Dấu ấn Hà Nội tạo đà vững bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc (Bài 2)

Đảng bộ TP. Hà Nội với những bước đi đột phá, có nhiều đổi mới, sáng tạo đã góp phần quan trọng giữ vững, phát huy vị thế, vai trò là trái tim cả nước, ngày càng năng động, sáng tạo. Trong hành trình đó, Hà Nội đã, đang và tiếp tục quyết liệt triển khai thực hiện 3 đột phá chiến lược về hạ tầng kinh tế - xã hội, chất lượng nguồn nhân lực và hoàn thiện thể chế. Đây là những mũi nhọn, chủ công dẫn dắt kinh tế - xã hội phát triển, cơ bản thực hiện thắ lợi mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XIII của Đảng và Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, khẳng định vị thế của Thủ đô trên con đường hội nhập, bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

BÀI 2: ĐÁNH GIÁ CÁN BỘ - ĐỘT PHÁ KHÂU “THEN CHỐT CỦA THEN CHỐT”

Tạo sức bật, sự lan tỏa để thực hiện các mục tiêu chiến lược đề ra từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 của BCH Đảng bộ TP. Hà Nội về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo” (sau đây gọi là Nghị quyết 04) tạo chuyển biến căn bản, góp phần quan trọng giúp Thành phố đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.

Một nhiệm kỳ với những dấu ấn

Bằng nhiều giải pháp đồng bộ xây dựng Đảng, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ TP. Hà Nội quyết liệt hành động; sáng tạo, đổi mới tư duy, biện pháp để thực hiện hiệu quả các chương trình, nghị quyết đề ra. Thực hiện nhiệm vụ chính trị thường xuyên, đột xuất, Đảng bộ vừa xác định rõ trọng tâm, trọng điểm; lựa chọn trúng và đúng những vấn đề cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Nghị quyết 04 là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Thành ủy Hà Nội về công tác cán bộ và cũng là nghị quyết chuyên đề đầu tiên khóa XVI, nhiệm kỳ 2020-2025, đã cụ thể hóa Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 của BCH Trung ương về tập trung xây dựng đội ngũ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Đăc biệt, BTV Thành ủy đã ban hành Chỉ thị 24-CT/TU ngày 7-8-2023 về việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị của Hà Nội, gợi ý 25 biểu hiện nhận diện để các cán bộ, công chức, viên chức tự soi, tự sửa.

Thực hiện Nghị quyết 04, đến nay các chỉ tiêu về công tác cán bộ đều cơ bản đạt và vượt. Cụ thể: Tỷ lệ cán bộ trẻ diện BTV các cấp ủy quản lý đạt 12,6%; tỷ lệ cán bộ nữ diện BTV các cấp ủy quản lý đạt 33,4%; số cán bộ diện BTV các cấp ủy quản lý đạt trình độ thạc sỹ, tiến sỹ đạt 42,4%. Số cán bộ thuộc diện BTV cấp ủy quản lý có trình độ chuyên môn đại học, lý luận chính trị từ trung cấp trở lên đạt 73,5%. Số cán bộ lãnh đạo, quản lý diện BTV Thành ủy quản lý được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới đạt 100%.

Khảo sát công tác tổ chức xây dựng Đảng ở Hà Nội cho thấy tinh thần chủ động, đi trước đón đầu về tư duy, ý chí và hành động của đội ngũ lãnh đạo Thành phố trong nỗ lực chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, hiện thực hóa quan điểm: Cán bộ là gốc của mọi công việc, là ‘then chốt của then chốt”. Có những vấn đề mới, khó, có tính tiên phong Hà Nội đã nỗ lực thực hiện lan tỏa xuống cấp quận, huyện, cơ sở, tiêu biểu là đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (sau đây gọi là đánh giá cán bộ). Là khâu khó, khâu yếu, Hà Nội xác định cần có phương pháp đánh giá sát thực hơn. Theo đó, Hà Nội sử dụng phần mềm đánh giá cán bộ hằng tháng trong toàn hệ thống chính trị Thành phố kể từ 1-1-2022. Tính đến Quý I-2024, toàn Thành phố có 177.379 tài khoản dùng trên phần mềm đánh giá; tỷ lệ đánh giá hằng tháng trên phần mềm đạt 99,32%. Kết quả ghi nhận từ cơ sở cho thấy, đổi mới công tác đánh giá cán bộ hằng tháng đã giúp phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, quản lý, siết chặt kỷ cương, chuẩn hóa và xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp; nâng cao ý thức, trách nhiệm, tính tự giác trong thực thi công việc của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; tạo môi trường sáng tạo, đổi mới, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá cao.

