Dấu ấn Hoàng Xuân Nhị
GS Hoàng Xuân Nhị mất năm 1990, đến nay đã 31 năm. Hơn ba thập niên không phải là quá dài, song cũng đủ để nhìn lại những cống hiến của ông - một trí thức 'toàn đức, toàn tài', một con người 'khiêm nhường, giản dị, không màng chức tước, danh lợi'…
1. GS Hoàng Xuân Nhị sinh năm 1914 tại làng Yên Hồ (huyện Ðức Thọ, Hà Tĩnh) trong một gia đình Nho học và mồ côi mẹ từ nhỏ. Thiếu thời, Hoàng Xuân Nhị học ở Vinh. Ông sớm mang trong mình những tố chất đặc biệt: hiếu học và học giỏi; yêu nước và tận trung với nước; sự quyết chí và kiên định.
Sau khi lấy bằng thành chung ở Huế, Hoàng Xuân Nhị ra học ở khoa Luật ở Hà Nội. Năm 1936 ông nhận được học bổng của Hội Khuyến khích du học đi du học ở Pháp, chuyên nghiên cứu về văn chương và triết học. Liền hai năm sau, ông lấy xong bằng cử nhân và thạc sĩ. Hưởng ứng lời kêu gọi năm 1946 của Hồ Chủ tịch, ông là một trong những tên tuổi trí thức cùng thời Lê Văn Thiêm, Trần Đại Nghĩa, Phạm Ngọc Thạch… từ bỏ cuộc sống sung sướng, đầy đủ ở nước ngoài để trở về tham gia kháng chiến kiến quốc.
Năm 1946, ông phụ trách lĩnh vực văn hóa ở miền Nam. Năm 1947, ông được Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam bộ bổ nhiệm làm Giám đốc Viện Văn hóa Kháng chiến, đồng thời giao phụ trách tờ La Voix Du Maquis (Tiếng nói kháng chiến) - tờ báo ngoại ngữ đầu tiên ở chiến khu cách mạng. Do giỏi nhiều ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức), ông còn được ủy ban giao làm nhiệm vụ chính trị viên của binh đoàn quốc tế gồm các binh sĩ rời bỏ hàng ngũ của Pháp. Cũng năm 1947, Hoàng Xuân Nhị được bổ nhiệm làm Giám đốc Viện Văn hóa kháng chiến. Khi ngành văn hóa thống nhất với ngành giáo dục, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Nha Giáo dục Nam bộ. Năm 1949, Hoàng Xuân Nhị tham gia mở lớp sư phạm đặc biệt mang tên Phan Chu Trinh đào tạo văn hóa cho lực lượng kháng chiến.
Sau Hiệp định Genève, Hoàng Xuân Nhị tập kết ra Bắc, được phong giáo sư, giảng dạy các trường: Đại học Sư phạm, Đại học Tổng hợp Hà Nội từ 1956 đến 1982. Cùng với công việc giảng dạy, ông đã để lại nhiều dấu ấn với việc nghiên cứu và dịch thuật các tác phẩm văn học Việt Nam và thế giới như: “Chinh phụ ngâm” (dịch sang tiếng Pháp, 1938), “Truyện Kiều” (Kịch nói, 1942), “Maksim Gorky” (1958), “Mayakovsky” (1961), “Tìm hiểu thơ Hồ Chủ tịch” (1975), “Nguyên lý mỹ học Mác - Lênin”, “Lịch sử văn học Nga - Xô viết” (5 tập, 1957 - 1962)...
2. Nhắc đến GS Hoàng Xuân Nhị, không thể không nhắc đến dấu ấn của ông ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội). Có thể nói, cả cuộc đời đã sống và cống hiến cho ngôi trường này, nên năm 1990, khi ông ra đi, đây lại là nơi tiễn biệt ông. Ông được mệnh danh là “người thầy của một thế hệ”, là “cây đại thụ của làng đại học, của nền giáo dục Việt Nam mới”…
Những thế hệ sinh viên “đời đầu” của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội luôn ghi dấu trong tim hình ảnh một người thầy đức độ, tài năng. Bởi, suốt những tháng năm gắn bó với trường thì cũng chừng ấy năm ông giữ chức vụ trưởng khoa Văn (1957 - 1982). Với cương vị là người đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng cho khoa Văn, bằng uy tín, sự nhiệt tình, GS Hoàng Xuân Nhị đã mời nhiều học giả danh tiếng đến khoa thuyết giảng cho sinh viên như Đặng Thai Mai, Cao Xuân Huy, Vũ Ngọc Phan, Hoài Thanh, Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên... Điều đó là hết sức thiết thực, gần gũi và bổ ích với những sinh viên Văn khoa, vì chẳng những kiến thức được nâng lên mà còn được tiếp xúc với chính những tác giả, những nhà lý luận, phê bình nổi tiếng, để được họ truyền cảm hứng và tình yêu vô bờ với văn chương.
GS Phong Lê cho rằng, sự kính trọng và ngưỡng mộ của chúng tôi đối với thế hệ thầy đầu tiên ở bậc Đại học là sự uyên bác, thâm hậu về tri thức. Một khối tri thức lớn, ở tầm cao. Nhưng quan trọng hơn, đó là cách sống, là quan hệ ứng xử, là phẩm chất và nhân cách của người thầy.
Còn PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện thì cho rằng, “với sự thông tuệ, cần mẫn trong nghiên cứu, dịch thuật và một sự nghiệp đáng kể, Thầy Chủ nhiệm khoa Hoàng Xuân Nhị đối với chúng tôi là một tấm gương sáng về chuyên cần học tập, chuyên tâm và khổ công tự học, nghiên cứu khoa học, dịch thuật và chuyển ngữ”.
