Dấu ấn giáo dục Đơn Dương

Trong không khí ấm áp của mùa Xuân, chúng tôi trở lại Đơn Dương để gặp gỡ và trò chuyện với thầy Nguyễn Văn Kháng - Trưởng phòng Giáo dục huyện Đơn Dương. Bởi sau những chặng đường dài cố gắng vì sự nghiệp 'trăm năm trồng người', vừa qua, ngành Giáo dục Đơn Dương vinh dự được nhận Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ vì đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ công tác giáo dục và đào tạo, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước năm học 2020-2021 của tỉnh Lâm Đồng.

Để đạt được những thành quả trong học tập, ngành Giáo dục Đơn Dương luôn chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giảng dạy.

Để đạt được những thành quả trong học tập, ngành Giáo dục Đơn Dương luôn chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giảng dạy.

Ông Nguyễn Văn Kháng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đơn Dương cho biết: Suốt nhiều năm qua, việc duy trì và hoàn thành các tiêu chí được huyện Đơn Dương nói chung và ngành Giáo dục huyện nói riêng luôn có sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh và địa phương. Cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, ngành Giáo dục huyện đã không ngừng đổi mới, nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn đội ngũ cán bộ, giáo viên trong cách dạy học và đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho địa phương, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.

Tính đến nay, tất cả các đơn vị trường học trực thuộc trên địa bàn huyện đều đủ phòng học, bàn ghế, sách vở phục vụ việc giảng dạy cho giáo viên và học tập của học sinh. Những năm gần đây, tỷ lệ học sinh bỏ học ở vùng kinh tế khó khăn, hay vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng giảm. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên ổn định, trình độ giáo viên đều trên chuẩn ở cả 3 bậc học.

Đặc biệt, trong năm học 2020-2021, quy mô giáo dục đào tạo huyện Đơn Dương tiếp tục phát triển và tăng về số lớp, số học sinh so với năm học 2019-2020. Cuối năm học, chất lượng giáo dục học sinh ở các môn học ngày càng tăng; trong đó tỷ lệ học sinh được đánh giá hoàn thành chương trình lớp học đạt trên 98%; đánh giá phẩm chất và năng lực hoàn thành trở lên đạt gần 100% và cao hơn mặt bằng chung của toàn tỉnh; đồng thời số giáo viên đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm học 2020-2021 cao hơn 3,41% so với tỷ lệ đạt chung của toàn tỉnh; công tác bồi dưỡng học sinh giỏi đạt được nhiều kết quả tiêu biểu.

Cùng với đó, công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia được quan tâm, đầu tư gắn với kế hoạch xây dựng nông thôn mới. Đến tháng 10/2021, huyện có 43/50 trường trực thuộc đạt chuẩn quốc gia, đạt tỉ lệ 86%; trong đó tỷ lệ đạt trường chuẩn quốc gia cao hơn 3,4% so với tỷ lệ mặt bằng chung của toàn tỉnh.

Theo ông Kháng, để đạt được những mục tiêu đề ra, hàng năm Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đều tham mưu UBND huyện trong công tác quy hoạch, phát triển nhà giáo; rà soát lựa chọn giáo viên giỏi, có triển vọng tham gia học các lớp bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ quản lý của ngành giáo dục địa phương và chỉ đạo các trường rà soát, động viên, tạo điều kiện để giáo viên nâng chuẩn. Các đơn vị trường học cũng tăng cường đổi mới quản lý việc thực hiện chương trình và kế hoạch giáo dục theo hướng phân cấp, giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục; củng cố kỷ cương, nền nếp trong dạy học, kiểm tra, đánh giá và đề cao tinh thần đổi mới, sáng tạo trong tổ chức các hoạt động giáo dục. Hơn hết là sự đoàn kết nhất trí, nỗ lực của toàn thể cán bộ, viên chức cơ quan, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ trong những năm qua, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị chung của huyện.

Cùng với đó, để nâng cao chất lượng dạy, học cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh dân tộc thiểu số, Phòng đã hướng dẫn các trường tiểu học thực hiện phương án tăng thời lượng dạy Tiếng việt cho học sinh lớp 1, phù hợp với thực tế từng trường.

“Các đơn vị đều xây dựng được kế hoạch triển khai đổi mới phương pháp dạy học, xây dựng mô hình trường đổi mới phương pháp dạy học, nhiều giáo viên ứng dụng những giải pháp trong việc đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với thực tế, tăng hiệu quả nhất định trong những giờ lên lớp, đặc biệt các tổ, nhóm chuyên môn tiếp tục có sự chuyển biến rõ nét so với các năm học trước” - ông Kháng nhận định.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phòng Giáo dục huyện Đơn Dương cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, khó khăn hiện tại, nhất là vấn đề chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đơn cử như tỷ lệ bỏ học vẫn còn; cùng với đó việc tạo môi trường sinh hoạt ngoại khóa như nhà đa năng, sân chơi, bãi tập ở một số trường chưa được đầu tư, nâng cấp. Do đó, thời gian tới, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đơn Dương sẽ thực hiện cụ thể kế hoạch huy động ra lớp, phát triển các cấp học, bậc học, nhất là tại các vùng dân tộc thiểu số. Đồng thời, tăng cường quản lý hoạt động dạy, học và đánh giá nhằm nâng cao chất lượng học sinh và giáo viên. Song song với đó, đơn vị sẽ tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong ngành; tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, trong đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng được tập trung thực hiện và đạt kết quả tốt.

Với những nỗ lực của ngành Giáo dục Đơn Dương, năm học 2020-2021 được xem là một năm với nhiều dấu ấn nổi bật. Cũng bởi những lý do đó, năm học này, tập thể Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đều hoàn thành nhiệm vụ được giao; trong đó có 1 cá nhân vinh dự được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen; 4 cá nhân được tỉnh và huyện tuyên dương, khen thưởng; Phòng được Sở Giáo dục và Đào tạo tặng Giấy khen và được công nhận là Tập thể Lao động xuất sắc.

N.QUỲNH - T.HIỀN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202201/dau-an-giao-duc-don-duong-3100780/