Là một trong những địa bàn đi đầu trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Thành phố, Trong những nhiệm kỳ gần đây nhất, BCH Đảng bộ quận Long Biên luôn xác định nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là khâu đột phá. Quận ủy đã xây dựng các chương trình cho từng giai đoạn như Chương trình số 04-CTr/QU về đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức (nhiệm kỳ 2010-2015); Chương trình số 02-Ctr/QU về đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm (2015-2020). Giai đoạn 2020-2025, Chương trình số 01-CTr/QU về “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng; củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, từng bước đáp ứng yêu cầu hội nhập”. Mỗi giai đoạn, quận Long Biên lựa chọn, triển khai đổi mới nội dung, giải pháp phù hợp để đạt mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, trong đó cách đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (sau đây gọi chung là đánh giá cán bộ) là một trong những giải pháp đột phá, mang lại hiệu quả rõ nét.

Quận Long Biên là một trong những đơn vị đầu tiên của Thành phố thực hiện đánh giá cán bộ hằng tháng. Quận triển khai thí điểm từ năm 2013, chính thức áp dụng trong toàn hệ thống chính trị từ năm 2015 và thực hiện theo sự chỉ đạo chung của Thành phố từ năm 2022 đến nay. Công tác đánh giá cán bộ đi vào nền nếp, việc vận hành hệ thống phần mềm đánh giá của Thành phố cơ bản thuận lợi. Kết quả đánh giá là cơ sở quan trọng để thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ. Đồng chí Ngô Mạnh Điềm, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy cho biết, hiện quận Long Biên có hơn 5.000 tài khoản của cán bộ, công chức được đánh giá với 152 đơn vị khối Đảng, chính quyền, đoàn thể phường và khối trường học. Trung bình hằng tháng tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiếm 12,7% và chỉ riêng 9 tháng đầu năm 2024 có 171 trường hợp được nâng mức xếp loại và 205 trường hợp bị hạ mức xếp loại. Bên cạnh đánh giá cán bộ, công chức hằng tháng, quận Long Biên chủ động xây dựng và ban hành một bộ tiêu chí đánh giá sự chuyên nghiệp của, công chức, viên chức. Việc đánh giá được thực hiện hằng quý từ năm 2021, đến năm 2023 có điều chỉnh, bổ sung một số nội dung phù hợp với tình hình thực tiễn. Qua ba năm thực hiện đã có 4.864 lượt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đăng ký thực hiện. Việc đánh giá cán bộ hằng tháng luôn gắn với công tác thi đua, khen thưởng tạo động lực để cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Các trường hợp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được biểu dương và tổ chức trao thưởng tại lễ chào cờ hằng tháng, kinh phí khen thưởng trên 2 tỉ đồng/năm.

