nam đầu tiên, vượt qua hàng trăm ứng viên của các nước, nhiều vòng thi, trúng tuyển vào cơ quan tham mưu chiến lược về gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Sáng kiến thành lập Trung tâm huấn luyện gìn giữ hòa bình khu vực ở Việt Nam được Liên hợp quốc và các nước ủng hộ, khẳng định chất lượng huấn luyện, hoạt động, vị thế của đất nước và quân đội.

Việt Nam tiếp tục đóng góp thực chất và mở rộng quy mô, phạm vi tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. (Ảnh: Quang Vinh)

Việt Nam tiếp tục đóng góp thực chất và mở rộng quy mô, phạm vi tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. (Ảnh: Quang Vinh)

Đưa quan hệ song phương đi vào chiều sâu, thực chất

Hiện nay Việt Nam đã thiết lập quan hệ quốc phòng với hơn 80 nước, theo nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi, không phân biệt sự khác nhau về chế độ chính trị, trình độ phát triển, không chấp nhận bất kỳ điều kiện áp đặt, sức ép nào. Năm 2020, chúng ta tiếp tục củng cố, tăng cường quan hệ, hợp tác quốc phòng, thực hiện các kế hoạch, bản ghi nhớ đã kí kết, với các nội dung, biện pháp ngày càng thực chất, mang lại hiệu quả thiết thực cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Trong điều kiện phức tạp của đại dịch Covid-19, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã đối thoại chính sách quốc phòng với Bộ Quốc phòng các nước: Hoa Kỳ, New Zealand, Anh, Australia… Các đối tác đối thoại khẳng định coi trọng quan hệ, mở rộng hợp tác quốc phòng với Việt Nam. Hoa Kỳ bày tỏ mong muốn Việt Nam ngày càng vững mạnh, cam kết tiếp tục hợp tác thúc đẩy quan hệ quốc phòng song phương trên các lĩnh vực: khắc phục hậu quả chiến tranh, an ninh hàng hải, nâng cao năng lực cảnh sát biển, gìn giữ hòa bình, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa...

Đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Vượt qua khó khăn, thách thức năm 2020, đối ngoại quốc phòng đạt nhiều kết quả to lớn.

Thứ nhất, đối ngoại quốc phòng góp phần quan trọng để Việt Nam thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN đạt thành tựu như đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: thành công toàn diện, vang dội, trọn vẹn, thực chất.

Thứ hai, đối ngoại quốc phòng góp phần trực tiếp xây dựng, tăng cường lòng tin chiến lược, nâng cao vị thế quốc tế của đất nước, quân đội. Thông qua hợp tác, đan xen lợi ích, xử lý hài hòa quan hệ với các nước lớn và phát huy vai trò chủ trì điều phối ADMM, ADMM+, hoạt động hợp tác quốc phòng của ASEAN với các đối tác, tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại, chính sách đối ngoại quốc phòng đúng đắn của Việt Nam, là thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Thứ ba, đối ngoại quốc phòng tiếp tục khẳng định là kênh quan trọng, cùng với các kênh đối ngoại khác đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đồng thời, chứng tỏ quan điểm đúng đắn của Việt Nam là giải quyết hòa bình các tranh chấp, hài hòa lợi ích quốc gia, dân tộc với lợi ích chung của khu vực.

Thứ tư, đối ngoại quốc phòng tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài, góp phần xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Thứ năm, đối ngoại quốc phòng thiết thực góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh. Các đối tác tiếp tục cam kết hỗ trợ tài chính, hợp tác khoa học công nghệ thực hiện các dự án khắc phục hậu quả chất độc da cam, dò gỡ bom mìn, tạo không gian, môi trường an toàn cho phát triển kinh tế, cho cuộc sống an bình cho nhân dân.

Tại Hội nghị Quân chính toàn quân năm 2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá: Đối ngoại quốc phòng đã phát huy tốt sức mạnh tổng hợp, tiến hành tích cực, chủ động, sáng tạo, có chiều sâu, trở thành một trong những trụ cột quan trọng trong hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước.

Những bài học kinh nghiệm

Ý nghĩa quan trọng của đối ngoại quốc phòng năm 2020 là những bài học kinh nghiệm thiết thực.

Một là, sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, toàn diện công tác đối ngoại quốc phòng của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, tập trung, thống nhất của Bộ Chính trị, Chính phủ.

Hai là, càng khó khăn, càng phải quyết tâm, bản lĩnh, trí tuệ, linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức triển khai thực hiện.

Ba là, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, địa phương.

Bốn là, tích cực, chủ động, chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ.

Với những dấu ấn trong năm 2020, đối ngoại quốc phòng Việt Nam khẳng định là một kênh đối ngoại quan trọng, đột phá, thể hiện sự tin cậy cao trong quan hệ quốc tế, đóng góp cho an ninh, ổn định, hợp tác của khu vực; góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước. Thành công và những bài học kinh nghiệm năm 2020 là cơ sở để đối ngoại quốc phòng tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2021.

Vũ Đăng Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dau-an-doi-ngoai-quoc-phong-viet-nam-nam-2020-132044.html