Dấu ấn Hội diễn nghệ thuật quần chúng
Hội diễn nghệ thuật quần chúng tỉnh Sơn La lần thứ XIX, năm 2019 đã khép lại, nhưng dư âm của các tiết mục văn hóa văn nghệ mang đậm sắc màu văn hóa dân tộc, lan tỏa tình yêu nghệ thuật do 300 nghệ sỹ, diễn viên, nghệ nhân đến từ các huyện, thành phố biểu diễn vẫn để lại trong lòng người dân vùng đất 'chuối ngọt, xoài thơm' nhiều ấn tượng sâu đậm.
Hội diễn lần này thực sự có nhiều nét đặc sắc, tạo ấn tượng tốt đẹp đối với đông đảo khán giả đến xem và cổ vũ. 50 tiết mục được lựa chọn kỹ lưỡng của 10 huyện, thành phố tập trung vào các chủ đề: Ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ kính yêu, quê hương đất nước đổi mới, bản sắc văn hóa dân tộc tỉnh Sơn La bắt nhịp hài hòa con đường đổi mới, hội nhập và phát triển. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, Trưởng Ban giám khảo đánh giá: Hội diễn lần này, các đoàn đã đem đến nhiều tiết mục có sự đầu tư nghiêm túc về nội dung và chất lượng, chủ đề rõ ràng, kết cấu chương trình chặt chẽ, có tính nghệ thuật cao. Một trong những điểm nổi bật của Hội diễn là những sắc màu văn hóa dân tộc của địa phương hòa quyện trong các bài hát, điệu múa, càng làm tăng thêm sự hấp dẫn. Các đơn vị đã ý thức đầu tư dàn dựng chương trình quy mô, bài bản, chuyên nghiệp, với đội ngũ đạo diễn, biên đạo kinh nghiệm trưởng thành từ phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng địa phương. Các đoàn đã có nhiều cố gắng quy tụ những diễn viên, nghệ nhân giỏi, tâm huyết tham gia, làm phong phú thêm các loại hình nghệ thuật biểu diễn, thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ của đông đảo quần chúng nhân dân.
Liên tục trong 2 đêm diễn, các đoàn đã giới thiệu những làn điệu dân ca, âm nhạc truyền thống; chuẩn bị chu đáo đạo cụ, trang phục; xây dựng chương trình với nhiều ý tưởng hay và độc đáo. Các tiết mục tham gia đa dạng về mặt thể loại, không chỉ dừng lại ở hợp ca, đơn ca mà đã xuất hiện nhiều hơn các tiết mục múa, tấu nhạc cụ dân tộc. Đặc biệt, xuất hiện nhiều phần múa phụ họa cho hầu hết các tiết mục ca hát. Có thể kể đến như: “Sơn La đón Bác Hồ về” của Đoàn NTQC huyện Phù Yên, “Yên Châu quê hương em” của Đoàn NTQC huyện Yên Châu, “Ta tự hào thành phố Hoa Ban” của Đoàn NTQC thành phố Sơn La... Ngoài những tiết mục ca, múa, khán giả còn được thưởng thức các giai điệu âm nhạc dân tộc truyền thống trình diễn bởi các đoàn NTQC huyện Phù Yên, Thuận Châu, Vân Hồ, như: “Chuyện tích Bông Ka Lang”, “Đêm trăng thổ cẩm”, “Chuyện nàng Ban”... với các làn điệu mang đậm âm hưởng núi rừng; các đoàn NTQC huyện Yên Châu, Thành phố lại khai thác những nét độc đáo của nhạc cụ dân tộc nhưng vẫn rất tinh tế qua màn múa hát “Lời ru của mẹ”, “Hoa của núi”... Đặc biệt, trong phần thi trang phục dân tộc, các đoàn đã sưu tầm, khai thác những bộ trang phục đẹp, hoa văn tinh tế, kết hợp với các đồ trang sức trình diễn một cách khéo léo, duyên dáng. Những bộ trang phục cải biên nâng cao của các dân tộc Thái, Mông, Dao... được nghiên cứu, cách tân hợp lý nên vẫn giữ nét đặc trưng trang phục dân tộc truyền thống.
Theo dõi suốt Hội diễn, cảm nhận được sự đầu tư luyện tập nghiêm túc của các đoàn. Những hình ảnh đặc trưng của mỗi địa phương, vùng đất được chuyển tải sống động qua lời ca, điệu múa với sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật, âm thanh, ánh sáng; giúp khán giả phần nào hình dung được những lợi thế và sự hấp dẫn riêng của mỗi địa phương. Chị Mùa Thị Gánh, diễn viên Đoàn NTQC huyện Bắc Yên, chia sẻ: Do các thành viên đều bận việc chuyên môn, nên việc tập hợp để luyện tập rất khó khăn. Là diễn viên không chuyên, tập thuần thục động tác đã khó, lại vừa kết hợp hát, múa và diễn nhuần nhuyễn từ đầu đến cuối càng khó hơn. Dù vậy, anh chị em đều cố gắng tập luyện để có một chương trình đặc sắc, mang dấu ấn riêng. Cũng qua Hội diễn, chúng tôi được giao lưu, học hỏi, rút kinh nghiệm trong xây dựng phong trào NTQC tại địa phương. Còn khán giả Hoàng Thị Yên (bản Tủm, xã Chiềng Khoi) nhận xét: Tôi thấy, các tiết mục tại Hội diễn đều được đầu tư công phu, mang đậm bản sắc dân tộc từ khâu chọn chủ đề chương trình, ca khúc đến giọng ca, dàn dựng sân khấu, đạo cụ. Đặc biệt, các bài hát mang âm hưởng dân gian với giai điệu nhẹ nhàng, chất chứa nhiều tình cảm. Chúng tôi mong được xem nhiều hơn những chương trình như thế này.
Hội diễn NTQC không chỉ là sân chơi nghệ thuật bổ ích và ý nghĩa, mà còn là nơi giao lưu văn hóa, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống dân tộc, duy trì và phát triển phong trào văn nghệ quần chúng trong nhân dân. Đồng thời, là dịp để biểu dương, khích lệ những diễn viên không chuyên, những tài năng trẻ đang hoạt động trong phong trào văn hóa cơ sở, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đóng góp quan trọng hoàn thành nhiệm vụ chính trị của từng địa phương.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/dau-an-hoi-dien-nghe-thuat-quan-chung-24555