Đã hiệu quả, cần hiệu quả hơn

Với những giải pháp đổi mới, đánh giá cán bộ hằng tháng của quận Long Biên ngày càng thực chất, khách quan, tiếp tục khẳng định đây là giải pháp hữu hiệu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp và từng bước hội nhập, hướng tới mục đích cao nhất là nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới đòi hỏi đánh giá cán bộ phải được đổi mới và nâng cao về chất lượng với tinh thần đã hiệu quả rồi cần hiệu quả hơn nữa, đã đổi mới rồi cần tiếp tục đổi mới. Vì vậy, BTV Quận ủy đã xây dựng, ban hành nghị quyết số 27-NQ/QU ngày 19-7-2024 về nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hằng tháng trên địa bàn quận Long Biên. Nghị quyết đề ra bảy nhóm giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém, nâng cao hơn nữa chất lượng đánh giá cán bộ hằng tháng, trong đó có hai nhiệm vụ, giải pháp căn cơ và quan trọng. Một là cần phải thống nhất và ban hành một quy trình đánh giá cán bộ bảo đảm tính khoa học, kiểm soát và rõ trách nhiệm của các cá nhân tham gia vào quy trình đánh giá. Hai là phải tạo lập được cơ chế tổng hợp thông tin chính xác, khách quan cho người có thẩm quyền đánh giá cán bộ hằng tháng. Đây được xác định là điểm đột phá trong công tác đánh giá cán bộ nói chung và công tác cán bộ nói riêng của quận Long Biên nhiệm kỳ 2020-2025. Theo đó, cơ chế thông tin, tổng hợp phục vụ đánh giá cán bộ hằng tháng quy định rõ về xây dựng, kiểm soát việc thực hiện kế hoạch công tác tháng. Quy trình đánh giá cán bộ hằng tháng quy định thời gian thực hiện các công việc cụ thể từ tổng hợp số liệu thực hiện của các đơn vị trên phần mềm của văn phòng quận ủy, văn phòng HĐND và UBND, thanh tra quận, Ủy ban kiểm tra Quận ủy cho đến các bước như ban hành văn bản gửi các Thủ trưởng đơn vị để xác định trách nhiệm cá nhân đối với những hạn chế trong tháng; cá nhân cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tự đánh giá tháng; thủ trưởng các đơn vị đánh giá cán bộ theo thẩm quyền được giao; tổng hợp các nội dung có liên quan, tham mưu lãnh đạo UBND quận, Thường trực HĐND Quận, Thường trực Quận ủy đánh giá các trường hợp thuộc thẩm quyền; thông tin số lượng các trường hợp được nâng mức, hạ mức xếp loại; được khen thưởng hằng tháng để các đơn vị có liên quan tổng hợp báo cáo, công khai tại Lễ chào cờ đầu tháng.

Những chuyển động tích cực từ hiệu quả đánh giá cán bộ hằng tháng tạo cơ sở nâng cao chất lượng, phát triển nguồn nhân lực cho Long Biên. Song để có bứt phá đáp ứng yêu cầu phát triển mới, vẫn còn những điểm nghẽn cần được khai thông với quyết tâm cao và nỗ lực lớn của cấp ủy nơi đây. Làm việc về vấn đề này ở phường Giang Biên, đồng chí Nguyễn Hữu Lâm, Bí thư Đảng ủy phường cho biết: Việc đánh giá cán bộ đã hình thành một thói quen, trở thành một nhiệm vụ thường xuyên mà cán bộ, công chức ở phường ai cũng phải làm và ai cũng làm được. Với tinh thần không ngừng đổi mới, không bằng lòng với kết quả đạt được, bên cạnh phần mềm đánh giá của Thành ủy, phường triển khai mô hình đánh giá công việc dựa trên biểu ngang. Theo đó, Đảng ủy phường Giang Biên đã xây dựng biểu ngang cụ thể hóa các nội dung nghị quyết lãnh đạo công tác tháng, đồng thời đánh giá thực hiện các nội dung đó. Biểu ngang đánh giá xác định rõ từng nội dung công việc, lãnh đạo phụ trách, cá nhân/đơn vị thực hiện, cũng như thời gian thực hiện và kết quả việc thực hiện. Biểu ngang này giúp cấp ủy kiểm tra, đánh giá rõ ràng và cụ thể kết quả công việc của cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ. Bước xây dựng biểu ngang này trước đó chưa được triển khai thực hiện. Đây là cơ sở để việc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mỗi cá nhân thêm có cơ sở và chặt chẽ, khách quan, công khai, minh bạch và chính xác hơn.
Áp lực hay động lực

Việc đánh giá cán bộ hằng tháng vừa tạo ra động lực đồng thời cả áp lực để mỗi cán bộ, công chức nỗ lực hơn nữa thực hiện nhiệm vụ được giao. Để thực hiện đánh giá hiệu quả nhất, mấu chốt là trách nhiệm của người có thẩm quyền đánh giá. Đánh giá đúng, trúng, kịp thời sẽ tạo động lực, ngược lại cán bộ sẽ mất động lực phấn đấu, giảm hiệu suất hoặc chỉ làm ở mức hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời với đánh giá đúng là kịp thời có cơ chế động viên khen thưởng sẽ khuyến khích sáng kiến, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Do đó, ngoài quy định khen thưởng chung, quận long Biên đã xây dựng đề án về khen thưởng phù hợp thực tiễn, quá trình triển khai thực hiện hiệu quả, được cán bộ và người lao động đồng tình, phấn khởi. Giữ vững nguyên tắc “chất lượng, hiệu quả công tác khen thưởng “đúng nơi, đúng chỗ” nhưng đồng thời phải linh hoạt, phù hợp thực tiễn.