Ký ức của ông như thước phim quay chậm hiển hiện rõ hình ảnh mùa thu năm 1965, khi đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân, thực hiện chủ trương của Nhà nước và được Nhà trường chỉ đạo, thầy Hoàng Xuân Nhị lãnh đạo toàn Khoa cùng sinh viên rời Ký túc xá Mễ Trì đi sơ tán lên vùng miền núi thuộc xã Vạn Thọ (Đại Từ - Bắc Thái cũ) để tiếp tục học tập không bị gián đoạn hoặc bắt đầu học tập.
Ở nơi sơ tán không có đèn điện như ở Thủ đô, chỉ có đèn dầu tù mù, nước giếng đục hoặc nước ao hồ, sông suối làm nước sinh hoạt, bao nhiêu là khó khăn, trở ngại! Tuy vậy, nhờ có những tấm gương văn học sáng ngời như Paven Coócxaghin, Đội thanh niên cận vệ, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Viết Xuân, thầy Nhị và các đồng nghiệp vẫn trụ vững kiên cường quyết học hành trọn vẹn nơi sơ tán, rèn sức, luyện tài. Đặc biệt, lối sống, lối sinh hoạt, trí tuệ và đạo đức của các thầy, cô như Hoàng Xuân Nhị, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, Nguyễn Tài Cẩn, Hoàng Thị Châu, Nona Xtankevich… cũng là những mẫu mực điển hình ngay trước mắt để các lứa sinh viên lấy chuẩn mực trong việc sôi kinh nấu sử, luyện rèn bút lực, bền gan tráng khí.
3. Suốt 25 năm làm chủ nghiệm khoa Văn, GS Hoàng Xuân Nhị không những để lại rất nhiều các công trình nghiên cứu khoa học, về lý luận văn học, mỹ học, văn học Việt Nam hiện đại mà còn là đặt nền móng cho nền giảng dạy văn học Nga tại Việt Nam.
Theo GS Hà Minh Ðức - một học trò và sau là đồng nghiệp, cùng tổ bộ môn, thì thầy Hoàng Xuân Nhị có năng khiếu về ngoại ngữ và thuận lợi là đã biết nhiều thứ tiếng như Pháp, Ðức, Anh... Ông kể: Thật ra thầy Nhị có thể dạy văn học Đức, văn học Pháp, nhưng chuyên trách về văn học Pháp đã có GS Nguyễn Mạnh Tường, văn học Đức chưa có trong chương trình dạy. Bởi vậy, thầy Nhị đã nhận dạy một môn học mới là văn học Nga và Xô viết. Đảm nhận việc này, thầy Nhị phải học thêm tiếng Nga. Việc học tiếng Nga tuy khó khăn nhưng thầy Nhị chỉ cần dành nửa năm để học; đồng thời qua các tài liệu tham khảo bằng tiếng Pháp, tiếng Đức mà soạn nên bộ giáo trình gồm nhiều tập cho sinh viên các khóa. Bằng tâm huyết đó, trong hoàn cảnh khó khăn, thầy đã biên soạn xong bộ giáo trình khá hoàn chỉnh “Lịch sử văn học Nga thế kỷ XIX” gồm 5 tập được dùng trong tất cả các trường đại học. Thầy cũng là người đã dịch bộ sách “Nguyên lý Mỹ học Mác – Lê nin” hàng nghìn trang; đem đến cho sinh viên và giới học thuật nước nhà những quan điểm mới và có hệ thống về mỹ học Mác – Lê nin. Hai chuyên luận về Gorky và Maiacôpxki, hai bậc thầy tiêu biểu của văn học Xô viết của GS Nhị là hai công trình mở đường cho những người kế tiếp đi sâu nghiên cứu văn xuôi và thơ ca Xô viết…
Có thể nói, GS Hoàng Xuân Nhị là một trong những người đầu tiên có công đầu trong việc tạo ra cuộc tiếp xúc của văn học Việt Nam với một nền văn học vĩ đại của nước Nga và các nước Xô viết.
Hơn 30 năm GS Hoàng Xuân Nhị đã đi xa, ông vẫn để lại một quầng sáng trong nghiên cứu, một nhân cách sống đáng trọng. Nói như PGS.TS Phạm Thành Hưng, sau ngày GS Hoàng Xuân Nhị ra đi, nhiều thập niên qua đi nhưng ảnh hưởng học thuật, nhiệt tình khoa học gắn liền với phong thái ung dung tự tại của người thầy, người trí thức cách mạng vẫn tiếp tục lan tỏa, nối dài như tiếng chuông ngân của một thời đại, tràn sang thế kỷ 21 này.
Tôi nghĩ, GS Hoàng Xuân Nhị thuộc đội ngũ những trí thức sinh bất phùng thời. Đó là những nhà khoa học Việt Nam phải sống và làm việc trong một hoàn cảnh không cần nhiều khoa học. (…) Trần Đức Thảo đi làm thư ký. Trần Đại Nghĩa được giao chế súng là đúng sở trường, Ngụy Như Kontum giỏi vật lý hạt nhân thì tạm thời đi làm quản lý giáo dục cũng là đỡ phí. Kháng chiến chưa cần triết học lẫn vũ khí hạt nhân. Mỗi trí thức đều phải vì lợi ích kháng chiến mà hy sinh cái sở trường của mình, lao động trong sở đoản. GS Hoàng Xuân Nhị những năm đầu khai khoa cũng vậy- GS TS Phạm Thành Hưng
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dau-an-hoang-xuan-nhi-558410.html