Dấu ấn hành trình 'ánh sáng tri thức'

Chuyến xe 'Ánh sáng tri thức' đang mang giá trị gieo mầm, giúp các em tiếp cận với sách và tạo niềm hứng khởi, đam mê để xây dựng thói quen đọc sách suốt đời…

Dấu ấn hành trình

Chuyến xe tri thức

Trong một không gian mở, thân thiện, hơn 570 học sinh Trường tiểu học An Thịnh (thị trấn Phú Long, Hàm Thuận Bắc) lần đầu tiên được thỏa thích chọn sách, đọc sách. Những nhóm học trò tụm năm, tụm bảy dưới gốc cây “ngấu nghiến” các loại sách tham khảo, thế giới động thực vật, lịch sử, địa lý, kỹ năng sống, văn học, truyện tranh, sách về Bác Hồ. Nhóm lại truy cập internet, nhóm thì cẩn thận ghi chép viết cảm nhận về những cuốn sách yêu thích.

 Học sinh các trường đọc sách.

Học sinh các trường đọc sách.

Em Hồ Thị Kim Ngân (lớp 5C) chia sẻ: “Sáng nay em đã tìm được cuốn “Truyện cười dân gian Việt Nam”. Đọc truyện giúp em có tinh thần thoải mái trước giờ học”. Còn Nguyễn Ngọc Bảo Ngân vui mừng khi lần đầu tiên được tiếp cận với nhiều sách như vậy. Nhờ đọc sách thường xuyên nên em biết rất nhiều kiến thức bổ ích cho cuộc sống.

Văn hóa đọc phải được rèn luyện từ nhỏ và trường học là môi trường tốt nhất để hình thành thói quen này cho các em. Tuy nhiên thực tế hiện nay, rất nhiều trường tiểu học và THCS ở các huyện còn thiếu thốn về cơ sở vật chất. Đặc biệt nguồn sách tại thư viện còn nghèo nàn, mới chỉ đáp ứng được một phần nguồn sách tham khảo, sách truyện. Thêm vào đó, trường hầu như chưa tổ chức được các hoạt động như giới thiệu sách, viết cảm nhận, đố vui về sách, sưu tầm và triển lãm trang bìa sách… khơi gợi học sinh đọc sách. Các trường mới dừng lại ở 1 – 2 đợt thi kể chuyện về Bác Hồ, lồng ghép trong các tiết học của giáo viên chủ nhiệm. Vì thế xe thư viện lưu động đa phương tiện với hơn 2.600 đầu sách các loại, cùng các thiết bị máy tính, ti vi đã góp phần trang bị thêm kiến thức trong học tập, giải trí, nâng cao vốn hiểu biết cho các em.

Nhìn học sinh say sưa đọc và nâng niu từng trang sách, bà Nguyễn Thái Ngọc Hân (Phòng Thông tin thư mục, Thư viện tỉnh) vui mừng cho biết: “Trong 21 trường học xe “Ánh sáng tri thức” đi qua từ đầu năm 2020 đến nay, có nhiều điểm cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, nhưng khi nghe xe thư viện lưu động về, cả thầy và trò đều rất háo hức. Điều này cho thấy thái độ và tinh thần ham học, yêu sách của các em. Tuy thời gian phục vụ chỉ gói gọn trong 1 buổi/trường, chưa thỏa mãn nhu cầu tìm kiếm thông tin của giáo viên và học sinh, nhưng chúng tôi mong rằng, từ hoạt động này sẽ gieo mầm tình yêu sách trong các em và chuyển tải được thông điệp “Đọc sách là học tập suốt đời””.

Xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng

Thực hiện Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ, Bình Thuận đã ban hành kế hoạch phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Hàng năm, các cơ quan, ban, ngành, lực lượng vũ trang đều tổ chức Ngày sách Việt Nam; vận động học sinh, sinh viên trong hệ thống trường học đến thư viện đọc sách. Ngoài ra các đơn vị thuộc ngành văn hóa, thể thao và du lịch còn tổ chức nhiều đợt hoạt động đưa văn hóa về cơ sở. Nổi bật là việc đưa sách về phục vụ tại các trường học và tuyên truyền kỹ năng đọc sách cho bạn đọc thiếu nhi, với các nội dung như xác định mục tiêu đọc sách, tác dụng của việc đọc sách trong hỗ trợ học tập, ghi nhớ tên, nội dung sách thông qua việc ghi lại nội dung sách, vẽ sơ đồ nội dung sách và viết cảm nhận về sách; tổ chức thi đố vui và các hoạt động khác nhằm thu hút thiếu nhi, học sinh đến thư viện. Hệ thống thư viện công cộng áp dụng miễn lệ phí thẻ cho học sinh, sinh viên. Phát động cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”, tiến hành luân chuyển sách hỗ trợ thư viện trường học xây dựng “Thư viện xanh”…

Cùng với đó, các đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân cũng đã đồng hành, thúc đẩy văn hóa đọc với hình thức hỗ trợ kinh phí và hiện vật cho Thư viện tỉnh tổ chức hoạt động hỗ trợ đọc sách và tặng quà cho học sinh nghèo, xây dựng quầy hàng giảm giá sách. Từ năm 2018 – 2020, Thư viện tỉnh đã phục vụ được hơn 4,6 triệu lượt bạn đọc, cao nhất trong 9 tỉnh khu vực miền Đông Nam bộ và Cực Nam Trung bộ; cấp gần 2.300 lượt thẻ; bổ sung hơn 16.500 tài liệu phục vụ người đọc.

Ông Trần Văn Bé – Giám đốc Thư viện tỉnh thông tin: Hiện Thư viện tỉnh đang nâng cấp phần mềm quản trị cơ sở dữ liệu sách. Xây dựng cổng thông tin điện tử phục vụ việc tra cứu và khai thác thông tin, xây dựng các bộ sưu tập tài liệu toàn văn, giới thiệu sách mới, sách chuyên đề và thường xuyên truy cập thông tin phục vụ người đọc thông qua website của thư viện. Triển khai sử dụng mạng xã hội giới thiệu sách, giới thiệu các bộ sưu tập sách về văn học, về y học, về danh lam thắng cảnh, về nông nghiệp. Như vậy, bằng nhiều cách làm khác nhau, chúng ta sẽ làm lan tỏa tình yêu sách đến với tất cả mọi người, nhất là với lứa tuổi học sinh. Để rồi từ những cuốn sách hay, từ những bài học bổ ích, mọi người có thể viết thêm nhiều câu chuyện đẹp đem đến niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống.

Từ khi đưa xe “Ánh sáng tri thức” vào hoạt động tháng 10/2019 đến nay, thư viện lưu động đã phục vụ hơn 8.481 lượt bạn đọc và 25.503 lượt tài liệu luân chuyển đến tay bạn đọc tại hầu khắp các huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Qua mỗi chuyến xe phục vụ đọc sách và tổ chức các hoạt động khuyến khích đọc sách cho thấy hiệu quả mang lại hơn hẳn tất cả các cuộc truyền thông, vận động đọc sách trước đây.

Thùy Linh

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/van-hoa/dau-an-hanh-trinh-anh-sang-tri-thuc-128947.html