Đồng chí Đào Thị Hoa, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Long Biên cho biết, việc đánh giá cán bộ, công chức hằng tháng đối với Ngành Giáo dục và Đào tạo quận Long Biên có nền nếp từ nhiều năm. Ngành Giáo dục và Đào tạo quận Long Biên có 265 cán bộ quản lý ở ba cấp học, trong đó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo trực tiếp đánh giá 94 hiệu trưởng hằng tháng. Việc đánh giá dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch tháng được giao, nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất. Các tiêu chí đánh giá được xây dựng rõ và được thực hiện công khai, minh bạch. Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo trực tiếp đánh giá, dựa trên kết quả theo dõi, đánh giá của các phó trưởng phòng phụ trách từng cấp học, kết quả kiểm tra trực tiếp và thông qua hệ thống, cũng như tự đánh giá của các hiệu trưởng. Việc đánh giá hằng tháng tạo ra áp lực nhưng cũng là động lực cho cán bộ, công chức trong việc hoàn thành nhiệm vụ, kiểm soát tốt việc triển khai thực hiện nhiệm vụ tại nội bộ đơn vị, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục đào tạo. Kết quả đánh giá được công khai tại các cuộc họp giao ban hàng tháng, là cơ sở để khen thưởng, bổ nhiệm và phát triển đội ngũ cán bộ. Thực tế cho thấy, nhiều cán bộ khi tự đánh giá đã nhận mức xếp loại thấp hơn so với thực tế kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Nhưng trong quá trình theo dõi hằng tháng, lãnh đạo phòng đã họp xét, nhiều cán bộ đã được nâng mức xếp loại cao hơn mức tự đánh giá. Điều này đã tạo động lực cho cán bộ bởi sự cống hiến, nỗ lực của họ được ghi nhận, đồng thời cũng phát huy được tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm khuyến khích cán bộ đưa ra những giải pháp khả thi trong thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là những nhiệm vụ mới, khó.

Ở Đảng ủy phường Giang Biên, hằng tháng đồng chí Bí thư Đảng ủy chịu trách nhiệm đánh giá cán bộ thuộc khối Đảng, đoàn thể; đồng chí Chủ tịch UBND phường đánh giá cán bộ thuộc khối chính quyền. Việc đánh giá được tiến hành theo quy trình nội bộ từ ngày 20 cho đến 25 hằng tháng. Sẽ có một buổi họp cán bộ, công chức khối đảng, đoàn thể để tiến hành đánh giá toàn bộ việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trong tháng, chỉ ra những kết quả đạt được, hạn chế và những nội dung nào cần phải quan tâm để tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Công việc chưa bảo đảm tiến độ phải có giải trình, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị.

Đồng chí Bí thư Đảng ủy phường Giang Biên khẳng định, từ khi áp dụng biểu ngang trong đánh giá cán bộ, từng bộ phận chuyên môn, từng cán bộ, công chức nhìn nhận, xác định rõ hơn nhiệm vụ của mình trong thực hiện nhiệm vụ chung của phường, từ đó chủ động xây dựng lịch công tác tuần, tháng; tự kiểm soát tiến độ công việc của mình. Các đồng chí lãnh đạo cũng kiểm soát được công việc của từng cán bộ chuyên môn. Việc đánh giá làm rõ đầu mối công việc, trách nhiệm cá nhân cũng như phương hướng giải quyết, khắc phục hạn chế.

Chia sẻ với chúng tôi, đồng chí Vũ Hoa Hồng, công chức Văn phòng Thống kê, UBND phường Giang Biên khẳng định: Việc thực hiện quy trình đánh giá cán bộ, công chức có tác động rất lớn đến hiệu quả giải quyết công việc của từng cán bộ, công chức. Các tiêu chí trong đánh giá cán bộ, công chức cụ thể, rõ ràng sẽ giúp xác định được mức độ hoàn thành công việc của từng cán bộ, công chức và từ đó xác định nhiệm vụ phải làm trong tuần và tháng. Thực hiện tốt quy trình đánh giá cán bộ giúp từng cán bộ, công chức nhìn rõ được điểm mạnh và khắc phục ngay những hạn chế để từ đó mỗi cá nhân có thể phát huy được tối đa năng lực, sở trường của mình góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc. Đồng thời, cơ chế khen thưởng hằng tháng đối với cán bộ, công chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được xem là yếu tố quan trọng thúc đẩy tinh thần làm việc và trách nhiệm của cán bộ, công chức, kịp thời tạo động lực giúp mỗi cán bộ cố gắng, nỗ lực hơn mỗi ngày.

Khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm

Ngày 10-10-2024, Phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình) đã ra mắt mô hình "Cộng đồng hạnh phúc” gắn với Tổ dân phố kiểu mẫu tại Tổ dân phố số 4. Mô hình nhận được sự đồng thuận cao trong Chi bộ số 4 và người dân. Một trong những người đưa ra ý tưởng triển khai xây dựng “Cộng đồng hạnh phúc” trên địa bàn phường Ngọc Khánh là đồng chí Trần Thị Thu Quỳnh, đảng ủy viên, Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Khánh. Đây là cán bộ có năng lực và triển vọng phát triển, được quy hoạch ba chức danh trong quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2020-2025 của phường Ngọc Khánh. Chia sẻ về công tác quy hoạch cán bộ và bản thân được quy hoạch ba chức danh, đồng chí Trần Thị Thu Quỳnh khẳng định, việc thực hiện đầy đủ các bước theo quy trình trong công tác quy hoạch cán bộ, công khai, minh bạch thông tin về những cá nhân dự kiến vào vị trí, chức danh quy hoạch là động lực để cán bộ có hướng phấn đấu, nỗ lực trong công việc nhất là trong những việc mới, việc khó. Bản thân trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ, muốn có đóng góp, đồng hành cùng nhân dân hiện thực hóa nguyện vọng xây dựng cuộc sống hạnh phúc. Từ đó đã tham mưu Quận ủy, UBND triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng “Cộng đồng hạnh phúc” gắn với xây dựng tổ dân phố kiểu mẫu, lựa chọn thí điểm ở tổ dân phố số 4, sau đó nhân rộng trong phường.

Đồng chí Nguyễn Thị Vượng, Bí thư Đảng ủy phường Ngọc Khánh chia sẻ, Đảng ủy khuyến khích phát huy trí tuệ, khơi dậy lý tưởng, cống hiến của cán bộ. Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 06-NQ/ĐU về quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị phường Ngọc Khánh giai đoạn 2024-2030 nhằm tháo gỡ khó khăn về công tác cán bộ cơ sở với phương châm sâu rễ, bền gốc. Nghị quyết thực hiện ba nguồn quy hoạch: quy hoạch cán bộ tại cấp phường; quy hoạch cán bộ của khối các đoàn thể chính trị xã hội và quy hoạch cán bộ đối với địa bàn dân cư, tổ dân phố. Theo phương châm “động” và “mở”, trên cơ sở rà soát toàn bộ nguồn cán bộ hiện có cũng như cơ cấu nhân sự để bổ sung BCH Đảng bộ, nếu cán bộ tại chỗ chưa đáp ứng được tiêu chuẩn, đảng ủy chủ động tìm nguồn cán bộ ở các nơi khác trên địa bàn quận có đủ tiêu chuẩn, triển vọng phát triển phù hợp với những vị trí, chức danh ở phường. Theo đó, hiện phường Ngọc Khánh thực hiện quy hoạch chức danh phó chủ tịch UBND phường với đồng chí đang là cán bộ của Đội Thanh tra xây dựng quận Ba Đình.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Quận ủy Ba Đình cho biết, trong nhiệm kỳ vừa qua, Quận Ba Đình thực hiện toàn diện phương châm "động và mở" trong công tác quy hoạch và sử dụng cán bộ. Quận đã có những giải pháp cụ thể như rà soát, đánh giá quy hoạch hằng năm, mở rộng nguồn quy hoạch, đánh giá và điều động cán bộ chặt chẽ. Tính đến thời điểm sử dụng chưa có cán bộ bảo đảm tiêu chuẩn, Quận ủy Ba Đình đã mạnh dạn quy hoạch đối với những nguồn ngoài quận có tiêu chuẩn phù hợp với chức danh, vị trí công tác ở quận. Giải pháp này mang lại hiệu quả rõ rệt trong một số lĩnh vực, trong đó có việc quy hoạch và bổ nhiệm Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận từ nguồn bên ngoài. Theo đó, đồng chí Lê Đức Thuận khi đang là Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàn Kiếm được quy hoạch chức danh Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình. Khi được bổ nhiệm chức danh Trưởng phòng, đồng chí Lê Đức Thuận đã phát huy vai trò người đứng đầu tận tụy, tâm huyết cùng tập thể phòng tham mưu UBND quận thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, cùng với sự nỗ lực cống hiến không mệt mỏi, yêu nghề của cán bộ, giáo viên và người lao động Ngành Giáo dục – Đào tạo quận tạo nhiều dấu ấn đột phá, đưa Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình từ vị trí 17/30 đầu nhiệm kỳ 2020-2025 lên vị trí thứ 2 trong 30 quận, huyện, thị xã của Thành phố. Nhiều năm Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình được Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội đánh giá hoàn thành xuất sắc 13/ 13 lĩnh vực thi đua, đặc biệt là lĩnh vực tổ chức cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng.

Chia sẻ với chúng tôi, đồng chí Lê Đức Thuận cho biết, có những việc khó nhưng Ngành Giáo dục và Đạo tạo Ba Đình đã nỗ lực và đạt được những kết quả tích cực, nhất là thực hiện chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Trước tình trạng chung của Ngành Giáo dục là tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn theo Luật Giáo dục mới chưa cao, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận đã tham mưu ban hành đề án về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên, nhân viên trong toàn Ngành. Khuyến khích và tạo điều kiện để giáo viên tham gia các lớp đạt chuẩn và trên chuẩn nhằm thực hiện giáo viên chưa đạt chuẩn phải đạt chuẩn trước năm 2025. Đến nay, gần 100 % giáo viên của quận Ba Đình đã đạt chuẩn và đặc biệt là tỷ lệ giáo viên trên chuẩn đạt 36%. Chú trọng đến công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận là nơi tiếp nhận các giáo viên có năng lực, tâm huyết về biệt phái để đào tạo, phát triển làm cán bộ quản lý của các trường học thuộc quận. Phòng Giáo dục đã tham mưu cho Quận ủy và UBND quận tổ chức các lớp bồi dưỡng chính trị hè cho 3.800 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong toàn Ngành theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tới tất cả các điểm cầu. Trong công tác bồi dưỡng, tập trung vào những chuyên đề giáo viên đang còn vướng, yếu, thiếu với 3 điểm nhấn: chọn giảng viên bồi dưỡng giàu tâm huyết, năng lực chuyên môn; công tác quản lý việc tập huấn, bồi dưỡng chặt chẽ; lấy ý kiến đóng góp về chương trình tập huấn từ các học viên. Hằng năm, Ngành Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình tổ chức hội nghị đối thoại nắm bắt tâm tư nguyện vọng, kịp thời giải đáp những khúc mắc trong quá trình triển khai nhiệm vụ năm học ở các nhà trường. Tùy từng thời điểm, chủ đề đối thoại là vấn đề “nóng”, thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội, tạo sự đồng thuận trong việc triển khai nhiệm vụ giáo dục – đào tạo trong toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam nói chung, TP. Hà Nội nói riêng đang đứng trước cơ hội lớn bước vào kỷ nguyên mới. Đây là lúc Hà Nội hành động quyết liệt, cần nhiều hơn những cán bộ, đảng viên có tầm nhìn chiến lược, tư duy đổi mới, sáng tạo và bầu nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm, không ngại việc khó, việc mới để Hà Nội giữ vững vị trí trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của cả nước.

(Còn nữa)

Diệp Chi

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/nghi-quyet-va-cuoc-song/dau-an-ha-noi-tao-da-vung-buoc-vao-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-bai-2-22229